05/09/2020 07:24 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Tiếp xúc với anh, người ta cảm thấy sự trẻ trung, hồn hậu. Vậy mà đọc thơ anh, “lạ” đấy là sao “sâu hoắm” một nỗi niềm. Tôi đọc Ngày lạ (NXB Hội Nhà văn, tháng 9/2019) trước khi tập thơ được trao giải C - Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019 và tuyệt nhiên không ngạc nhiên vì điều đó. Chắc hẳn phải là vậy, vì sự lao động nghệ thuật nghiêm túc ấy xứng đáng.
1. Ngày lạ gồm 48 bài thơ nhỏ xinh, chia làm ba khúc: Chợt (11 bài), Thức (14 bài) và Con đường (23 bài). Mỗi khúc, mỗi bài là một nỗi niềm, một suy nghĩ, một ẩn dụ... Thơ không trôi, người viết không viết những lời dễ dãi. Nên đọc xong ta cần lắng lại cùng với những chiêm nghiệm của nhà thơ.
Có một giọng điệu đầy triết lý trong thơ Bùi Việt Phương: “Đứa trẻ nào cũng sẽ có một ngày/ Chơi trốn tìm/ không biết trốn vào đâu/ Rồi òa khóc chịu thua/ Mình đã lớn (Nghĩ dưới tán bàng). Ai cũng có tuổi đôi mươi đem ra giặt giũ/ Phơi phóng/ Càng nhàu thôi/ Ta không cũ đi, làm sao em có môi nụ, ngực chồi?” (Linh hồn mùa Hạ)…
Quy luật thời gian, quy luật cuộc sống. Nghiệt ngã đấy nhưng là sự thật. Rồi ai cũng phải lớn lên, già đi, cũng phải biết đau: “Chỉ có chạm vào/ Cánh hoa bưởi trắng,/ Rơi, một chiều gió lặng/ Thế mà tần ngần/ Đau/… Đâu cứ mùa Xuân/ là phải xanh” (Hoa bưởi).
Khi đủ trải nghiệm, người ta sẽ nhận ra những quy luật riêng khác. Đâu cứ mùa Xuân là phải xanh. Mà còn là “trắng” là “tần ngần đau”. Trước cõi đời rất đời ấy, lời thơ như lời khuyên nhủ của một người đầy trải nghiệm: “…dở dang là hạt hoa hy vọng/ Bay được bao xa thì cứ bay/ Trôi được bao lâu thì cứ trôi/ Đừng níu vào lắng đọng/… Đi được bao nhiêu thì cứ đi/ Đừng hỏi/ đời còn đợi ta với bất ngờ nào?” (Nguyên đán).
Đời luôn luôn bất ngờ, không ai biết ngày mai. Ta chỉ có thể thỏa hiệp, chỉ có thể bước chân vào cuộc sống, tốt thì có thể “bay”, buông xuôi thì có thể “trôi” theo dòng, nhưng đừng dừng lại.
Có thể nói thơ của Việt Phương là lối thơ giàu chất suy tưởng, liên tưởng. Tư duy thơ luôn gợi mở ở người đọc những trường liên tưởng khác nhau. Mạch cảm xúc chuyển nhanh khiến người đọc luôn bất ngờ, vỡ òa rồi tĩnh lặng. Người ta nói “Người thơ phong vận như thơ vậy”. Cho nên đọc thơ Bùi Việt Phương mà mạo muội suy đoán một người thơ từng trải, quan sát tinh tế, nhạy cảm và hay cả nghĩ… Thơ Bùi Việt Phương hướng tới thể hiện cảm xúc của một cái tôi trữ tình bằng con mắt không phải màu xanh biếc của tuổi đôi mươi, mà bằng màu xanh trầm lắng như mặt hồ sâu hút ngày lặng gió.
2. Cái “lạ” trong Ngày lạ có phải là những gì chưa từng thấy? Là chuyện lạ? Là người khác thường? Không, đều không phải. Hiếm lắm mới có ngày được gọi tên là “ngày lạ”, “một ngày xuống núi” khác với bao ngày, còn nhiều khi vẫn chỉ là một ngày bình thường, gặp một chuyện cũ, gặp một người từng quen, nhưng bằng cảm xúc “lạ” - cảm xúc của chính con người mình, bên trong mình.
Thơ với Bùi Việt Phương như là để thể nghiệm cái chiều sâu tâm thức của chính mình. Nhưng bằng một tư duy ngôn ngữ có yếu tố lạ. Để tác động vào giác quan của người đọc, người đọc vì thế mà ấn tượng và dừng lại trước cuộc sống số đang trôi rất nhanh.
Văn học đương đại của người trẻ, nhiều khi chỉ là “trò chơi” với những con chữ, để giải phóng cái tôi bản thể của mình. Nhưng khi hướng tới số đông thì thơ cần tìm cho mình một “nhan sắc” thời thượng: Không cần mỹ miều, hoàn hảo, nhưng cần cá tính độc đáo, lạ và riêng khác. Nhà thơ trẻ nào cũng hướng tới sự khác biệt. Bùi Việt Phương cũng có ý thức như vậy nhất là khi lấy tên của bài thơ Ngày lạ đặt nhan đề cho cả tập thơ đầu tay.
Trong tập, không ít lần anh lên tiếng nói về cái “lạ”: “Lạ lùng nhặt được ta dưới chín tầng mây… Ta theo trẻ đi nhặt cái lạ của ngày… Mắt em không buồn, ngày có lạ được không? (Ngày lạ).
Đến cả cơn mưa đầu mùa, dường như giọt nào chẳng giống nhau, vậy mà Phương còn tinh tế nhận ra “Sẽ có giọt tươi non là lạ” (Mưa đầu mùa). Ngay cả khi anh cố nhấn mạnh “Người không lạ” thì thơ cũng cứ tự nhiên mà lạ: “Cũng một hôm không muốn về nhà/ Sợ tra tên mình vào ổ khóa/ Nhàm chán nào rồi cũng thành tàn nhẫn/ Tàn nhẫn nào cũng dễ quen”.
Ồ, thì ra cũng chỉ nói chuyện thường ngày, về cái cảm giác rất quen mà dường như ai cũng từng gặp phải. Không đau khổ, tuyệt vọng, chỉ là nhàm chán, nhàm chán đến tàn nhẫn. Phải quen với tàn nhẫn thì còn gì tệ hơn, chua chát hơn. Vậy đấy, mà không phải ai cũng diễn đạt được như Bùi Việt Phương. Thơ giản dị như lời tâm sự, vậy mà đầy sức hút.
Vốn từ tiếng Việt vô cùng đa dạng. Việc chọn lựa từ ngữ và kết hợp chúng với nhau như thế nào để vừa diễn đạt được ý tứ của mình, lại vừa lạ, vừa độc đáo thì Bùi Việt Phương đã làm được. Vì không muốn “mùi hoang trong mình cứ nhạt” nên anh luôn tìm tòi, sáng tạo. Thơ anh nhiều hình ảnh ẩn dụ, nhiều kết hợp từ lạ khiến ta vừa phải đọc, vừa liên tưởng, vừa rơi vào những cảm xúc mới lạ, bất ngờ.
Khi viết về những cảm xúc mới nhen nhúm, bắt đầu, nhà thơ 8X hay ẩn dụ cảm xúc đó bằng những mầm chồi đang nảy nở: “Mất ngủ một đêm mà ngỡ thức trăm năm/ Thao thức đến tận cùng, khóe mắt em là nắng/ Nhưng là nắng vườn mình cho cây có bóng/ Cớm nắng, mầm thương trắng muốt lòng anh (Nắng); “Suối vắt trong như tiếng hót chào mào/ Bảo sao không nảy mầm nhung nhớ./… Đà Bắc còn nhưng nhức một mùa riêng (Đà Bắc)…
Tác giả dùng trường từ vựng liên tưởng nối vào nhau liên tục qua các dòng thơ để gợi một suy tưởng rất thú vị từ lẽ thường: Cây cớm nắng thì lá không xanh. Còn anh mà cớm nắng (là mắt em) thì “mầm thương trắng muốt lòng anh”. Từ trắng muốt gợi ra một sự nhói đau, dự cảm tan vỡ.
Cũng nói vế nỗi nhớ, khi khác anh lại viết từ hình ảnh cây bàng trơ trụi mùa Đông: “Cành bàng vắng tanh/ thăm thẳm nhớ trên đầu”. (Vắng). “Thăm thẳm nhớ”, đã ai diễn đạt như Việt Phương. Là “lạ” đấy chứ đâu. Nhớ mà nhiều mênh mang, mà sâu thăm thẳm, đo bằng trời không đáy. Rồi vì dày đặc một trường từ vựng gieo hạt: có “hạt”, nên “gieo” mà “nảy mầm”: “Mắt ta đương mầm, túi ta đầy hạt/ Vụng trộm gieo vào phố mọc thành cây”. (Một ngày xuống núi). “Vụng trộm gieo” - kết hợp từ lạ quá. Những yếu tố lạ này không thiếu trong thơ Phương, góp phần tạo nên một “Ngày lạ” trí tuệ và ấn tượng.
Bùi Việt Phương nhạy cảm thời gian. Anh viết nhiều về năm, tháng, ngày, mùa trong các bài thơ hay như: Sớm xuân, Giêng, Tháng Hai, Tháng Sáu, Thời gian, Chiều cuối năm… Và ta cũng thấy ở thơ anh cách đo thời gian lạ lắm: “Cách một nhành hoa là chạm Tết” (Sớm Xuân). “Cứ mưa là hết một ngày (Nắng)… Thời gian nhòa lẫn với không gian, với cảm xúc, với vội vàng, với tất bật. Có khi hiện tại hòa lẫn với ngày xưa hoặc ngày mai nào đó xa lắm. Một chút mơ hồ, vô định, chênh vênh trong cảm xúc.
Khi khác, người đọc lại say đắm với tứ thơ lạ: “Chiếc cúc hai mươi tuổi/ Trên ngực áo tứ tuần/ Đường khâu vờ tuột chỉ/ Ta dối lòng hồi xuân”. (Thời gian). Trước sự tươi mới, trẻ trung mà cứ như mắc lỗi, nên đành “vờ”, mà “dối lòng”. Anh vẫn thế, vẫn một bản thể chông chênh, mà tận cùng là nỗi cô đơn đến mức tưởng như trống rỗng: “Trên cành xuân/ Dưới nắng vàng/ Đàn kiến lại rủ rỉ ra đi/ Mà ta nghe ra trong mình / trống ngực... (Tháng Hai).
Có thể nói, thơ Việt Phương là những xúc cảm, nghĩ suy về chuyện đời, về cuộc sống ở trên núi, ở dưới phố, về chính mình, về “em”... Tập thơ nhỏ xinh thôi nhưng bộn bề biết bao điều. Nhưng có lẽ Ngày lạ nghiêng về một tập thơ tình. Tình yêu với cuộc sống, tình yêu với “em”. Tất cả đều sâu sắc.
Những vần thơ đầy chiêm nghiệm, có chiều sâu về cuộc sống khiến ta thấy một Bùi Việt Phương tinh tế, già trước tuổi. Ấy vậy mà khi đọc những dòng thơ tình thì ta lại thấy một tâm hồn thơ yêu rất trẻ. Chỉ là cá tính của một người thâm trầm thì thơ yêu cũng kín đáo.
Nhân vật trữ tình của Phương yêu mà không thể hét lên cho người ta biết, càng không thể lộ liễu, phô trương. Yêu nhiều lắm mà cứ phải nén lại nên trong thơ thấy có những nỗi niềm day dứt, tiếc nuối. Thấy có sự xa ngái, không thể chạm tới, không thể chiếm hữu, không thể thuộc về. Nhưng chính vì thế mà ngực đầy tha thiết, tim tràn khát khao. Những điều này anh gửi gắm kín đáo, rải rác trong nhiều bài thơ. Mà người đọc phải xâu chuỗi, kết nối mới có thể nhang nhác hình dung.
Nó cũng mơ hồ, mông lung lắm. “Em” là “người lạ” mà dường như rất quen, như đã từng gặp, từng yêu từ lâu lắm: “Một người đang yêu trời cũng có cầu vồng/ Mình mắc cạn trong mắt ai quen lắm” (Ngày lạ); Cô gái ấy hình như chưa hát/ Một ký ức mờ xa, sao ta đã thuộc lời” (Với cúc họa mi); “Tháng Giêng ở phía một người/ Đã xa lắm mà tường tận lắm (Giêng); “Mai nữa, mùa Xuân cũng phải đi rồi/ …Em đứng đợi mà như không nỡ… / Anh đến/ hay về đang đúng nghĩa/ của ngày xưa? (Sẽ)… Cho đến khi “Bấm vào tay mình/ Thì nhói đau lồng ngực”. Có đau đấy nên chợt nhận ra “Người lạ mà... không thể lạ được đâu” (Người không lạ).
Và trong mối tình xa ngái ấy, “anh” có nhiều cung bậc của tình yêu: Có thấp thỏm chờ mong: “Mùa cũng như sông thấp thỏm từng ngày… Mải đợi em/ Mà đội trời, đạp đất” (Ngày lạ); có nỗi nhớ “Lại nhớ em/ Lẳng lặng tha nỗi buồn về chật chỗ (Nghĩ dưới tán bàng); có xót thương cho người con gái đa đoan, nhiều vất vả: “Đôi giày ấy/ “sớm nắng chiều mưa” bao giờ em đi chật?/ Bóng ly cà phê đen đổ vào em thấm mệt/ Nhạc Trịnh không buồn sao cành trinh nữ ngủ ngoài hiên?/… Thành phố này em từng sống đấy/ Cứ mưa là hết một ngày,/ Thế mà khóe mắt em là nắng / Tội không?” (Nắng); “Em một lần đò, yếu ớt như ngọn gió/ Giờ chạm vào ánh mắt nào/ Dẫu có mềm như cỏ cũng đau” (Người cùng quê)…
Nhiều cung bậc cảm xúc, ấy vậy mà không thể tìm được dòng nào trong tập thơ nói về niềm hạnh phúc. Chỉ thấy “một thời pha lê vỡ vụn”, chia cách “nắm tay nhau/ không buông vẫn xa” (Nghĩ); chỉ thấy đau xót: “Còn đợi/ Phía một người/ Có thể rất đau… (Vắng)… Giờ thì ta đã hiểu những cảm xúc “tần ngần đau, nhức nhối, trống ngực”… trong thơ Bùi Việt Phương là gì. Chỉ là mỗi người đọc bằng phông nền văn hóa, trải nghiệm… khác nhau sẽ có những ấn tượng, cảm nhận khác nhau về thơ anh.
Khép lại 3 khúc thơ: Chợt, Thức, Con đường cho ta một ý niệm về thơ Bùi Việt Phương: Một ngày giác ngộ, rồi thức tỉnh và ta cần lên đường. Nhân vật trữ tình trong thơ anh có nhiều chuyến đi, nhiều con đường gợi mở. Chỉ có “cây đời mãi xanh tươi”. Nên phải đi, phải đến, phải thấy, mới “thậm yêu”. Sau khúc “Con đường” của tập thơ đầy ấn tượng Ngày lạ, Bùi Việt Phương đã dần hé mở trước người đọc những chân trời thơ mới.
Thùy Giang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất