Chủ động các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, nhất là với trẻ em, người có nguy cơ cao

17/02/2022 07:32 GMT+7 | Tin tức 24h

(lienminhbng.org) - Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 15/2 đến 16 giờ ngày 16/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 34.737 ca mắc mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 34.723 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 25.026 ca trong cộng đồng).

89,7% số trẻ từ 12-17 tuổi đã hoàn thành hai mũi vaccine phòng Covid-19

89,7% số trẻ từ 12-17 tuổi đã hoàn thành hai mũi vaccine phòng Covid-19

Ngày 15/2, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố gồm: Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp và Bình Dương về việc tăng cường tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.  

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 6.882 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.249.155 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.826 ca. Số bệnh nhân tử vong trong ngày là 66 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 82 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.188 ca, chiếm 1,5% so với tổng số ca mắc.

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế (Ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022), các F0 điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly khi đã cách ly, điều trị đủ 7 ngày, thay vì 10 ngày như trước và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với  SARS-CoV-2.

Tại Hướng dẫn này, Bộ Y tế đã bổ sung tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Theo đó, người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi cách ly, điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine. Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Đảm bảo an toàn cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng

Ngày 16/2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn trực tuyến hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Từ đầu dịch COVID-19 đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương hơn 490.000 trẻ, trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.

Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung, cụ thể trẻ 13 - 17 tuổi 0,11%; 6 - 12 tuổi 0,1% và 0 - 2 tuổi 0,18%.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số trẻ được khám và chẩn đoán COVID-19 đến nay là 611 trẻ, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương; 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine cho trẻ. Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị 10 bệnh nhân COVID-19. Thời gian qua đã có 5 trẻ mắc COVID-19 tử vong (gồm 3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có tổng số 617 bệnh nhân COVID-19 là trẻ em dưới 16 tuổi, có 21 trẻ nặng, nguy kịch.

Trong bối cảnh trường học trên cả nước mở cửa trở lại, số trẻ mắc COVID-19 sẽ gia tăng. So với người lớn, khi trẻ nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn nhưng vẫn có trường hợp tử vong và gặp phải biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine.

Một trong những giải pháp để chuẩn bị kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thời gian tới là cần chủ động sắp xếp nhân lực tại chỗ, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khám, chữa bệnh khác phù hợp với kịch bản từng giai đoạn phát triển của dịch ở từng địa phương.

Hà Nội rà soát người thuộc nhóm nguy cơ

Trong ngày 16/2, Hà Nội ghi nhận 3.888 ca mắc mới COVID-19, dẫn đầu cả nước. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 15/2, thành phố có gần 110.000 F0 đang điều trị, trong đó có 105.214 F0 điều trị tại nhà (chiếm 95%); hơn 800 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố và quận, huyện; 3.500 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Số còn lại là 345 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Trong ngày 15/2, Hà Nội ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tử vong từ ngày 2/4/2021 đến nay lên 853 người. Các F0 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ vaccine đủ 2 mũi của thành phố với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5% và đã tiêm bao phủ mũi nhắc lại (mũi 3) đạt gần 55%. Hà Nội phấn đấu hoàn thành việc tiêm phủ mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý I/2022.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Để hạn chế số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức phòng dịch. Đối với các quận, huyện, thị xã có tỷ lệ F0 cao, cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị; tăng cường giám sát, mở rộng xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ cao; đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai chăm sóc hiệu quả F0 điều trị tại nhà…

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm