10/08/2018 07:30 GMT+7
(lienminhbng.org) - Mùa tuyển sinh đang vào giai đoạn nước rút, đó cũng là lúc mà một số trường năng khiếu trên cả nước nơm nớp lo lắng về số lượng thí sinh đầu vào của trường mình.
Thông tin trên báo chí mới đây cho hay, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội được xem là trường có số lượng đăng ký tuyển sinh khá đông nhưng các chuyên ngành đào tạo như: Diễn viên cải lương, Diễn viên múa rối, Lý luận phê bình Sân khấu, Lý luận phê bình điện ảnh, Biên kịch sân khấu… đều thưa thớt học sinh dự tuyển.
Đây là thực trạng không riêng gì của trường đại học năng khiếu lớn nhất nước này mà nhiều trường, khoa năng khiếu khác cũng rơi vào tình trạng sống dở, chết dở. Như trường Cao đẳng múa Việt Nam đã bắt đầu sơ tuyển từ tháng 4 năm nay nhưng số thí sinh đạt điểm chuẩn sẽ chỉ vài chục em và điểm rất thấp. Dự kiến chờ đến tháng 11 sẽ tổ chức tuyển hệ cao đẳng để trông chờ nguồn học sinh không thi đỗ đại học nhưng có năng khiếu sẽ “đầu quân” vào múa.
Tương tự, ngành sáng tác văn học của Khoa Viết văn, Báo chí thuộc Trường Đại học Văn hóa dù hai năm tuyển sinh một lần và phát đi thông báo tuyển sinh từ khá sớm nhưng tình trạng ít thí sinhvẫn chưa được cải thiện. Khoa Viết văn, Báo chí tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du đào tạo ra nhiều gương mặt sáng láng trên văn đàn Việt trong vài thập niên trở lại đây nhưng rồi cũng phải “thu nhỏ” thành một khoa của Đại học Văn hóa, có nhiều lý do nhưng căn bản nhất vẫn là số lượng và chất lượng đầu vào không được như kỳ vọng.
Thử khảo sát lại các trường năng khiếu trên cả nước, ta còn thấy tình trạng này ở các trường như Đại học Nghệ thuật Huế, khoa nhạc dân tộc của các nhạc viện, chuyên ngành Hán Nôm… Câu hỏi đầu tiên được đặt ra và kéo dài cho đến hôm nay vẫn là nguyên nhân vì đâu mà những ngành học dễ sinh ra các nhân vật nổi tiếng từ các trường năng khiếu này càng lúc càng thưa thí sinh đầu vào?
Lí do quan trọng bậc nhất vẫn là thực tế nhiều sinh viên, học viên của các trường năng khiếu những năm trở lại đây khi ra trường càng lúc càng khó xin việc. Không giống như cơ chế bao cấp trước đây của nhà nước đối với các ngành học này, bây giờ khi tốt nghiệp, các sinh viên học viên liền phải đối mặt ngay với các vấn đề như cơ hội tìm kiếm việc làm, lương, phúc lợi xã hội và đặt biệt là tuổi nghề quá ngắn đối với những bộ môn như xiếc, múa...
Thêm nữa, việc bão hòa nhu cầu cũng như sự mất cân bằng giữa yếu tố đầu ra và đầu vào cũng là một nan đề khi các thí sinh lựa chọn các ngành năng khiếu. Có lẽ những gương mặt nổi tiếng thế giới kiểu cặp đôi xiếc Quốc Cơ - Quốc Nghiệp vẫn không thể đủ để bảo chứng và cuốn hút những tài năng tiềm ẩn về ngành xiếc lao vào con đường đầy mê hoặc nhưng cũng lắm gian nan, bất trắc này.
Trước thực trạng trên, nhiều trường loay hoay tìm lối thoát trong khâu tuyển sinh như đào tạo theo đơn đặt hàng của các sân khấu, đào tạo chuyên sâu, chuyên biệt. Thậm chí, năm 2014, Bộ VH,TT&DL đã xây dựng đề án cho phép Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội cùng thực hiện việc đào tạo diễn viên và nhạc công kịch truyền thống theo phương án đặt hàng.
Nhưng, đề án như thế này vẫn ở mức độ quy mô quá nhỏ so với thực tế có quá nhiều trường, ngành năng khiếu mở ra trên cả nước. Điều này, cuối cùng vẫn đòi hỏi và trông chờ ở một chính sách và cơ chế vĩ mô, dài hạn và thực tế từ phía Nhà nước. Có vẻ đây là con đường sống còn hiếm hoi cho các trường, ngành năng khiếu hiện nay.
Văn Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất