27/07/2016 06:23 GMT+7
(lienminhbng.org) - Những hình ảnh về sự khốc liệt của cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là chống IS, chúng ta chẳng lạ gì.
Các phiến quân thánh chiến ở Iraq, Syria và ở nhiều nơi, có vẻ rất khoái tung clip. Chúng ta không lạ gì các đoạn video chặt đầu nạn nhân, hay các video quay trực tiếp các "chiến tích" kinh hoàng của chúng trên chiến trường, thậm chí có cả video "cực thực", được lấy từ camera gắn trên đầu của một chiến binh tử trận, ghi lại trận chiến cuối cùng và cái chết của chính hắn hệt như trong trò chơi Halflife.
Nhưng ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến của VTV24 do ê-kíp của BTV Lê Bình thực hiện đã gây được sự chú ý đặc biệt, bởi có lẽ đây là một ký sự rất hiếm hoi, nếu không nói là duy nhất, do các phóng viên Việt Nam thực hiện trong tư thế "lao vào chiến sự" với tư cách là các phóng viên chiến trường.
BTV Lê Bình trong ký sự "Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến" của VTV24. (Ảnh chụp từ clip)
Được quảng bá rầm rộ trước khi chính thức phát sóng, nên dư luận kỳ vọng Ký sự này sẽ là một "bom tấn" báo chí, phản ánh hiện thực của cuộc chiến qua góc nhìn của các phóng viên Việt Nam, nói theo dân trong nghề, là thể hiện được sự hiện diện của "người nhà mình".
Thật ấn tượng khi trong cảnh đổ nát của thành phố Homs, vốn không xa lạ gì khi xem qua các bức ảnh hay phóng sự của quốc tế, lại thấy có sự xuất hiện của phóng viên Việt Nam chúng ta. Phần sau của Ký sự trở nên nóng hơn khi ê-kíp phóng viên đã tiếp cận với một đường hầm ở tiền tiêu (do quân đội Syria kiểm soát) để "mục sở thị" cảnh giao tranh.
Nhiếp ảnh gia chiến trường kỳ cựu Chu Chí Thành khi xem Ký sự này đã thốt lên khâm phục sự dấn thân của ê-kíp phóng viên nơi "xứ người", và khẳng định rằng, cảnh chiến sự đã được thể hiện chân thực với những góc quay rất tốt.
Tuy nhiên, kỳ vọng như vậy, song vẫn có điều đáng tiếc khi sự thực "ngồn ngộn" đó đã bị giảm giá trị đi phần nào vì cách dẫn chuyện mang tính "truyền hình thực tế" của ê-kíp thực hiện. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi Ký sự được phát, khá nhiều những ý kiến của cư dân mạng đã chỉ trích gay gắt là "kịch quá mức" và "diễn hơi nhiều".
Cho dù là một ký sự mang tính trải nghiệm thực tế, như lý giải của ê-kíp thực hiện chương trình, thì việc chuyển tải cái "thực tế" khốc liệt của chiến tranh cho người đọc cũng không nên để giống như cái "thực tế" của các chương trình truyền hình thực tế. Bởi khi phản ánh về một sự thật, người ta cần để cho sự thật đó tự nói lên điều mình muốn nói, chứ không phải là "áp" lời bình của mình vào, càng không phải là "dẫn dắt" người xem như đi "tham quan".
Bỏ qua cái sơ suất đáng tiếc, khi ê-kíp trải nghiệm thực tế đã "diện" bộ quần áo quá sặc sỡ, không phù hợp với bối cảnh cuộc chiến khốc liệt, có bạn đọc còn tỏ ra ức chế khi phóng viên đóng vai trò là "người dẫn chương trình" liên tục xuất hiện và bày tỏ cảm xúc của mình trước ống kính, kiểu như: "Thật khủng khiếp", "thật sự là chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi đến mức như thế này", "chưa bao giờ tôi thấy mùi khói súng lại khủng khiếp như thế này"... Hay dẫn giải thì thầm: "Phiến quân ngay ngoài kia, có thể bị bắn tỉa bất cứ lúc nào", "Từ họng súng này qua bên kia chỉ có 20m"...
Bạn đọc cho rằng, cảm giác đó (nếu có) thì hãy cứ để cho âm thanh, hình ảnh tự nói lên, còn lời bình chỉ là thêm vào để độc giả hình dung ra bối cảnh mà thôi.
Và nếu quan sát kỹ, khi phóng viên thể hiện cảm giác giật mình sợ hãi, thì những người lính xung quanh lại dường như... đang cười.
Công bằng mà nói, đây không phải là một kịch bản dàn dựng, nhưng có vẻ như ê-kíp thực hiện Ký sự này đã được quân đội Syria dẫn đi "tham quan" một vị trí tiền tiêu hơn là lặng lẽ bám theo đoàn quân để ghi lại thực tế ở đó theo cách ít gây phiền toái nhất cho những người lính đang chiến đấu. Các phóng viên chiến trường thường im lặng và chỉ có ống kính camera của họ là lặng lẽ theo sát các diễn biến của đoàn quân. Và có lẽ cũng chính vì thế mà các phóng sự của họ ghi lại chân thực hơn, không mang tính dẫn show truyền hình thực tế.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí sau khi Ký sự nêu trên được phát, khi bị chất vấn "Không ít người nói, 3 lần thoát chết cũng mang tính PR"? thì BTV Lê Bình trả lời: "Mọi người có quyền nhận xét nhưng điều gì thì cũng phải có bằng chứng. Chúng tôi sẵn sàng kể lại chi tiết và đưa ra bằng chứng về 3 lần thoát chết".
Không nghi ngờ ê-kíp có bằng chứng về điều đó. Rất khâm phục ê-kíp của BTV Lê Bình đã xả thân cho một Ký sự chiến trường rất hiếm hoi. Chỉ hơi tiếc là người xem chưa cảm nhận được 3 lần thoát chết đó qua các hình ảnh. Họ chỉ biết điều đó trong lời bình của Ký sự.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất