Những bác sĩ tốc hành vào vùng lũ

19/10/2010 11:19 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hai ngày đường, đoàn xe đưa hơn 40 bác sĩ tình nguyện từ TP.HCM vượt qua 1.200 km để đến vùng lũ miền Trung. Bữa cơm trưa chỉ kịp nuốt vội, giấc ngủ đêm vẻn vẹn 4 tiếng đồng hồ. Gương mặt những bác sĩ trẻ tình nguyện lộ rõ sự căng thẳng và mệt mỏi nhưng họ chẳng chùn bước chân hướng về đồng bào đang đắm chìm trong cơn lũ dữ.

Dẫn đầu đoàn là chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định với hơn chục bác sĩ trên xe. Tôi đi cùng xe các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy. Ánh đèn cấp cứu chớp sáng liên tục để mở đường cho 4 chiếc xe còn lại lao nhanh về phía trước.

Hành trình về nơi rốn lũ

Trong suốt 2 ngày trên đường đến vùng lũ, chiếc radio trên 5 chiếc xe ôtô 16 chỗ ngồi làm việc hết công suất. Chương trình dự báo thời tiết được thông báo liên tục. Những thông tin xấu về ngập lụt tại các tỉnh miền Trung được dồn dập thông báo và tâm trạng các anh em trong đoàn ngày càng dồn nén lo âu.


Khám bệnh miễn phí cho bà con vùng lũ Hải Thanh, Quảng Trị
Tối 16/10, đoàn xe đã tới tỉnh Phú Yên... Chiếc điện thoại trên tay anh Nguyễn Hoàng Cương, Phó trưởng đoàn rung lên liên hồi, những cuộc trao đổi giữa trưởng đoàn và các thành viên khác cứ liên tục. Anh Cương quay về phía chúng tôi và đột ngột ra thông báo: “Lịch trình khám chữa bệnh và chuyển hàng cứu trợ buộc phải thay đổi do tình hình thời tiết diễn biến quá xấu”. Một cuộc họp diễn ra ngay trên đường đi.

Ban đầu, đoàn được chia thành 2 nhóm, chúng tôi cùng với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thuộc nhóm 2 và theo lịch trình sẽ đến Hà Tĩnh ngay trong đêm 17/10. Nhưng do lũ đang diễn biến phức tạp tại 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh nên chúng tôi không thể đến Hà Tĩnh ngay lúc này và nhóm 1 cũng không được đến Quảng Bình trong đêm 17/10. “Tất cả tập trung ở Quảng Trị và sẽ tiến hành khám chữa bệnh, phát thuốc, gửi hàng cứu trợ cho 1.000 người dân 2 xã Hải Thành, Hải Thiện (Hải Lăng, Quảng Trị). Đây là điểm khám bệnh, cứu trợ đầu tiên thay vì là điểm cuối.

Vượt qua đèo Hải Vân, bước vào địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế lúc 14h, màn sương dày đặc bao phủ đỉnh đèo Hải Vân, không khí thay đổi đột ngột, cái lạnh ùa vào khoang xe, những chiếc áo gió mang dòng chữ “Thanh niên tình nguyện” khác vội lên người, đóng kín các cửa sổ, đoàn xe lao nhanh về Quảng Trị.

Trời càng về đêm, Đông Hà càng mưa, cách chúng tôi không xa, gió mưa đang quần thảo tơi bời.

Đau thương sau cơn lũ

7h30 sáng 18/10, chúng tôi có mặt tại xã Hải Thành và Hải Thiện, huyện Hải Lăng, Quảng Trị để khám chữa bệnh và gửi hàng cứu trợ cho 1.000 hộ dân nơi đây. Với cơ số thuốc là 1.000 liều, đủ cho người dân dùng trong 10 ngày, 1.000 thùng mì, 1.000 quyển tập vở, 200 thùng nước suối, 100 bao quần áo, 2 tấn gạo và 30 triệu đồng tiền mặt trực tiếp đến tay người dân 2 xã.

Đoàn chia 2 nhóm, chúng tôi cùng một số bác sĩ về xã Hải Thành, cách UBND xã hơn 100m chiếc xe ôtô không đủ sức vượt qua sình lầy. Những thùng mì, tập vở, thuốc men... vác trên vai, ống quần cao quá đầu gối, chúng tôi vượt đường trơn, ngầu bùn để đến UBND xã. Không đầy 20 phút, phòng khám “dã chiến” được triển khai, các bác sĩ trẻ lao vào nhiệm vụ của mình.

Hàng trăm người dân đã chờ đoàn chúng tôi từ sớm, những khuôn mặt xanh xao, hốc hác, những cụ già tay chống gậy run rẩy, các em học sinh đứng vây quanh đoàn tại UBND xã. Xúc động đến nghẹn lòng khi gặp hình ảnh cụ bà Trần Thị Năm, ngồi bệt xuống đất giữa hàng trăm người dân đứng xung quanh, cụ đã ngoài 70 tuổi, đôi mắt mờ đục nhìn về phía bàn phát thuốc, chốc chốc đôi bàn tay nhăn nheo của cụ lại đưa lên vuốt khuôn mặt già nua và quệt ghèn ứa ra khỏi khóe mắt. Cuộc đời của cụ đã không biết bao lần phải đón những trận lũ kinh hoàng tại ngôi làng nằm trên dải đất miền Trung này.

Cụ ông Hoàng Muộn, 67 tuổi, ngụ tại thôn Trung Đơn, tay chống gậy, miệng móm mém, chỉ cho chúng tôi xem bệnh nấm hắc lào ăn khắp người: “Xã ni là xã vùng sâu, năm nào cũng bị lũ. Năm nay lúa chưa kịp gặt đã ngập sâu, gà vịt nhà tôi bị trôi hết, nhà ngập đến mái. Nhờ lương thực Nhà nước cứu trợ, bà con chúng tôi cầm cự sống qua ngày”.

“Nín thở” chờ “siêu bão”

Theo bản tin đêm qua của TTDBKTTVTƯ, bão Megi có sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167 đến 201 km một giờ), giật trên cấp 16 đang tiến vào biển Đông. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10- 15km. Như vậy, các tỉnh miền Trung có thể sẽ phải tiếp tục gánh chịu những ảnh hưởng trực tiếp của “siêu bão” này. Chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung cần tiếp tục tăng cường chủ động để tránh những thiệt hại nặng nề, nhất là những thiệt hại về người.

Nhóm PV, CTV

Năm nay, Hải Thành phải đón 2 đợt lũ, lúa vừa trổ bông chưa kịp thu hoạch đã bị nhấn chìm, ông Vương Khánh Kim, Chủ tịch UBND xã Hải Thành cho biết: “Đợt lũ tháng 8, toàn bộ lúa chìm trong lũ, nước rút đến đâu, chúng tôi gặt đến đó. Nhưng lúa nảy mầm hết rồi, chỉ còn đem nuôi heo, gà vịt thôi. Chưa hết khổ, lũ lại ào ào về, 655 hộ dân toàn xã lại dầm mình trong nước lũ, bệnh tật, đói khát. Đến nay, xã có 180 ca đau mắt hột, 120 ca bị các loại nấm, tiêu chảy 26 ca và cảm cúm 255 ca, tổng thiệt hại tài sản ước tính gần 2 tỷ đồng. Chúng tôi lo lắng nhất là lương thực mất hết, không có đủ cho người dân khi bão Megi đang kéo về, không biết đời sống của bà con năm ni sẽ ra sao nữa”.

Theo chân anh Lý Huy Bòn, một cán bộ xã Hải Thành, chúng tôi đi xuồng vào xóm Cồn, dù lũ đã rút đi mấy ngày nhưng toàn bộ đồng ruộng vẫn ngập sâu hơn 1m nước. Anh Bòn nói: “Trước mấy ngày, lũ dâng cao hơn 3m, nước trắng xoa, chẳng còn thấy làng xóm gì đâu. Bà con của xã ni đều làm nghề nông, nhà nào cũng nghèo khổ cả, bây chừ mà thêm đợt bão nữa, nước lũ lại lên thì chẳng biết phải nói sao”.

Anh Bòn chèo xuồng nhanh đưa chúng tôi trở lại UBND xã, bầu trời mây xám xịt vần vũ trên đầu, mưa lại bắt đầu rơi. Ngoài sân UBND xã, bà con đến khám bệnh, nhận hàng cứu trợ ngày một đông. Tiếng loa phát thanh của xã liên tục gọi tên bà con đến lượt vào khám bệnh và cấp thuốc.

Ghi chép của Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm