Ngày trở lại của bóng đá Quân đội

06/11/2020 07:32 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Chỉ cần thắng Sài Gòn FC ở trận cuối cùng mùa giải, CLB Viettel chính thức đăng quang ngôi vô địch V-League 2020. Như thế, những khắc khoải về 22 năm xa vắng danh hiệu cao nhất bóng đá nước nhà sẽ chấm dứt. Hay quãng đường trải qua nhiều gian truân của bóng đá Quân đội từ cái tên Thể Công sang Viettel cũng có thêm tươi mới cho giai đoạn tiếp theo.

Lịch thi đấu V-League 2020 giai đoạn 2 vòng 7: Sài Gòn vs Viettel. Quảng Ninh vs Hà Nội

Lịch thi đấu V-League 2020 giai đoạn 2 vòng 7: Sài Gòn vs Viettel. Quảng Ninh vs Hà Nội

Lịch thi đấu V-League 2020 giai đoạn 2 vòng 7. Bảng xếp hạng V-League 2020. Bảng xếp hạng bóng đá Việt Nam. Sài Gòn vs Viettel. Than Quảng Ninh vs Hà Nội

Hơn 10 năm gian truân

Cách đây hơn 10 năm, Bộ Quốc Phòng đã quyết định cái xóa tên Thể Công khỏi đời sống bóng đá Việt Nam, chấm dứt 55 năm tồn tại của đội bóng Quân đội. Căn nguyên được giải thích đến từ những thành tích không tốt của đội bóng ở mùa giải 2009. Cái tên Thể Công chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của mình từ ngày đó, còn con người thì ngược vào xứ Thanh như một cuộc chuyển giao.

CLB Viettel bây giờ khi đứng trước cơ hội lịch sử lên ngôi V-League được khởi thủy từ chủ sở hữu là Trung tâm bóng đá Viettel. Bối cảnh mới cùng những cơ chế hoạt động ngày đó buộc phải có những điều chỉnh để phù hợp với quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng như thời cuộc. Nghĩa là, cho dù có thể ngầm hiểu ở mức độ nào đó Viettel vẫn là Thể Công khi thuộc về trong môi trường Quân đội. Nhưng quản lý chuyên môn, đầu tư, xây dựng cùng phương thức hoạt động nằm ở Viettel. Để rồi từ đó, đã có những ý kiến khác nhau hay tranh cãi trái chiều về phiên hiệu đội bóng.

Bên cạnh đó, ước mong về ngày cái tên tên Thể Công đầy tính tráng ca được xuất hiện trở lại cũng được coi như nhu cầu rất thật. Thậm chí đã có những lời hiệu triệu hay thu thập chữ ký cho chuyện “trả lại tên cho em” như thế.

Trong khi đó, trên thực tế nếu xét nét theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư” thì CLB Viettel hôm nay hẳn nhiên không phải là đội Thể Công xuống hạng rồi chuyển giao cho Thanh Hóa tháng 09 năm 2009. “Đội bóng áo lính” hay “hậu duệ Thể Công” chỉ là mỹ từ người ta đặt ra và gọi tên như ước mơ về Thể Công ngày trước hay cũng chỉ để nhắc nhớ về quá khứ hào hùng chưa xa, chưa cũ.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, bong da, tin bong da, Sài Gòn vs Viettel, Than QN vs Hà Nội, lịch thi đấu V League, BXH V League, trực tiếp bóng đá
Ngày trở lại ngôi vô địch quốc gia đã thật gần với bóng đá Quân đội, một tượng đài của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Viettel hôm nay là sản phẩm mới tinh của trung tâm thể thao Viettel. Nghĩa là ở đó, vẫn có những người lính đá bóng nhưng tập thể đã quy tụ thêm những nhân tố từ nơi khác chuyển về hay cả những ngoại binh. Chưa cần nói về phiên hiệu là gì, nếu không có những căn chỉnh về cơ chế thì hẳn nhiên chuyện những cầu thủ nước ngoài đâu thể có mặt ở đại bản doanh Viettel. Vậy nên, gìn giữ giá trị truyền thống là điều đáng trân quý nhưng không thể cứ mãi “sống mòn’ với nghĩ suy đó khi thời cuộc đã có những đổi thay.

Nói thế cũng không có nghĩa là đoạn tuyệt với những gì đã thành thương hiệu, thành bản sắc. Câu chuyện ở chỗ, quy luật phát triển sẽ phải đặt ra con đường, hướng đi khác còn “một lần Thể Công, mãi mãi Thể Công” vẫn được coi như vốn quý cho Viettel bây giờ.

Nếu Viettel vô địch

22 năm trước 1998, Thể Công lên ngôi với thế hệ tài hoa Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Đức Thắng, Trương Việt Hoàng, Triệu Quang Hà, Phạm Như Thuần, Đặng Phương Nam, Thạch Bảo Khanh... Những cái tên ở trên cũng là “thế hệ vàng” của bóng đá nước nhà những năm cuối 90, đầu 2000. Những năm đó, Thể Công vẫn chơi ở sân bóng Cột Cờ, vẫn “những người lính đá bóng” đúng nghĩa nhất của cụm từ này.

Ngày đó, Thể Công vẫn chơi hào hoa, đẹp mắt để tiếp tục xứng danh “cơn lốc đỏ” huyền thoại. HLV Trương Việt Hoàng, người dẫn dắt Viettel hôm nay đã cùng Thể Công vô địch giải quốc gia năm đó. Không chỉ chứng nhân một thời hào hùng, Hoàng “bộp” còn như gạch nối Thể Công- Viettel.

Với Viettel, từ ngày trở lại sân chơi V-League thì lộ trình để tìm lại thành tích ngày xưa chưa nằm trong kế hoạch mùa giải năm nay. Từ những chia sẻ cũng như nhìn về đường đi, sẽ thấy trong tính toán đó, người Viettel lấy cái mốc năm sau 2021 cho mục tiêu vô địch. Những bóng đá đôi khi không chỉ có tính toán đơn thuần như vậy để hành động. Hôm nay, trước trận chiến cuối cùng, HLV trương Việt Hoàng đã nghĩ về chức vô địch, điều mà trước đó, nhà cầm quân vẫn còn khá e dè khi nói về nó.

Cơ hội quá lớn, mọi thứ đang ủng hộ cho Viettel. Đơn giản thôi, cờ đã đến tay, không phất quả là phí phạm và cũng tiếc nuối cho những cố gắng của mùa giải quá nhiều long đong.

Không ồn ào như CLB TP.HCM, cũng chẳng hô hào như Sài Gòn FC, Viettel năm nay đã biết cách đi với lối riêng của mình ở sân chơi V-League. Sau năm đầu tiên 2019 chơi bóng còn nhiều vất vả với vị thế của một tân binh, họ hiểu rằng mọi thứ không hề đơn giản và cần thời gian và nhiều yếu tố nữa.

HLV Trương Việt Hoàng đã từng nói ông muốn sự ổn định và kết quả mới là điều quan trọng nhất. Để rồi, chính nhà cầm quân này đã tính toán về những phương án của mình cho phù hợp, căn chỉnh điểm rơi phong độ, tận dụng sai lầm của đối phương rồi biết biết ứng biến đúng lúc cho chặng đường đã qua của đội bóng.

Nói thế để thấy, lối chơi thêu hoa dệt gấm mang về cảm xúc thì tiêu chí làm việc khoa học, chỉn chu cũng cần ghi nhận như nét riêng mà Viettel để lại. Suy cho cùng, nếu lên ngôi cũng như chuyện không quá bất ngờ và xứng đang cho những nỗ lực của Viettel mà thôi.

Chú thích ảnh
HLV Trương Việt Hoàng

Ngày trở lại của bóng đá Quân đội

Viettel vô địch là một chuyện, chuyện quan trọng hơn có thể từ cột mốc thành tích để đanh dấu ngày trở lại sẽ tạo ra những bật vọt về sự trở lại đúng nghĩa của bóng đá Quân đội trong tương lai gần.

Nhiều năm qua, người ta chỉ nói về sự lấn lướt đến từ Hà Nội FC với không nhiều những cạnh tranh sòng phẳng nhất của các đội bóng khác. Đó là chưa kể, nhiều địa phương có truyền thống đã xuống dốc hay đánh mất chính mình như SLNA, Đà Nẵng, Đồng Tháp chẳng hạn. Chúng ta ghi nhận những gì Hà Nội FC đã làm nhưng để bóng đá nước nhà phát triển, dứt khoát phải có cạnh tranh. Cạnh tranh đến từ nhiều đội bóng, nhiều trung tâm khác nhau trên tinh thần lành mạnh và sòng phẳng nhất.

Nói cách khác, V-League cần thêm những màu sắc tươi nhuận nhất, những luồng gió mới lạ nhất. Vì thế, ngày Viettel vô địch (nếu thành sự thật) không chỉ ghi dấu thành tích cho riêng họ mà còn tạo ra rất nhiều cảm hứng cho bóng đá nước nhà. Cảm hứng đó đến từ những cạnh tranh đa dạng, những cuộc so kè với nhiều đội bóng khác nhau để chí ít cũng tạo ra một V-League chất lượng và đáng xem hơn.

Đã từng có một thời, sân cỏ Việt chất chứa nhiều cảm xúc với những so kè như thế của nhiều, rất nhiều đội bóng ngang ngửa nhau. Ở đó, người xem nhớ về những trận derby Sài thành Cảng Sài Gòn-Hải Quan, derby Hải Vân khi bóng đá Huế đối đầu cùng Quảng Nam Đà Nẵng hay derby Thủ đô mỗi lúc CAHN và Thể Công gặp nhau. Tính cạnh tranh, sự đua tranh nằm vào chỗ đó và nói đâu xa, khi Viettel trở lại V-League để 2 năm qua co những trận gặp nhau với Hà Nội FC cũng đủ để nhớ về những trận đấu giữa CAHN-Thể Công một thời.

Không tự dưng, HLV Trương Việt Hoàng được mời về để dẫn dắt đội bóng năm nay. Nhiều năm chinh chiến ở đất Cảng, hẳn nhiên HLV này đã thuộc lòng bài vở V-League. Hơn thế nữa, cái gốc gác thể Công, niềm tự hào về “cơn lốc đỏ” mà chính ông đã từng có được của những năm về trước sẽ như chất xúc tác khơi dậy tinh thần Thể Công.

Có thể Viettel không bay bổng, không thêu hoa dệt gấm như Hà Nội FC và họ cũng chưa để lại “cơn lốc đỏ” đúng nghĩa dưới thảm cỏ như ngày xưa. Điều này chính xác nhưng không phải vì thế mà xem nhẹ những những gì Viettel đã làm, đang có và sẽ có. Nghĩa là cái đẹp của họ đến từ những góc cạnh khác, ngữ nghĩa khác.Họ âm thầm, họ ổn định, họ tốt dần lên từng ngày. Viettel biết mình có gì, thiếu gì để tạo ra cái nền cơ bản để chơi, để ứng phó.

Tựu trung lại, làm những gì tốt nhất của mình cùng tâm thế “biết mình, biết người” đã mang lại thành công cho Viettel. Dưới góc độ nào đó, cái đẹp trong bóng đá cũng cần được nhìn nhận như thế.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm