08/12/2016 07:08 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đang diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội (và sẽ kết thúc vào 11/12), triển lãm của Laurent Barnavon là kết quả từ hành trình 15 năm tìm hiểu về kỹ thuật gấp giấy thủ công. Trong đó, anh kể rằng nghệ thuật của mình được học hỏi chính từ kỹ thuật gấp giấy của người Việt.
Cuộc triển lãm có tên gọi đầy đủ Nội quan 1996/2006 – Chỉ là một cảm tưởng và là sự phối hợp giữa điêu khắc, nhiếp ảnh và gấp giấy – những loại hình mà Laurent vốn đam mê. Anh trò chuyện cùng Thể thao & Văn hóa (TXVN)
*15 năm để tìm ra một kỹ thuật gấp giấy của riêng mình, khoảng thời gian ấy có là quá lâu?
- Không lâu lắm, nếucoi đó là một cuộc hành trình để thỏa mãn mong muốn của tôi: quy tụ tất cả các loại hình nghệ thuật mà mình đam mê là điêu khắc, nhiếp ảnh và gấp giấy trong cùng một tác phẩm.
Thực ra, nếu chỉ thực hiện những tác phẩm đơn lẻ, hoặc gấp giấy thông thường thì có lẽ tôi không phải tốn kém nhiều thời gian đến thế. Nhưng, tôi đã mất rất nhiều công sức cho các kĩ thuật, chẳng hạn cách thu nhỏ một bức ảnh xuống kích thước chỉ còn 1/4 mà không làm thay đổi nội dung sau 30 tiếng gấp giấy của mình.
Laurent (giữa) cùng Tham tán văn hóa ĐSQ Pháp và giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp
* Khi nhắc đến nghệ thuật gấp giấy, công chúng Việt Nam ít nhiều biết đến Origami (Nhật Bản). Còn với sự sáng tạo của anh, có sự kết nối nào với những nền nghệ thuật gấp giấy trên thế giới?
- Trường hợp của tôi thì khá đặc biệt: tôi đã kết hợp Origami của Nhật với nghệ thuật gấp giấy của Việt Nam.
Sự khác biệt nằm ở chỗ Origami chỉ gấp giấy trên một tờ giấy còn nghệ thuật gấp giấy của Việt Nam là thực hiện được trên hai tờ giấy khác nhau. Và tôi đã kết hợp cả hai cách thức này cùng với một kỹ thuật rất nổi tiếng là nghệ thuật xếp ly trong ngành thời trang cao cấp để làm nên những tác phẩm của riêng mình.
* Anh có thể nói thêm về quá trình học nghệ thuật gấp giấy Việt Nam của mình?
-Tôi đã học nghệ thuật gấp giấy của Việt Nam từ hàng xóm của mình - một gia đình người Việt. Họ di cư sang Pháp từ những năm 1972 và đem theo nghệ thuật gấp giấy Việt Nam. Đó là cách gấp giấy của những vùng phía Nam, như họ kể.
Tôi được biết, nghệ thuật gấp giấy được người Việt tạo ra với chủ đích để làm trò chơi cho trẻ con.Và sau khi “học mà chơi, chơi mà học” trong những năm tháng tuổi thơ đó, tôi lại muốn gắn bó với môn nghệ thuật này như một cách khẳng định khả năng của bản thân.
Cũng xin chia sẻ luôn, tôi thực hiện cuộc triển lãm đầu tiên này tại Việt Nam cũng là vì muốn tìm về ký ức, như một lời cảm ơn những người hàng xóm Việt Nam của mình. Họ là những người đã chỉ bảo và định hướng cho tôi đến với môn nghệ thuật mà tôi yêu thích từ tấm bé.
Một tác phẩm của Laurent tại triển lãm
* Ngoài nghệ thuật gấp giấy, anh còn chịu ảnh hưởng nào từ những người hàng xóm gốc Việt ấy không?
- Khá nhiều. Những ký ức tuổi thơ thì luôn sâu đậm trong mỗi người. Mà tôi thì luôn coi họ như một gia đình thứ 2 trong thời thơ ấu của mình.
Tôi đã chịu ảnh hưởng văn hóa phương Đông ngay từ những bữa ăn trong gia đình họ.Ẩm thực của Việt Nam đã làm cho vị giác của một đứa trẻ như tôi thấy rất hào hứng, khiến tôi không thể quên được mùi vị đó cho đến tận lúc này.
Hoặc, dù rất đông con, sống trong không gian chật hẹp, cả gia đình họ với 15 thành vẫn có một nơi tôn nghiêm, thành kính dành cho những người đã khuất. Vì thế, những ngày lễ giỗ chạp luôn được họ chuẩn bị chu đáo. Trong gia đình, những đứa trẻ nhất nhỏ nhất luôn được chiều chuộng nhất.
Cảm giác đó cho tôi những ấn tượng không thể quên. Và, khiến tôi trở thành người tin vào tâm linh, vào những thứ vô hình trong cuộc sống sau này.
* Với những cảm nhận thời nhỏ như vậy, anh đã có trải nghiệm thực tế gì khi tới Hà Nội lần này?
- Tôi mới đến Hà Nội lần đầu vào tháng 3 và tập trung khá nhiều thời gian cho cuộc triển lãm nên chưa có nhiều thời gian đi khám phá.
Nhưng tôi đủ nhạy cảm để nhận thấy Hà Nội là nơi tạo cảm hứng cực kì nhiều cho mình. Đây là nơi có nhiều chất liệu sống, từ trong cảnh vật thiên nhiên cho đến con người, sự khác biệt của nhiều thế hệ.
Tôi biết mình chưa thể khai thác và nói hết về những cảm xúc mà Hà Nội mang đến cho tôi trong thời điểm này. Nó quá nhiều (cười).
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Vài nét về Laurent Barnavon Laurent Barnavon (sinh năm 1975) là nghệ sĩ thị giác, nhà điêu khắc, nghệ sĩ gấp giấy người Pháp. Anh theo đuổi sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật ởnhiều lĩnh vực khác nhau như điêu khắc, thiết kế, thời tran. Những tác phẩm của anh đoạt nhiều giải thưởng danh giá như: Ferro Insigth Alfred Bullerman (Đức), Minimum Price Cittadellarte của Quỹ Pistoletto (Ý)… |
Lưu Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất