25/02/2013 07:32 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Cần phải nói ngay để tránh hiểu lầm, hầu hết các nhà thơ lâu nay vẫn đọc thơ. Nhưng có lẽ đến Ngày Thơ Việt Nam 2013 (diễn ra ngày 22-24/2, khai mạc đúng Rằm tháng Giêng ÂL tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, HN), tại Sân thơ trẻ, mới thấy tất cả người đọc, nhà thơ lẫn sinh viên, đều đọc không cần giấy mà thuộc lòng, khiến người nghe chịu nghe, và chịu cảm.
Về trình diễn thơ tại Ngày thơ năm nay, nổi bật là hai tiết mục của Ban Nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn, hai tổ khúc Tổ quốc và Tình yêu, đã kết nối 9 nhà thơ và nhiều bài thơ trong cùng một dòng chảy có ý tưởng xuyên suốt. Kịch bản do hai nhà thơ Phan Huyền Thư và Hữu Việt thực hiện.Đọc thơ như kể một câu chuyện, có lẽ năm nay, các nhà thơ đã tìm ra cách đọc thơ sao cho… hay: kết hợp tập thể và thoát khỏi ràng buộc của văn bản cầm tay.
Nhà thơ tự do khi “thoát khỏi” văn bản
Đặc biệt, màn đọc thơ về Tổ quốc của các nhà thơ quen tên như Thụy Anh, Vũ Thiên Kiều, Nguyễn Quang Hưng, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Minh Cường, Miên Di, Nguyễn Anh Vũ, Lữ Thị Mai, Du Nguyên đã gây xúc động, thu hút một lượng lớn khán giả chăm chú lắng nghe. Đây có thể coi là tiết mục đặc sắc nhất của Ngày thơ năm nay, dù chỉ thêm chút “gia vị” diễn xuất và dàn dựng, không có chiêu trò trình diễn gì.
Khán giả ở Sân thơ truyền thống đồng loạt hướng về sân khấu khi nghe đọc bài Nam quốc sơn hà |
Những bài thơ, về Tổ quốc và tình yêu, hai chủ đề dễ tạo đồng cảm, đều như vang lên từ trái tim. Đến lúc đó người ta mới cảm thấy vai trò lớn của thơ là truyền cảm.
Trong sự im ắng tập trung của khán giả (có những lúc lên đến cao độ ở phần Tổ quốc), các nhà thơ hầu như tự do trong biểu cảm và diễn xuất. Họ thoát khỏi tờ giấy cầm ở tay như mọi năm, thoải mái đọc thơ bằng micro nhỏ gắn trên áo (chỉ trừ nhà thơ Vũ Thiên Kiều do thiết bị này hỏng nên phải dùng micro cầm tay).
Thay vào đó, họ phải thuộc thơ. Thông thường người ta nghĩ thuộc thơ không phải là một thách thức lớn. Nhưng với các thể thơ tự do, thơ văn xuôi (của Vũ Thiên Kiều, Du Nguyên) như hiện nay, thì việc thuộc được thơ, kể cả thơ của chính mình, là một điều khó. Càng khó khi cả hai tiết mục chỉ có 2 buổi tập ít ỏi.
“Viết về Tổ quốc, chỉ sợ sáo rỗng”
Đó là chia sẻ rất thật của nhà thơ Thụy Anh, một trong chín nhà thơ tham gia hai tiết mục của Ban Nhà văn trẻ, với TT&VH. “Khi ở xa Tổ quốc, lòng yêu Tổ quốc trong những người xa xứ hiện lên rất rõ ràng, nhưng viết ra rất dễ khiến người ta thấy sáo rỗng vì họ đã nghe những lời như thế quá nhiều”.
Bởi thế, nhà thơ không thể chỉ nói về Tổ quốc với cảm hứng hào hùng chung chung. Tổ quốc không chỉ là quá khứ oai hùng mà chính là những gì đang diễn ra trong đời sống đương đại. Thơ Thụy Anh: “Tôi muốn viết một bài thơ về Tổ quốc tôi/ Không dám viết đến cùng những điều thành thật/ Chỉ nói rằng yêu…”. Đây là những câu mở đầu tổ khúc Tổ quốc của Ban Nhà văn trẻ.
Mặc dù vậy, năm nay Sân thơ trẻ không có sức hút bằng Sân thơ truyền thống, chính xác là không đông khán giả bằng. Sân thơ truyền thống, với chủ đề Mùa xuân đất nước là nơi rước kiệu thơ, diễn viên vận đồ cổ trang đọc bài Nam quốc sơn hà, nhiều nhà thơ đã thành danh đọc thơ về đất nước và mùa xuân.
Theo cảm nghĩ cá nhân của người viết, Ngày thơ, với tư cách là sự kiện quan trọng nhất hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, được làm để tôn vinh thơ ca Việt Nam các miền và các thời, dù được tổ chức vào Rằm tháng Giêng, không nên xoay quanh chủ đề mừng xuân. Bởi nếu vậy thì sẽ mỗi năm sẽ có sự lặp lại nhàm chán, trong khi văn chương, thơ ca vẫn chuyển động xoay vần.
Các nhà thơ trẻ đọc thơ và diễn xuất truyền cảm khi trình diễn tổ khúc Tổ quốc |
Nét mới của Ngày Thơ năm nay so với các năm trước là dành phần lớn sân chơi cho sinh viên, với cuộc thi sáng tác và trình diễn thơ giữa 8 trường: ĐH Văn hóa Hà Nội, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Nhạc viện Hà Nội, ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ĐH Đại Nam, ĐH Sư phạm HN, ĐH Bách khoa và ĐH KHXH&NV Hà Nội.
Nhưng theo nhận xét của nhiều khán giả, tiết mục thơ của các trường đại học hào hứng và có sức trẻ nhưng bên cạnh đọc thơ thì múa, hát, tạp kỹ khá nhiều và ít có sự kết nối với thơ. Có trường như Học viện Báo chí và Tuyên truyền góp mặt bằng một tiết mục nhảy dù hấp dẫn nhưng dường như ít liên quan gì đến một trong các chủ đề: Thơ, Tổ quốc, Biển đảo hay mùa Xuân.
Trong Sân thơ trẻ, BTC dành cả vòng ngoài cho các trường đại học, công ty sách trưng bày “quán thơ”, nhưng các gian hàng của Nhã Nam hay Đông Tây là nơi bán sách giảm giá, không liên quan gì đến thơ.
Các gian hàng của các trường đại học thì có trường dành phần lớn để giới thiệu, trưng bày ảnh về hoạt động của trường, ít liên quan đến thơ, chẳng hạn Đại học Bách khoa hay Học viện Cảnh sát Nhân dân. “Quán thơ” ĐH KHXH&NV Hà Nội toàn treo và viết thi pháp chữ Hán. Gian hàng Học viện Báo chí và Tuyên truyền chăm chút nhất và treo nhiều thơ nhất song chưa phải là hấp dẫn. Sân thơ trẻ năm nay trang trí sơ sài và thiếu ý tưởng tổng quát, so với mọi năm kém hơn hẳn, người xem có ít thứ để tham quan.
Sự tham gia của sinh viên vào Ngày Thơ năm nay có tính phong trào hơn là một “cú hích” cho tình yêu thơ ca của sinh viên, nói như PGS-TS Văn Giá của ĐH Văn hóa HN khi trả lời một tờ báo thì “khó lắm”.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất