01/02/2012 11:02 GMT+7
(TT&VH) - 1. Hôm nay, Hà Nội bắt đầu thực hiện việc đổi giờ học, giờ làm - một chủ trương đã được thông qua từ khá lâu rồi và cũng có kế hoạch rõ ràng. Nhưng đến giờ G thì lại tràn ngập những thông tin lo lắng, mà đáng lo nhất là việc học của học sinh.
Qua những phân tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy những nỗi lo ấy hoàn toàn có cơ sở. Học sinh bậc THPT (cấp 3) phải tan trường sau 19h, tức 7h tối, muộn hơn 2 giờ so với trước đây (5h chiều). Còn học sinh THCS, mặc dù được... dậy muộn hơn, 8h mới phải vào học, nhưng phải đến 12h30 trưa mới tan học... Nói chung là đảo lộn giờ giấc.
Đối với những người thuộc thế hệ 7X chúng tôi xuất thân ở chốn thôn quê thì không thể tưởng tượng được lại có giờ học như vậy, vì quá 12h trưa là “quá ngọ”, “đứng bóng”, tức là... trưa lắm rồi, giờ đó chỉ có nghỉ ngơi, bao đời nay là như vậy. Ngoài ra, học sinh ngoài học còn phải “hành” nữa, mà cụ thể là phải nấu cơm, hái rau, kiếm củi... phụ giúp gia đình. Nếu 12h30 trưa hoặc 7h tối mới tan học thì đương nhiên chả thể nấu nướng gì được nữa, “về chỉ sẵn ăn”. May mà học sinh thành phố, ngoài giờ học chỉ phải... học, mà 7h tối phố xá đã lên đèn nên đi lại cũng dễ dàng. Chứ học sinh hai huyện ngoại thành (Thanh Trì, Từ Liêm) chắc chắn là phải cầm đèn pin đi học và cũng chẳng phụ giúp gì được cho gia đình như trước.
Thay đổi giờ học giờ làm khó ở bài toán đón con - Nguồn: Vietnamnet
2. Về nguyên tắc mà xét thì khi bắt đầu một sự thay đổi gì bao giờ cũng gây xáo trộn trong đời sống, nhưng dần dần mọi người đã quen và cũng sẽ thích nghi được.
Có thời người ta làm việc “thâu tầm” (hoặc có nghỉ trưa thì rất ngắn, chỉ coi như giải lao, ăn nhanh), còn hiện nay thì 12h trưa được coi là điểm mốc quan trọng giữa ca sáng, ca chiều. Thực tế thì không phải nước nào cũng làm việc kiểu ca sáng, ca chiều với bữa trưa no nê như ở ta. Chẳng hạn ở Anh, họ ăn sáng khá muộn là làm việc một lèo đến chiều (tất nhiên có ăn nhanh giữa buổi).
Công chức ngày nay ở Việt Nam làm việc 2 ca, nghỉ trưa 2 tiếng cũng chưa chắc đã phải là tối ưu, vì rất nhiều công chức không về nhà buổi trưa. Ngoài việc phải ăn uống nơi quán xá, nhiều công sở không có không gian cho CBNV nghỉ trưa, đâm ra sinh cảnh nằm ngồi vạ vật rất nhếch nhác; còn một số thì sinh ra lai rai nhậu nhẹt (nhất là ở Hà Nội), một số tệ hơn thì đưa nhau vào... nhà nghỉ. Cũng vì có bữa trưa “ngoài gia đình” nên mới sinh ra cảnh “Trưa đưa “phở” đi ăn cơm, tối đưa “cơm” đi ăn phở”.
Nói như vậy để thấy rằng, thói quen làm việc sinh hoạt của mọi người không phải là cái gì đó bất biến, chúng ta có thể thay đổi, cải tiến cho tối ưu hơn, phù hợp với nhịp sống công nghiệp. Việc thay đổi giờ làm, giờ học vì thế cần có cái nhìn bình tĩnh, nhất là thay đổi để giải quyết một “quốc nạn” ở Hà Nội hiện nay - tắc nghẽn giao thông.
3. Tuy nhiên, vấn đề là thay đổi như thế nào? Những bất cập nêu ra trong việc thay đổi giờ học của học sinh như trên đã đặt ra một câu hỏi lớn: Chúng ta lấy nhóm đối tượng nào là trung tâm trong kế hoạch thay đổi giờ học, giờ làm?
Câu trả lời phải là: các cháu mầm non và các em học sinh. Phải ưu tiên thế hệ tương lai của thành phố, của đất nước. Phải sắp xếp một khung giờ học hợp lý nhất, tối ưu nhất cho nhóm đối tượng này, từ đó mới quy chiếu ra các nhóm đối tượng “người lớn” còn lại để “tránh” khung giờ “vàng” đó ra. Công chức, doanh nghiệp và những người làm trong các ngành dịch vụ... chắc chắn sẽ thu xếp được cuộc sống của mình và thích nghi tốt hơn khi giờ làm thay đổi.
Bài toán sẽ không dễ giải vì các nhóm đối tượng còn có quan hệ với nhau. Nhưng hy vọng rằng điều này sẽ được lưu ý bởi trong thời gian tới không chỉ Hà Nội thay đổi giờ học, giờ làm.
Trần Vũ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất