Ngày Sân khấu Việt Nam: Nhiều hoạt động tri ân các thế hệ nghệ sĩ sân khấu

10/09/2019 10:45 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trong hai ngày 9 - 10/9 (11 - 12/8 Âm lịch), nhiều đơn vị nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ giỗ Tổ sân khấu, kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 Âm lịch).

Rộn ràng Ngày sân khấu Việt Nam và Lễ hội thành Tuyên

Rộn ràng Ngày sân khấu Việt Nam và Lễ hội thành Tuyên

Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý. Đó là những hoạt động chào mừng Ngày sân khấu Việt Nam diễn ra nhộn nhịp tại TP.HCM và Lễ hội thành Tuyên tại TP Tuyên Quang…

Đây là dịp để giới nghệ sĩ, diễn viên, tác giả, đạo diễn sân khấu tưởng nhớ, tri ân các vị Tổ nghiệp Sân khấu, thế hệ nghệ sĩ đi trước đã có nhiều đóng góp đối với nền sân khấu Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Chú thích ảnh

Ngày 9/9, tại Nhà truyền thống Sân khấu, Quận 1, Ban Ái hữu nghệ sĩ thuộc Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ giỗ Tổ ngành Sân khấu. Trước bàn thờ Tổ nghiệp trang nghiêm, ấm cúng, đông đảo các nghệ sĩ, nghệ nhân các thế hệ đã thành kính dâng hương, hoa bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân; cầu mong được thành đạt trong nghề.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những ngày này, đông đảo nghệ sĩ sân khấu nhiều thế hệ đã đến viếng thăm, chúc mừng, gặp gỡ, chia sẻ về cuộc sống, kinh nghiệm trong quá trình biểu diễn. Đây còn là dịp để giới nghệ sĩ trẻ nhớ về các thế hệ đi trước, nỗ lực giữ gìn, phát huy nét đặc sắc của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, xứng đáng với nghề đã chọn.

Theo đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, bàn thờ Tổ ngành sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại số 133 đường Cô Bắc (Quận 1) từ năm 1948; đến nay ngày càng nhiều người biết và đến viếng. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, giới nghệ sĩ trẻ, sinh viên ngành văn hóa nghệ thuật cùng đông đảo thanh, thiếu niên quan tâm nhiều đến hoạt động sân khấu nghệ thuật, nhiều người đã đi theo nghề và trở thành những nghệ sĩ, biên kịch nổi tiếng.

Chú thích ảnh

Cùng thời điểm, Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam; giao lưu giữa sinh viên với các thầy, cô giáo, các thế hệ nghệ sĩ, nghệ sĩ ứu tú, nghệ sĩ nhân dân; tri ân lớp người đi trước, tôn vinh những người có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành sân khấu Việt Nam. 

Tiến sĩ Trương Nguyễn Ánh Nga, Hiệu trưởng trường cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng là giảng viên, nhất là làm trong ngành nghệ thuật biểu diễn ngày nay chịu nhiều áp lực trong công tác đào tạo, trách nhiệm đối với nhà trường, sinh viên và đối với ngành sân khấu. Nhiều giảng viên vừa là người nhà giáo, vừa là nghệ sĩ càng phải biết chắt lọc tinh hoa kiến thức để truyền đạt cho sinh viên; có trách nhiệm với nền văn hoá nghệ thuật của đất nước, trách nhiệm với Tổ nghiệp trong đào tạo các thế hệ nghệ sĩ; gìn giữ, lan tỏa truyền thống tốt đẹp của ngành sân khấu Việt Nam trong đời sống xã hội.

Giao lưu với các sinh viên, Nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc đã chia sẻ về các giai thoại hình thành Tổ nghiệp Sân khấu, ngày giỗ Tổ, ngày Sân khấu Việt Nam và các hoạt động sân khấu nghệ thuật từ các vùng miền trong cả nước và cho rằng phần nhiều các nghề ở Việt Nam đều có ông Tổ, người khởi xướng ra nghề. Vì vậy, việc giỗ Tổ còn thể hiện niềm tin, mang tính kế tục, truyền thống của người đã, đang làm trong nghề đó.

Chú thích ảnh
NSND Trần Minh Ngọc

Dặn dò các thế hệ sinh viên, nghệ sĩ trẻ, Nghệ sĩ nhân dân Trần Minh Ngọc nhấn mạnh, ngoài việc trau dồi kinh nghiệm, phát huy kỹ năng, sáng tạo trong nghệ thuật, mỗi người nghệ sĩ cần xây dựng một cá tính tốt, một cốt tính tốt và một nhân tính tốt. Nhà trường cũng cần tạo điều kiện tốt nhất cho thầy, trò ngành sân khấu được phát triển, đảm bảo chất lượng hiệu quả học tập, đào tạo.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo trường CĐ Văn hoá nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chúc mừng NSND Trần Minh Ngọc, NSƯT Trần Thanh Nga

Cùng ngày, Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức chương trình Ngày Sân khấu Việt Nam 2019 nhằm tri ân các thế hệ nghệ sĩ và phục vụ đông đảo công chúng yêu nghệ thuật. Chương trình gồm: lễ dâng hương, hoa lên Tổ nghiệp; vinh danh 20 nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho sân khấu Việt Nam; tuyên dương 90 nghệ sĩ vì cộng đồng; trao 10 suất học bổng tặng con em nghệ sĩ nghèo hiếu học, 20 phần quà tặng văn nghệ sĩ già neo đơn, khó khăn. Ngoài ra, chương trình còn có nhiều tiết mục cải lương, hát bội đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thành phố.

Theo đạo diễn Thành Bỉ, lễ giỗ Tổ sân khấu là hoạt động truyền thống của sân khấu cả nước; là dịp tôn vinh nghề, những nghệ sĩ đã cống hiến vì nghề, tri ân thế hệ nghệ sĩ đi trước đã dày công vun đắp cho nghệ thuật nước nhà.  Lễ giỗ Tổ còn là dịp nhắc nhở các nghệ sĩ trẻ kế thừa, tiếp tục phát huy thành quả, góp phần xây dựng văn hóa nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển. 

Trong ngày 9 -10/9, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Quận 5 cũng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam. Đông đảo các nghệ sĩ là diễn viên xiếc, múa rối, tác giả, đạo diễn đã đến thành kính dâng hương, hoa. Nhiều đơn vị nghệ thuật cải lương, hát bội, kịch nói công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố cũng đồng loạt tổ chức lễ giỗ Tổ Sân khấu 2019./.

Thanh Vũ/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm