Nghệ nhân làm đàn ghi-ta Giang Văn Thân: Có nghệ sĩ đúng nghĩa thì sẽ có cây đàn đúng chất

11/11/2015 20:26 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Nhiều người đã ngạc nhiên khi đi nước ngoài, tình cờ bắt gặp trong tiệm đàn thủ công hàng chữ “Made by Giang Van Than luthier” (chế tác bởi nghệ nhân làm đàn Giang Văn Thân). Những cây đàn của Thân luthier (cách gọi thân mật) ở đó có giá trên trời, mà không phải lúc nào có tiền cũng mua được. Vậy nghệ nhân Giang Văn Thân hiện nay đang ở đâu?

Việt Nam có một vài người làm đàn ghi-ta xứng đáng với danh hiệu luthier (nghệ nhân làm đàn), thì Giang Văn Thân thuộc diện đặc biệt trong số đó. Ông đặc biệt vì có khả năng làm được nhưng cây đàn phù hợp tâm tính và tâm tình của chủ nhân.

Trước đây ông sống tại Đà Lạt, gần đây ông xuống TP.HCM, ở trọ chỗ này chỗ kia, và làm nên những cây đàn tuyệt hảo.

* Từ góc nhìn của một nghệ nhân, ông quan niệm thế nào là một cây ghi-ta được làm hoàn hảo?

- Một cây ghi-ta hoàn hảo chắc chưa có mặt trên đời này, vì sau khi làm xong cây đàn đó, người nghệ nhân đã nghĩ mình có thể làm hoàn hảo hơn nữa, rồi nghĩ về việc làm cây tiếp theo. Tự người nghệ nhân không thể quyết định được sự hoàn hảo của một cây đàn, nếu vật liệu, phụ liệu và bộ gỗ không đủ chất lượng, rồi người chơi không biết cách “giáo dưỡng”, gìn giữ cây đàn đó.


Nghệ nhân Giang Văn Thân tại xưởng đàn của mình ở Gò Vấp, TP.HCM

Tôi nghĩ một cây đàn đóng đạt chuẩn cũng giống như một đứa trẻ có tố chất, năng khiếu, phần việc còn lại là do người nghệ nhân và người chơi phải nuôi dưỡng, dạy tiếng, rồi cho nó ăn học để nên người.

Tại sao có nhiều trường hợp người nghệ nhân phải giữ cây đàn ở lại 5 - 10 năm sau khi đóng xong, đó là vì người ấy muốn dạy cây đàn ấy kêu đúng thứ tiếng mà người đặt hàng mong muốn. Cây đàn đó sau khi về tay người chơi, người đó tiếp tục dạy để nên hình nên tiếng hơn. Sau một thời gian nhất định, thì cây đàn mới đạt đến ngưỡng trưởng thành, rồi phát tiết, thăng hoa.


Cây đàn do Giang Văn Thân chế tác có nhiều chi tiết đặc trưng, mà trong đó đầu đàn có mũi tên cách điệu chính giữa là một chi tiết rất riêng, nhìn vào đó sẽ nhận ra sự riêng biệt

* Được biết ông đến với việc làm đàn từ khoảng 1984 - 1985, nhưng làm song hành với các nghề khác để kiếm sống, mãi sau này mới tập trung mỗi một việc này. Nguyên do nào dẫn ông đến quyết định tự mày mò để làm một cây ghi-ta?

- Tôi tuổi con khỉ (Bính Thân, 1956) nên hay tò mò tìm hiểu, cái gì cũng thích tự tay làm lấy. Riêng với đàn ghi-ta, do mê từ nhỏ, lúc nào cũng muốn tự làm cho mình một cây. Tôi có ông anh kế, tuổi con rắn (anh Giang Văn Tỵ, Quý Tỵ, 1953), chơi đàn ghi-ta rất hay, năm 1975 ông chết đột ngột, cây đàn đó cũng đốt ngoài mộ, làm tôi tiếc đứt ruột.

Từ đó tôi càng ôm ấp giấc mơ làm cây đàn cho riêng mình. Tự học, đúng hơn là tự đào tạo, quả thật khó khăn, nhất là khi tôi ở một nơi như Đà Lạt, tài tiệu và con người cho nghề này đều ít, nên mày mò mất thời gian nhiều lắm.

Tuổi con khỉ hay tò mò, đi học việc xin việc ở đâu người ta cũng ngại mình ăn cắp này kia, nhưng bù lại, nó cũng giúp mình thêm động lực để tự học. Khoảng 1980 tôi đã có thể làm được một cây ghi-ta, nhưng làm thường xuyên phải 4 - 5 năm sau đó.


Tem đàn giản dị, nhưng đủ thông tin về cây đàn của Giang Văn Thân

* Ông có quan trọng xuất xứ của bộ gỗ để làm đàn không?

- Không những quan trọng, mà còn quan trọng nhất; như người dân thường gọi nôm na “ghi-ta gỗ”, theo nghĩa gỗ là một thành phần trọng yếu. Những vùng rừng vừa trải qua chiến tranh, loạn lạc, thiên tai… thường không được chọn gỗ để làm đàn.

Những bộ gỗ quý thường đến từ những khu rừng bình yên trong nhiều thế kỷ, giới làm đàn tin rằng tiếng đàn của những bộ gỗ này sẽ trong sáng, hiền hòa. Những bộ gỗ đó được để khô tự nhiên, được truyền từ đời nghệ nhân này đến nghệ nhân kia thì càng quý giá hơn.

Tại Việt Nam, muốn mua được những bộ gỗ quý từ nước ngoài rất khó, bởi giới làm đàn ở mình chưa đủ tên tuổi và quan hệ để mua trực tiếp, mà phải nhờ qua trung gian, điều này làm ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cây đàn.

* Ngày nay nhiều cá nhân cực đoan trên thế giới cho rằng về sáng tạo, Việt Nam có sơn mài, phở và ghi-ta của Giang Văn Thân là đáng chú ý nhiều hơn cả. Chúng ta không bình luận về nhận xét đó ở đây, nhưng lại muốn biết cây đàn ghi-ta đầu tiên mà ông bán ra nước ngoài giá bao nhiêu?

- Hơn chục chai bia thời đó. Ông anh tôi dụ đổi bia lấy đàn, rồi bán lại cho một người Mỹ giá 50 USD, đến nay người đó vẫn còn chơi. Qua trung gian tôi biết người đó rất quý cây đàn này, nói 100 ngàn USD cũng không muốn bán lại, vì nó hợp tâm tính và tâm tình của ông, trở nên vô giá.

Tôi cũng có ước mơ là lúc nào đó được ôm lại cây đàn này để xem nó về nhà người ta sinh sống thế nào. Tôi tin rằng một cây đàn được chủ nhân trân quý thì cũng giống như một đứa trẻ được cha mẹ yêu thương, tôn trọng.

* Hiện nay nhiều tiệm đàn bên ngoài Việt Nam bán đàn của ông lên đến 5 - 10 ngàn USD/cây và hơn nữa, mà không phải lúc nào cũng có để mua được. Ông đã làm giá cho cây đàn của mình thế nào?

- Suốt một thời gian dài tôi sống ở Đà Lạt, nơi mà người có nhiều tiền thì ít chơi ghi-ta, họ ưu tiên dương cầm, vĩ cầm nhiều hơn. Tôi muốn được làm đàn suốt đời, nên nhiều lúc đói quá phải đi làm rau, đánh véc-ni, sơn phết…, nói chung làm thợ đụng để qua ngày.


Những tờ “tiểu sử đàn” như thế này có thể được nhìn thấy ở nhiều cửa hiệu sang trọng

Tiền công cho nghệ thuật và nghệ nhân ở Việt Nam mình còn bèo lắm, nói gì đến việc làm giá hay nâng giá này kia. Khi làm đàn, tôi chỉ biết làm tốt nhất có thể, tùy người đặt, nếu họ có điều kiện để mua bộ gỗ quý, phụ kiện cao cấp thì cây đàn sẽ nhiều tiền hơn mức bình thường, nhưng cũng không quá cao. Về họ bán như thế nào, rồi bán đi bán lại nữa, giá ở tiệm làm sao tôi quyết định được.

Cái nghề này nhiều khi bạc bẽo lắm, cách đây khá lâu, ông anh tôi đem cây đàn của ai đó về nhờ sửa, nó là cây đàn chợ, chất lượng rất tệ, nhưng là một kỷ niệm của họ, tôi sửa lấy 150 ngàn đồng. Khi nhận lại đàn, người chủ lấy làm vui vì cây đàn đã lành lặn, cứng cáp, nhưng sau đó tôi nghe lời xì xào của những người xung quanh rằng đàn mới ngoài chợ bán chỉ 150 ngàn đồng cây, sao lại sửa với giá đó.

Tôi nghe vậy nên muốn cầm 150 ngàn đến để mua lại cây đàn đó, vì nó cũng đã thành kỷ niệm với mình rồi, rất may chủ nhân kia không bán. Làm sao định giá được một kỷ niệm?

* Ở trên ông có nói cây đàn hợp tâm tính và tâm tình chủ nhân, nghĩa là ông có để ý đến điều này khi nhận đặt hàng?

- Cây đàn mà chủ nhân người Mỹ kia sở hữu là tôi đóng cho tôi, chắc ông ấy có tâm tính giống tôi nên thấy nó hợp. Sau này, có những khách hàng đến với tôi vài lần trước khi quyết định đặt một cây đàn, qua các lần tiếp xúc, đưa đàn cho họ chơi thử, tôi cố gắng đoán xem họ là người như thế nào mà thực hiện.

Đôi khi đoán trúng, đôi khi đoán sai, nó cũng giống chuyện “trong nhờ đục chịu”, y như gả con về nhà chồng, gặp gia phong nề nếp thì con mình hưởng phúc, gặp gia đình vô lễ thì con mình đau khổ, lận đận.

* Với nghề đàn, nay đã có danh, vậy ông muốn làm được điều gì trong tương lai?

- Thật lòng tôi muốn đóng được một cây ghi-ta flamenco đúng nghĩa và đúng chất, bởi lâu nay tôi chủ yếu làm đàn ghi-ta classic, cũng có làm flamenco, nhưng chưa thật như ý.

Tất nhiên, một cây flamenco đúng nghĩa và đúng chất thì cũng cần một nghệ sĩ như vậy để chơi, mà ở Việt Nam mình cũng không dễ tìm. Có nghệ sĩ sẽ có đàn, tôi đã thấy nghệ sĩ đó nên quyết tâm cho bằng được.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm