60 năm nặng lòng với sách cổ

23/09/2013 19:05 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ở cái tuổi bát thập, ông vẫn miệt mài viết sách và sưu tầm những tri thức cổ còn đọng lại trong dân gian. Tình yêu, lòng mê sách là động lực khôn nguôi để ông sưu tầm những cuốn sách và tạp chí về Thăng Long- Đất Việt.

Ông là nhà sưu tầm Đặng Ngọc Cách, soạn giả có bút danh Kim Cổ.


Ông Đặng Ngọc Cách

1. Tiệm sách cũ của ông rộng ước chừng 15 mét vuông, nằm trong một góc khuất trên đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội. Nếu không quan sát kỹ, ít người biết được sự tồn tại của cái thư viện mini của ông Đặng Ngọc Cách. Bởi nó lọt thỏm giữa những cửa hiệu và biển quảng cáo to đùng, sáng quắc của nhịp sống hiện đại hối hả.

Ông Cách cho hay, ông say mê sách từ khi còn bé. Lúc chúng bạn tìm đến những cuốn truyện tranh, những tiểu thuyết dài tập về tình yêu, thì ông lại mê mẩn với những cuốn sách viết về các vị vua Việt. Và dần dà, ông bén duyên với sách sử lúc nào không hay...

Ông nghĩ, lịch sử Việt Nam hào hùng song tri thức cổ rải rác khiến việc xâu chuỗi các sự kiện lịch sử trở nên bức thiết. Và thế là ông soạn sách sử. 60 năm, ông biên soạn 6 cuốn sách sử “để người Việt mình hiểu thêm sử cha ông”.

Những cuốn sách của soạn giả Kim Cổ

Với ông, sách là tri kỷ, là duyên, là nghiệp, là thứ đã “ăn sâu, bám rễ” vào mạch máu, mà thiếu nó cuộc sống nhàm chán, vô vị và bế tắc vô cùng. Có lẽ vậy nên suốt những tháng ngày đầu gian truân, lặn lội ngược xuôi tìm sách, chưa bao giờ ông thấy chán nản và muốn bỏ cuộc.

Ông chia sẻ, viết sách về lịch sử, phải chọn những từ ngữ, lời văn mộc mạc, giản dị, gần gũi và đậm chất lịch sử truyền thống. Bởi vậy, ông thường để những lời văn xen với những áng thơ dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thấm... về lịch sử các vị vua thời Lý, Trần.  

Đánh giá về sách của Kim Cổ, dịch giả Thuý Toàn – Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn Việt Nam cho hay: Có nhiều tích truyện về lĩnh vực giai thoại, bây giờ tôi mới được đọc đến. Ông ấy đúng là người đã phủi tìm những cốt truyện dưới lớp bụi thời gian...

2. Bên cạnh việc soạn sách, ông còn nổi tiếng là người chơi sách, sưu tầm sách cổ. 60 năm lang thang khắp ngõ ngách Hà Nội, số lượng sách của ông lên đến hàng nghìn, hàng vạn quyển; đủ thể loại sách trong và ngoài nước.

Nhiều cuốn sách được bán với giá 1 nghìn, 2 nghìn đồng

Song ông Cách không phải “tay chơi” sách đơn độc. Ở Hà Thành vẫn còn một vài “người muôn năm cũ” cùng chí hướng với ông. Nhớ về những người này, ông Cách cho hay: Tôi hay chơi với ông Lương Ngọc Dư ở 180 Bà Triệu và ông Phan Trác Cảnh ở Bát Đàn.

“Cái duyên nợ với sách đã đưa ông Dư, ông Cảnh đến chỗ tôi. Từ chỗ hàn huyên về sách, rồi tôi vừa bán vừa tặng. Nên mỗi khi ở nhà tôi chơi về, mỗi ông ấy xách ba lô sách to đùng về” - Ông Cách cho hay.

Không chỉ thế, sách ở đây ông Cách bán rất rẻ. Thậm chí nhiều cuốn đề giá bán chỉ 1 nghìn, 2 nghìn. Còn với những bạn trẻ yêu sách, ham mê đọc sách, ông sẵn sàng tặng họ những cuốn sách quý.

“Đời người mỏng manh lắm, chẳng biết trở về với cát bụi lúc nào. Lớp người này đi, lớp người khác lại ra đời. Nhưng, thế hệ sau thì phải “tường gốc tích nước nhà”. Nên mình đi trước, phải hun đúc tình yêu đất nước cho họ. Vì thế dù phơi nắng, phơi mưa tôi cũng chỉ mong bàn giao lại cho xã hội dù một trang, một dòng, môt tích truyện cũ”- ông Cách cười vui.

Không chỉ viết sách, tặng sách, bán sách ông còn khơi dậy nguồn cảm hứng và tình yêu cho lớp trẻ. “Với những bạn trẻ yêu sách, ham mê sách thật sự, mình không chỉ trao lại mà còn phải biết khơi dậy và tiếp thêm tình yêu để họ tiếp tục giữ gìn những vốn quý của cha ông như mình đã làm.”- ông Cách chia sẻ.
Nguyễn Hoa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm