09/03/2022 19:40 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Mới đây, trong cuộc thi chung kết Bông lúa vàng, NSND Thanh Tuấn đã nói một câu khiến mọi người phải suy nghĩ. Và từ đó, băn khoăn về cải lương, không khéo sẽ rơi vào tình trạng cũ mòn, không phát triển.
1. NSND Thanh Tuấn trước khi cho điểm và nhận xét kết quả của một thí sinh, ông đã ưu tư: “Tôi thấy chúng ta cứ chọn những kịch bản cũ, trích đoạn cũ, làm sao thí sinh bứt phá được, và ban giám khảo cũng không biết đường chấm luôn”.
Ý ông muốn nói rằng, những tác phẩm cũ thì cái bóng của thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước đã quá lớn, họ đã diễn quá hay, có khi là vai diễn để đời, thế thì làm sao thế hệ trẻ đuổi theo cho kịp. Diễn viên trẻ ít khi nào dám diễn khác đi những “đường dây” mà người đi trước đã khai thác, cho nên nói người trẻ không bứt phá là vậy. Thậm chí, có khi còn biết nàng Kiều Nguyệt Nga sẽ đưa tay thế nào, ngã người thế nào, ngất xỉu thế nào, vì Bạch Tuyết đã từng diễn vậy, và người đi sau cũng làm y vậy. Những trình thức, những động tác đã trở thành kinh điển, thì ít ai dám làm khác. Cho nên, đến lượt ban giám khảo cũng không biết chấm thế nào vì trích đoạn nào, thí sinh nào cũng ca diễn na ná nhau.
Thật ra, không phải chỉ Bông lúa vàng, mà hầu như rất nhiều giải về cải lương hiện nay đều rơi vào tình trạng đó. Nào giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ, Tài năng trẻ, chưa kể các game show truyền hình, đều thấy lặp đi lặp lại những trích đoạn quen thuộc. Có những trích đoạn mà khán giả chắc phải xem đến cả trăm lần, vì mỗi giải đều có vòng sơ kết, bán kết, chung kết, quanh đi quẩn lại tất nhiên là tần suất xuất hiện dày đặc. Lý do, những trích đoạn đó đã thuộc hàng kinh điển, có nhiều đất cho thí sinh thi thố tài năng, đủ cả bi, hùng, hài, độc, lẳng, tha hồ thí sinh chọn lựa và biểu diễn. Tất nhiên, những trích đoạn đó cũng nằm trong những vở tuồng kinh điển, được viết bởi những soạn giả tài hoa, thì phải hay, phải đẹp, phải sâu sắc, thâm thúy, cũng coi như bản mẫu cho lớp trẻ luyện nghề.
Tuy nhiên, cái gì nhiều quá thì cũng bớt hứng thú, xem đi xem lại với tần suất dày đặc thì khán giả cũng ngán. Nhất là khi xem với tâm trí còn lưu lại những “cái bóng” của Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Tuấn, Thanh Sang, Hoài Thanh, Diệu Hiền, Minh Vương, Lệ Thủy… thì rất thiệt thòi cho lớp trẻ. Và cũng từ đây mà thấy cải lương loanh quanh với cái cũ, không phát triển được, rất ít cái mới, coi như dậm chân, dừng lại, không đồng hành với cuộc sống.
2. Đặt ra vấn đề, tại sao ban tổ chức các giải không đặt hàng tác giả viết trích đoạn mới cho thí sinh ca diễn?
Soạn giả Hoàng Song Việt nói: “Trong một kịch bản chỉ 15 - 20 phút mà phải chở đủ câu chuyện cho khán giả hiểu, rồi đủ tâm lý nhân vật cho diễn viên đào sâu, đủ bài bản cho diễn viên phô trương giọng hát, cũng hơi khó. Các vở cải lương xưa hầu như khán giả đã biết cốt truyện, nên trích đoạn vừa diễn là người ta đã nắm được, chỉ còn tập trung vào thể hiện của thí sinh giỏi hay dở mà thôi. Và các trích đoạn xưa cũng rất hoàn chỉnh, dễ dàng cho thí sinh thể hiện”. NSUT Lê Tứ, một huấn luyện viên quen thuộc của nhiều mùa giải Chuông vàng vọng cổ cũng nói: “Diễn trích đoạn cũ, các thí sinh yên tâm hơn. Vì thực ra các bạn cũng chưa quen với sân khấu, đa số từ quần chúng đi thi, giỏi ca chứ có biết diễn đâu, giờ bắt diễn thì họ sẽ chọn những gì quen thuộc nhất, đã từng xem, từng nằm lòng. Chứ giao cho họ trích đoạn mới, họ rất lo lắng, ảnh hưởng tâm lý khi vào thi”.
Nói như thế không có nghĩa chúng ta cứ chấp nhận mãi tình trạng cũ mòn trong các cuộc thi. Vài năm gần đây, Đài Truyền hình TP.HCM đã xuất hiện một số trích đoạn mới cho Chuông vàng vọng cổ, chẳng hạn Đêm Mê Linh, Lối cũ Phong Châu, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, Có một miền quê… (soạn giả Hoàng Song Việt), Tình cha, Cho thắm hoa đời... (tác giả Tô Thiên Kiều), An Thu công chúa (soạn giả Hữu Lộc). Giải Trần Hữu Trang cũng có trích đoạn mới, như Nước mắt thần phi (Hoàng Song Việt), Nữ tướng Bùi Thị Xuân (Tô Thiên Kiều). Giải Bông lúa vàng có trích đoạn Tiều phu bỏ mẹ (Tô Thiên Kiều) v.v...
Dẫu chỉ chiếm một tỷ lệ nào đó trong toàn chương trình, nhưng cũng tạo được sự mới mẻ, phấn khích. Soạn giả Hoàng Song Việt nói: “Thật ra, đa số là do các em thí sinh tự đặt hàng. Tôi mong ban tổ chức các giải có một chủ trương hẳn hoi để ưu tiên cho cái mới, đặt hàng tác phẩm mới, như vậy các mùa giải sẽ tìm ra tài năng trẻ một cách tốt hơn”.
Quả thật, hiện nay chúng ta không thiếu tiền cũng như không thiếu những cây bút cải lương, vấn đề là cần khai thác một cách đúng đắn, mạnh mẽ. Tài nguyên thì có mà vẫn nằm im dưới lòng đất, trong khi cải lương ngày càng cũ. Sân khấu biểu diễn chính quy ngày càng thu hẹp, chỉ còn lại các cuộc thi đan xen nhau khá nhiều, tạo được không khí sôi nổi nhất. Vậy tại sao chúng ta không khai thác chính ngay các cuộc thi để cải lương có những bước mới mẻ?
Hãy đưa cái mới vào những không gian này, cũng là tạo cơ hội cho lớp trẻ tìm ra chính mình, không bị cái bóng của người xưa che khuất mãi.
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất