19/03/2020 07:37 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ở tuổi 86, danh ca Thái Thanh vừa từ giã cõi đời vào ngày 18/3 (theo giờ Việt Nam) vừa qua, sau hơn 70 năm gắn bó với âm nhạc Việt Nam. Có nhiều danh xưng dành cho bà như “Tiếng hát vượt thời gian”, “Giọng ca huyền thoại”, “Diva của mọi Diva”... Như một nén nhang tiễn đưa, hãy thử tìm hiểu vì sao bà được trân trọng như thế.
Có lẽ “ưu thế” khiến Thái Thanh thành một danh ca Việt Nam “vô tiền khoáng hậu” là bởi bà được sinh ra trong một gia đình “rất máu mê” âm nhạc. Và một điều quan trọng nữa là cái “duyên” với nhạc sĩ Phạm Duy - anh rểbà.
Từ “Gia đình Thăng Long” đến gặp gỡ Phạm Duy...
Thái Thanh sinh năm 1934 tại Bạch Mai (Hà Nội), là con út trong một gia đình vốn có truyền thống hoạt động âm nhạc. Cha của bà là ông Phạm Đình Phụng. Ông Phụng có 2 đời vợ. Bà vợ đầu sinh được 2 con trai là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm (ông Sỹ là chồng của kịch sĩ Kiều Hạnh, sinh ra ca sĩ Mai Hương; ông Viêm là ca sĩ Hoài Trung trong Ban hợp ca Thăng Long sau này). Bà sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy), Phạm Đình Chương (tức ca sĩ Hoài Bắc trong Ban hợp ca Thăng Long) và cô con út Phạm Thị Băng Thanh (tức ca sĩ Thái Thanh). Song thân của họ đều là những “tri âm tri kỷ” nổi tiếng ở đất Hà thànhàHa2, ông Phụng rất sành đàn nguyệt còn mẹ của Thái Thanh lại nổi tiếng về ngón đàn tranh, tỳ bà... cho nên “gene” đờn ca hát xướng đã thấm vào máu huyết của từng thành viên trong gia đình.
Năm 1946, ông Phạm Đình Phụng đưa gia đình tản cư, tại Cống Thần - Chợ Đại và mở một quán phở đặt tên là “phở Thăng Long”. Quán Thăng Long này thường là nơi tụ tập của các văn nghệ sĩ kháng chiến, rồi có những đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” (Phạm Duy cũng có ghé đây vài lần)... Đầu năm 1948, hầu hết các văn nghệ sĩ quen biết với quán phở Thăng Long cũng như các thành viên của quán này đều gia nhập Ban Văn nghệ Liên khu 4. Ông bà chủ nhân quán Thăng Long cũng theo các con vào Chợ Neo (Thanh Hóa) và cũng dựng lên một quán phở Thăng Long tại đây. Phạm Duy xuất hiện ở quán phở Thăng Long (Chợ Neo) thường xuyên hơn...
Phạm Duy vốn say mê cô chị Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng) mà không sao tiếp cận được (vì cô Hằng đang để tang cho người yêu mới tử thương trong trận Nhật đảo chính Pháp tại Hà Nội), nên phải “o bế” cô em Phạm Thị Băng Thanh (Thái Thanh) lúc đó mới 14 tuổi. Dạo đó, do ảnh hưởng của văn hóa Pháp, việc hát nhạc nước ngoài đặt lời Việt là mốt thời thượng. Sau những buổi bán phở, những chiếc bàn ăn được lau sạch là nơi Phạm Duy dạy cho Băng Tâm hát những Dòng sông xanh (Danube blue), Chiều tà (Senerade)... để sau đó hát cho chị mình nghe, nhằm lấy điểm với người đẹp.
Từ những lần tập hát cho Thái Thanh như thế mà Phạm Duy khám phá ra một điều: Thái Thanh là giọng ca thiên phú, có một âm vực rất rộng, có thể “lên bổng, xuống trầm” với một biên độ mà hiếm ca sĩ nào có khả năng như vậy. Và Phạm Duy đã có ý nhằm “đo ni, đóng tấc” những tác phẩm của mình cho giọng ca Thái Thanh... Để rồi, như một định mệnh, từ đó giọng ca Thái Thanh luôn gắn liền với nhạc Phạm Duy - hay đúng hơn, hầu hết ca khúc của Phạm Duy đều do Thái Thanh hát lần đầu tiên (Phạm Duy có đến hơn 1.000 bản nhạc). Dù là anh em trong nhà, đến cuối đời, nhạc sĩ Phạm Duy vẫn phải thốt lên: “Nếu không có Thái Thanh thì không có Phạm Duy!”.
Ban hợp ca Thăng Long
Năm 1951, đại gia đình quán “phở Thăng Long” chuyển vào Sài Gòn và họ thành lập Ban hợp ca Thăng Long gồm mấy anh chị em trong gia đình họ Phạm: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Thái Hằng, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) và Thái Thanh... Thời gian sau, có thêm Phạm Duy (chồng Thái Hằng), Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương) như là một sự bổ sung cực kỳ hợp lý. Ban hợp ca Thăng Long lúc đầu hát ở Đài phát thanh Pháp-Á, rồi đi hát phụ diễn (trước giờ chiếu phim) ở các rạp ciné Nam Việt, Văn Cầm, Khải Hoàn, Thanh Bình... trước khi họ có một giang sơn riêng: Phòng trà Đêm Màu Hồng.
Lối ca diễn của Ban hợp ca Thăng Long là hát nhiều bè, điều đó đem đến sự mới lạ thích thú cho người nghe, chẳng hạn những ca khúc: Nương chiều, Gánh lúa, Tình ca, Tình hoài hương... (Phạm Duy), Nhạc đường xa (Phạm Duy Nhượng), Đợi anh về (Văn Chung), Ly rượu mừng, Tiếng dân chài (Phạm Đình Chương)... Đặc biệt là hát kèm với nhái tiếng các loại thú vật trong: Sáng rừng (Phạm Đình Chương), Ngựa phi đường xa (Lê Yên)... Trong tất cả các tiết mục của Ban hợp ca Thăng Long, cô em út Thái Thanh luôn là ca sĩ không thể thiếu của ban này.
Một giọng hát ma mị suốt gần 70 năm...
Ngay cả khi hát đơn ca và không hát nhạc Phạm Duy thì thần thái của Thái Thanh vẫn “riêng một góc trời”, phiêu hoang đến ma mị... Hãy nghe: Nửa hồn thương đau (Phạm Đình Chương), Ngọc lan (Văn Phụng), Mùa thu không trở lại (Phạm Trọng Cầu), Trường ca Hòn Vọng phu (Lê Thương), Biệt ly (Dzoãn Mẫn)..., ta sẽ cảm nhận được cách bà dẫn dụ tâm cảnh người nghe đến một bến bờ huyền ảo, phiêu linh...
Rồi khi hóa thân vào cô nữ sinh đỏng đảnh, điệu đà trong những: Ngày xưa Hoàng Thị, Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi, Em lễ chùa này, Cỏ hồng..., dù ở tuổi U50 cái giọng véo von “chết người” ấy vẫn làm cho thế sự đảo điên. Cho nên cũng không đáng ngạc nhiên, khi tên của bà cũng được đưa vào lời bài hát một cách trang trọng trong một ca khúc thuộc dòng nhạc Boléro “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt ly...”
Vẫn biết, aicũng không qua khỏi chuyện “sinh ly, tử biệt” . Nhưng, cái tin tin nữ danh ca Thái Thanh vừa từ giã cõi đời cũng không khỏi khiến những người vốn ái mộ bà phải bàng hoàng. Nhìn những dòng tin và những lời chia sẻ tràn ngập không gian mạng ngay sau khi Thái Thanh qua đời, ta tin chắc: Tiếng hát của bà chẳng những “vượt thời gian” mà còn “vượt không gian” nữa.
Hà Đình Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất