Dịch giả Trung Quốc Chu Ngưỡng Tu: Việt Nam có nền văn học đấu tranh

02/03/2015 13:18 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu khái quát “Văn học Việt Nam là nền văn học yêu nước thương dân” và ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, sáng 2/3.

Lễ khai mạc Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam 2015 diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Chúc Ngưỡng Tu, GS Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), là một trong 149 khách mời thuộc 43 quốc gia năm nay. Các quốc gia khách mời gồm có: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Colombia, Ai Cập, Ba Lan…

Một số khách mời quan trọng gồm: nhà văn M. Salmawy (Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai cập), nhà thơ kiêm dịch giả Kevin Bowen (nguyên giám đốc Trung tâm William Joiner Đại học Massachusetts của Mỹ), nhà văn Rati Saxena (Giám đốc Liên hoan thơ Kritya của Ấn Độ); nhà văn Andrzej Grabowski (ủy viên BCH Hội Nhà văn Ba Lan)…

Người dịch hầu hết thơ của Hồ Chủ tịch ra tiếng Trung

Trong các khách mời có GS Chúc Ngưỡng Tu, người lấy dịch văn học Việt Nam làm “nguồn vui sống” trong hơn 20 năm nay và đã dịch hầu hết thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Trung. Ông cũng là khách mời duy nhất phát biểu trôi chảy bằng tiếng Việt: “Là một người quan tâm đến văn học Việt Nam, tôi thấy văn học Việt Nam suốt cả chiều dài lịch sử có chủ đề yêu nước thương dân, đấu tranh chống áp bức bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người”.

“Văn học Việt Nam không những góp phần to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mà còn đóng góp quan trọng cho văn học thế giới và văn học tiến bộ loài người”.


Dịch giả Chúc Ngưỡng Tu (phải) tặng nhà thơ Hữu Thỉnh bức thư pháp
bản dịch tiếng Trung bài thơ
Sang thu nổi tiếng của Hữu Thỉnh. Ảnh: Hạ Huyền.

Ông Tu điểm lại các thời kỳ văn học Việt Nam từ dân gian truyền miệng đến văn học viết. Ông điểm tên đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, sang văn học hiện đại với Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… Đặc biệt, ông dành nhiều lời ca ngợi “nhà thơ Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cách mạng kiên cường”.

“Khi người dân sống trong lầm than, cùng khổ, thì từ nhà tù Quảng Tây, người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh đã lên tiếng mạnh mẽ về tự do. Trong tập thơ bất hủ Nhật ký trong tù, tác giả 12 lần dùng chữ “tự do”.

Yêu văn chương, thế giới hòa bình hơn

Hội nghị quảng bá văn học được nhấn mạnh thông điệp hòa bình. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng đây là “cuộc hội ngộ 5 châu làm nên một dải ngân hà”, là “một cuôc chạy đua cho hòa bình, thắp lên ngọn lửa của hy vọng về hòa bình”.

“Trong thế giới của nghe nhìn, chân lý và tình người vẫn không bao giờ cũ” – ông Thỉnh nói – “Trong mọi hình thức giao tiếp, không có hình thức nào say đắm như trong văn chương. Không đâu có sự “không hẹn ước mà thành tri kỷ” như khi cùng cảm nhận văn chương”.

Nhà văn M. Salmawy (Ai Cập) cùng quan điểm này: “Nếu có nhiều nhà văn, nhà thơ hơn thì thế giới sẽ hòa bình hơn”.

Đây là sự kiện quảng bá lớn nhất từ trước đến nay của văn học Việt Nam, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Hội nghị đề cao hoạt động dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra các nước, nhằm giảm bớt tình trạng “nhập siêu” về văn học (dịch xuôi từ tiếng nước ngoài vào tiếng Việt quá nhiều). Trong bối cảnh đó, những dịch giả đam mê dịch văn học Việt Nam như GS Chúc Ngưỡng Tu hay nhà thơ Kevin Bowen được Hội Nhà văn chào đón và tôn vinh.

Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 2-7/3/2015 tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Trong khuôn khổ hoạt động, Ngày thơ Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 5/3 (Rằm tháng Giêng) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Hạ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm