29/06/2018 15:10 GMT+7 | Nghệ sĩ với World Cup 2018
(lienminhbng.org) - Aaron Toronto là người Mỹ đã sống và làm việc trong ngành giải trí tại Việt Nam từ năm 2004 tới nay. Anh là đạo diễn, diễn viên, biên kịch, dựng phim và nhà sản xuất, đã tham gia nhiều dự án trong hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.
“Một tháng trời của World Cup là dịp mà các quốc gia, các sắc tộc trên thế giới có thể cùng nhau cạnh tranh trong lành mạnh. Tôi nghĩ World Cup có một ảnh hưởng rất tốt đến ngoại giao, giúp thế giới có thêm cơ hội cảm thông và tôn trọng lẫn nhau. Đó là một điều rất tuyệt vời” - Aaron Toronto bắt đầu câu chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Anh nghĩ sao về đội tuyển Mỹ quê hương - nhà vô địch Gold Cup 2017 khu vực Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbean - trước cơ hội dự World Cup lần thứ 8 liên tiếp mà đã bị bỏ lỡ?
- Đó là một thảm họa, họ bị Trinidad và Tobago loại bỏ không thương tiếc. Lúc ấy cả một cộng đồng yêu bóng đá ở Mỹ nổi lên cơn giận dữ khủng khiếp. Sự thất bại đó không chỉ là thất bại lớn nhất trong lịch sử bóng đá Mỹ, mà có thể là “sự thất bại vĩ đại nhất” trong cả lịch sử thể thao đầy vinh quang của Mỹ.
Tôi vẫn không thể tưởng tượng được làm sao Mỹ, một đất nước có hơn 325 triệu dân, chỉ cần đá huề với một đất nước có dân số ít hơn 200 lần, mà vẫn không làm được. Trong khi đó Trinidad và Tobago là đội đứng thứ 6, cũng là chót bảng, không còn cơ hội đi tiếp, thậm chí nếu họ thắng đậm. Mà chua nhất là Mỹ lại thua họ với một pha sút cháy lưới nhà.
* Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng người Mỹ không thích bóng đá cho lắm, dù ngay mùa World Cup đầu tiên năm 1930, họ từng xếp vị trí thứ 3, và xếp thứ 2 Cúp Liên đoàn các châu lục năm 2009. Có thật người Mỹ không thích bóng đá?
- Nói Mỹ không thích bóng đá là không đúng hoàn toàn. Vì số người thích thể thao nói chung ở Mỹ rất lớn, chỉ cần một phần nhỏ trong đó mê bóng đá đã là vài triệu rồi. Theo thống kê, họ cũng có một lượng người hâm mộ ngang bằng một nước nào đó ở châu Âu hoặc Mỹ Latin. Nhiều người không biết rằng tại Mỹ, số lượng người xem trung bình của một trận bóng đá nhà nghề (MLS) nhiều hơn một trận bóng rổ nhà nghề (NBA) và một trận khúc côn cầu nhà nghề (NHL).
Nhưng nhìn khía cạnh khác, nhiều người Mỹ cũng không thích coi bóng đá, vì một lý do đơn giản bởi nó đã không đóng vai trò lớn trong văn hóa - thể thao Mỹ suốt nhiều năm (kể từ thập niên 1920) như rất nhiều môn khác. Và vì họ cũng không hiểu bóng đá cho lắm, nên nhiều người cho rằng môn này mà được ưa thích nhất hành tinh thì… hơi chán.
Hơn nữa, nhiều người Mỹ cũng ghét bóng đá ở khía cạnh dễ bị tác động đến kết quả chung cuộc. Chỉ cần một cú phạm lỗi, một sai lầm, hoặc một cầu thủ “vô tình” làm cháy lưới nhà… là có thể thay đổi kết quả trận đấu. Các môn thi đấu của Mỹ thường rất khoa học. Luật rất rõ ràng, trọng tài có quyền dừng lại trận bóng để xem có ai phạm lỗi hay không. Thậm chí huấn luyện viên có quyền bắt trọng tài coi lại cú nào họ thấy không đúng. Mọi thứ để đảm bảo rằng trận đấu diễn ra rất công bằng và theo luật.
Việc FIFA giới thiệu VAR vào môn bóng đá có thể giải quyết vấn đề này một phần nào đó. Nếu thành công, có thể người Mỹ cũng sẽ bắt đầu đỡ ngứa mắt, sẽ theo dõi nhiều hơn.
* Nếu ngày đó đến sớm, khi có đủ số người giỏi của Mỹ thích bóng đá, chuyện gì sẽ xảy ra?
- Mặc dù trong 2-3 thế hệ gần đây, bóng đá là môn được chơi nhiều nhất ở trẻ em Mỹ, nhưng khi lớn hơn, nhiều người lại chọn các môn khác để chơi chuyên nghiệp. Lý do rất đơn giản: tiền.
Có tới 4 môn kiếm được nhiều tiền hơn so với MLS (bóng đá), đó là NFL (bóng bầu dục, trung bình 2,7 triệu USD/năm), NHL (khúc côn cầu, 3,1 triệu USD), MLB (bóng chày, 4,5 triệu USD), NBA (bóng rổ, 7,1 triệu USD). Trong khi lương trung bình của một cầu thủ bóng đá trong MLS chỉ khoảng 330.000 USD, thấp hơn 10-20 lần. Cho nên việc một thiếu niên Mỹ chọn các môn truyền thống để chơi trước khi chọn bóng đá cũng là dễ hiểu.
Nhưng nếu các nhân tố giỏi của thể thao Mỹ cùng chọn bóng đá thay vì các môn kia, thì nước Mỹ sẽ là nước chơi rất giỏi, ngang hàng các nước giỏi nhất. Đội tuyển nữ của Mỹ đã vô địch World Cup 3 lần, nếu tuyển nam cũng đủ tập trung, việc vô địch World Cup cũng sẽ đến.
* Anh nghĩ một đội như tuyển Việt Nam, nếu đủ tập trung, thì có khả năng xuất hiện ở chung kết World Cup?
- Tôi vẫn theo dõi đội tuyển Việt Nam và rất vui khi họ có thể tiến xa. Tôi sẽ không bao giờ quên trận đấu của đội tuyển U23 khi thắng Qatar. Chắc chắn ngày Việt Nam đá ở World Cup không còn xa, vì khi World Cup 2026 diễn ra tại Mỹ, Mexico và Canada, FIFA sẽ thay đổi cấu trúc của giải, nơi châu Á sẽ có đến 9 vị trí. Việt Nam hoàn toàn có thể lấy được một vé để đến đó.
* Cuối cùng, anh dự đoán mùa này đội nào sẽ vô địch?
- Tôi không phải là người phân tích bóng đá chuyên nghiệp, nên chỉ hy vọng rằng đội vô địch sẽ là đội chưa bao giờ vô địch. Nếu đó là một nước ở Phi châu, Á châu hoặc Bắc Mỹ thì càng tốt. Nhưng tôi biết khả năng của điều này là rất thấp. Chắc tôi chỉ có thể hy vọng họ sẽ lặp lại chuyện giống năm 2002, khi Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào bán kết.
* Cảm ơn anh.
Một nghệ sĩ có nhiều đóng góp Tại Việt Nam, Aaron Toronto là đạo diễn của các vở kịch Canh máu, Lend Me A Tenor, Dangerous Liaisons, Kingdom Of Earth… Là diễn viên trong các phim Em chưa 18, Cô Ba Sài Gòn, Chuyện tình đảo ngọc… Là nhà biên kịch các phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Ngày nảy ngày nay… |
Như Hà (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất