14/09/2016 06:20 GMT+7
(lienminhbng.org) - Có lẽ, chưa bao giờ, chuyện giỗ Tổ của giới sân khấu khiến dư luận háo hức theo dõi và chia sẻ như 2 ngày qua. Từ Nam tới Bắc, cả chục lễ giỗ của các nhóm, các nghệ sĩ được báo giới tường thuật với những hình ảnh đi kèm.
Thật ra, từ 7 năm trước, khi ngày giỗ Tổ sân khấu, 12/8 âm lịch, được chính thức công nhận để vinh danh, báo giới cũng từng tìm hiểu về câu hỏi này.
Và tùy thuộc vào câu trả lời của từng nghệ sĩ, từng nhóm kịch hay từng địa phương, vị Tổ nghề ấy được biết đến với những huyền tích đa dạng.
Đó là câu chuyện về hai vị hoàng tử mê hát từ nhỏ, quên ăn quên ngủ, thường xuyên trốn vào góc buồng hát để coi trò. Một năm, vào ngày 12/8 âm lịch, khi họ kiệt sức qua đời, các nghệ sĩ cảm động trước sự say mê của người tri kỷ, nên lập bàn thờ trong hậu trường, coi là ông Tổ và lấy biểu trưng bằng bức tượng 2 em bé.
Bàn thờ Tổ được dựng tại Nhà văn hóa Thanh niên Hà Nội
Đó có thể là 12 vị Tổ nghề, thay vì một vị duy nhất, được gọi bằng cái tên "Thập nhị công nghệ" và đều là bậc thầy ở những nghề nghiệp phổ biến trong xã hội như bốc thuốc, mộc, thợ rèn, đi buôn... Chính họ là những người đã truyền bá kĩ năng nghề nghiệp cho nghệ sĩ, để rồi tới lượt mình, nghệ sĩ nhập vai và hóa thân thành những thành phần xã hội khác nhau trên sân khấu.
Thậm chí, có cả huyền tích rằng Tổ nghề xuất thân là một người ăn mày, sau đó dùng tài năng xướng ca để vừa mưu sinh, vừa đem lại tiếng cười cho người xem. Với các truyền thuyết được lưu truyền phía Bắc, ngày giỗ Tổ nghề chính là ngày giỗ bà Phạm Thị Trân sống ở thế kỷ thứ X, người đã đặt những nền móng cơ bản cho hát chèo, nghệ thuật sân khấu ra đời sớm nhất trên cả nước...
Không tới mức gây tranh cãi, nhưng những cắt nghĩa khác nhau đủ để khán giả lạc vào ma trận nếu muốn biết ai là Tổ nghề sân khấu.
***
Nhưng nhìn ở góc độ tín ngưỡng, văn hóa dân gian, sự xuất hiện những "chùm huyền tích" liên quan tới một nhân vật lại là điều phổ biến hoàn toàn có thể lý giải.
Theo góc nhìn ấy, chuyện "thiêng hóa" nghề nghiệp thường xuất hiện như một nhu cầu tất yếu của mỗi ngành nghề trong xã hội cổ xưa.
Để rồi, khi một huyền tích ra đời, có thểdo sáng tạo, hoặc xuất phát từ một câu chuyện thật, sức mạnh từ khả năng gắn kết, cũng như tạo hiệu ứng tâm lý cho một cộng đồng làm nghề là lý do khiến tới sự xuất hiện "dây chuyền" của những huyền tích khác, của những cộng đồng và địa phương khác.
Và, theo cách cắt nghĩa của một số chuyên gia sân khấu, những huyền tích về Tổ nghề ấy thực chất cũng là những sáng tạo rất độc đáo của người xưa về nguyên tắc lao động nghệ thuật. Giống như, câu chuyện về hai vị hoàng tử mê xem hát tới mức gặp nạn cũng là lời nhắc nhở về sự tri ân với khán giả, điều đầu tiên cần có ở mỗi người làm nghề.
Rồi, phải chăng, huyền tích về "thập nhị công nghệ" cũng ẩn chứa những lời răn về khả năng quan sát, nắm bắt hiện thực cuộc sống, yếu tố làm nên thành công khi "hóa thân" vào nhân vật của mỗi diễn viên?Còn, câu chuyện về vị Tổ nghiệp xuất thân ăn mày cũng chính là lời dạy sâu xa về sự vất vả trong lao động nghệ thuật vất vả,thay vì làm nghề một cách hời hợt và nhạt nhẽo...
Quan tâm tới ngày giỗ Tổ nghề của các nghệ sĩ, chúng ta cũng hãy hiểu một thực tế: với họ, Tổ nghề thực chất chính là biểu trưng của những nguyên tắc về đạo đức và sự lao động nghệ thuật, ở một lĩnh vực nhiều vinh quang nhưng cũng lắm nhọc nhằn.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất