Nghệ sĩ Ái Như - khi 'chuồn chuồn' đổi đường bay

21/04/2022 19:05 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nghệ sĩ Ái Như, một trong hai người cầm trịch sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (có biểu tượng chuồn chuồn) chia sẻ một sự thay đổi quan trọng nhất của sân khấu kịch này: Ngưng sáng đèn hàng tuần!

Nghệ sĩ Ái Như: Nỗi nhớ sân khấu quá nhỏ bé so với tổn thương dịch bệnh

Nghệ sĩ Ái Như: Nỗi nhớ sân khấu quá nhỏ bé so với tổn thương dịch bệnh

Dịch Covid-19 bùng phát, các sân khấu đóng cửa, nghệ sĩ thất nghiệp, không còn thu nhập và buồn da diết vì nhớ khán giả. Nghệ sĩ Ái Như cũng thế.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh (thành lập năm 2010) không còn diễn cố định hàng tuần nữa! Tùy vào tình hình thực tế, nó sẽ sáng đèn với kịch mục chọn lọc lại và chỉ diễn trong một khung thời gian nhất định, một số suất nhất định.

Tạm dừng cuộc chơi?

Nghệ sĩ Ái Như cho biết, trước mắt, sân khấu có biểu tượng chuồn chuồn này đã chọn lọc 10 vở kịch được yêu thích nhất để diễn liên tục trong 2 tháng 5 và 6, như một cách chào tạm biệt khán giả thông qua từng vở kịch. Sau đó Hoàng Thái Thanh sẽ tạm ngưng diễn 1 tháng để nghỉ ngơi và sắp xếp lại. Rồi Hoàng Thái Thanh sẽ tái ngộ khán giả vào một thời gian chưa định trước, bằng những suất diễn không thường xuyên. Tùy vào nhu cầu thực tế, sân khấu sẽ có lịch diễn cụ thể cho từng vở được chọn diễn cho đợt tái ngộ này.

Chú thích ảnh
Ái  Như trong vở diễn “Lạc dòng” của Hoàng Thái Thanh

Cũng có thể hiểu nôm na là sau này, các vở kịch nơi đây sẽ như phim chiếu rạp, ra rạp có thời gian hạn định vậy. Nghĩa là sân khấu kịch này sẽ không xếp lịch diễn đều đặn hàng tuần như từ lúc thành lập đến nay nữa. Nghĩa là, trong hai tháng 3 và 4 vừa qua, có những vở diễn khán giả thì không biết, nhưng nghệ sĩ tham gia vở diễn hoặc ông bầu bà bầu như Thành Hội, Ái Như thì biết. Rằng, đó là những vở đã diễn xuất cuối cùng, âm thầm chào tạm biệt khán giả sau nhiều năm trình diễn như Sài Gòn có một ngã tư, Giấc mộng vàng son, Bao giờ sông cạn…

Như thế, Hoàng Thái Thanh đang thu hẹp hoạt động lại hết mức, để có thể tồn tại. Đánh dấu 12 năm tồn tại, Hoàng Thái Thanh là sân khấu đầu tiên trong làng kịch nói Sài Gòn áp dụng hình thức này. Chưa rõ kết quả sẽ thế nào vì còn phải đợi thời gian trả lời, nhưng âu đây cũng là một gợi ý cho các sân khấu kịch Sài Gòn đang chật vật duy trì đèn sáng.

Nghệ sĩ Ái Như chia sẻ, chị và các cộng sự mất nhiều tháng ròng trăn trở tìm một hướng đi, một lối thoát cho sân khấu kịch. Hiện tại, đây là cách mà chị cảm thấy tạm ổn nhất khi quyết định sự thay đổi này. Hiểu một cách tích cực nhất, Hoàng Thái Thanh đang chọn một giải pháp mới nhất để tồn tại, giữa những thực tế đã cũ nhưng dai dẳng của sân khấu kịch nói chung.

Đó là, khán giả của sân khấu kịch ngày một ít dần đi, sau các đợt giãn cách lại càng mỏng. Có những xuất diễn chỉ bán được vài mươi vé, Hoàng Thái Thanh đành phải xin lỗi khán giả mà trả vé. Những suất diễn vé bán vừa đủ để hòa vốn chi phí sản xuất cũng rất trầy trật!

Đó là thù lao diễn viên và giá vé xem kịch quá sức khiêm tốn, là thiếu kịch bản hay và thiếu luôn nguồn tài chính tốt để có thể đầu tư tìm kiếm kịch bản hay.

Chú thích ảnh
Ái Như trong dịp kỷ niệm 12 năm thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh

Bay trên cánh mỏng

Ái Như tâm sự: Phải thay đổi để tồn tại, nhưng đây là một quyết định khiến chị buồn vui lẫn lộn. Thì dẫu gì, chị cũng đã kiên trì làm cái việc là nấu tô bún bò Huế trên sân khấu kịch Sài Gòn mười mấy năm qua đến mức thành thương hiệu khó lẫn cho sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh.

“Gu kịch định hình của sân khấu Hoàng Thái Thanh thì ai cũng biết rõ từ 12 năm nay rồi, từ sự quyết định của chính khán giả” - Ái Như kể - “Với khán giả của Hoàng Thái Thanh, mình thấy gần như họ không muốn thay đổi phong cách kịch mà sân khấu này đã có bao lâu nay. Họ đã quen gu kịch như thế rồi. Nhiều khi muốn thay đổi, gia giảm chỗ này chỗ kia một chút, thì khán giả lại cảm thấy nhẹ quá, hỏi rằng có vở nào mãnh liệt hơn nữa không.”

Chị nhận ra điều này khi thực hiện những vở tưởng như nhẹ nhàng, nhưng vẫn phải có chút nước mắt, phải có những khổ đau thì khán giả mới chịu. Không có không được. Khán giả quen và thích được như thế khi đến với Hoàng Thái Thanh. “Món ăn tinh thần của mình phải là bún bò Huế thôi. Nó phải có đủ cay, nồng, đậm đà mới ra vị, mới đủ đô được” - chị cười, hài hước ví von.

Cũng vì “tô bún bò Huế” mà chị, và nghệ sĩ Thành Hội, hai người đầu tàu của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh phải gồng gánh suốt cuộc chơi nghệ thuật dài mười mấy năm qua. “Có năm, hình như là năm thứ 8, nhân viên mừng lắm khi mình công bố rằng năm nay là năm đầu tiên chỉ lỗ mấy triệu đồng thôi, coi như không lỗ” - Ái Như nói tiếp - “Lâu nay, thu được bao nhiêu là bỏ vào đầu tư tiếp. Nghĩa là 12 năm nay chưa lấy lại đồng vốn nào, cũng không tính khấu hao. 12 năm nay, bỏ tiền vô rồi thì quên nó đi, cứ đợi cuối tháng, cuối năm xem lỗ bao nhiêu để còn tính mà… rót vốn thêm. Chứ cứ từng đêm diễn mà tính thì mệt đầu lắm. Còn 2 năm qua ư, không tính luôn, vì ai cũng biết sân khấu kịch Sài Gòn sáng đèn có được mấy ngày đâu!”

Giờ thì, khi cuộc sống liên tục thay đổi, đôi cánh chuồn chuồn của Hoàng Thái Thanh đành phải chọn cho mình một đường bay mới.

Giờ thì hai người cầm trịch cũng đã mỏi mệt với đôi cánh mỏng của chuồn chuồn. Nhưng, trong tình yêu thật lớn dành cho kịch nói, họ chấp nhận đổi hướng bay, miễn là được bay trên bầu trời nghệ thuật, dù trong mong manh cánh mỏng.

Các vở diễn đặc trưng thương hiệu Hoàng Thái Thanh diễn lại trong đợt này: Nửa đời ngơ ngác (2 suất), 29 anh về (2 suất), Hãy khóc đi em (2 suất), Bông hồng cài áo (2 suất), Bàn tay của trời (2 suất), Con ma nhà họ Hứa (2 suất), Bạch Hải Đường ( 2 suất), Tình yêu trời đánh (2 suất), Sông dài (2 suất), Nửa đời hương phấn (2 suất).

Lê Minh Hạ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm