Nghệ sĩ đọc thơ trong giá rét...

15/02/2014 07:45 GMT+7 | Đọc - Xem


(lienminhbng.org) - Diễn ra vào đúng đợt rét đậm ảnh hưởng đến miền Bắc và cả nước, lại sau một năm kinh tế khó khăn, Ngày thơ Việt Nam tại Hà Nội hôm 14/2 trầm lắng, ít trang hoàng hơn hẳn mọi năm.

“Năm nay đã là năm thứ 12 mà Ngày thơ vẫn thu hút công chúng như thế này, theo tôi là điều đáng mừng” - nhà thơ Vũ Quần Phương nói với Thể thao & Văn hóa.

Đi Ngày thơ là đi hội, nhưng hội không được xôm

Ngày thơ ở Văn Miếu năm nào cũng đông, lên đến hàng nghìn người dù thường không trùng ngày cuối tuần, nhưng không hẳn do sức hút của thơ, mà do mọi người đang có tâm trạng đi chơi sau Tết. Ngày thơ ở Hà Nội dần trở thành một ngày “đi hội” (từ của nhà thơ Vũ Quần Phương). Địa điểm Văn Miếu lại vốn là di tích thu hút khách du lịch cả ta lẫn Tây.

Mọi năm, dọc lối vào từ cổng Văn Miếu được ban tổ chức treo ảnh các nhà thơ và các câu thơ như chào đón người đi hội thì năm nay hoàn toàn không có. Theo đại diện Ban tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam, điều đó phù hợp với không gian tôn nghiêm của Văn Miếu - nơi “vốn đầy chất thơ nên không cần trang hoàng lộng lẫy”.

Các quán thơ xung quanh Sân thơ trẻ, nơi vốn xôm tụ trong Ngày thơ, năm nay chỉ có quán của các câu lạc bộ thơ địa phương và các trường đại học (Đại học Bách khoa và Đại học Đại Nam)  trình bày…

Mọi năm, từng có quán thơ của từng nhà thơ trẻ, hình ảnh và thơ của họ được in lớn trên phông nền. Nhà thơ trẻ cũng trực tiếp có mặt để giao lưu. Năm nay vắng hẳn, không có gương mặt nào được giới thiệu đậm.

Hãy trả thơ lại cho thơ

Trở về từ Pháp và được mời dự Ngày thơ, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến lên hát bài Tháng Hai và đọc 2 bài thơ: Bầy chào mào đến đón, Tuổi tôi. Trước khi trình diễn, anh giao lưu: “Tôi 40 tuổi rồi vẫn được xếp vào Sân thơ trẻ và được gọi là “nhà thơ trẻ Nguyễn Vĩnh Tiến” nên cảm thấy rất vui”.

Nguyễn Vĩnh Tiến là gương mặt quen thuộc tại Ngày thơ các năm. Anh thường lên sân khấu vì là “người nổi tiếng” trong làng thơ nhạc, tác phẩm lại phổ biến.

Dù Ngày thơ có trầm lắng hơn, các màn trình diễn thơ ở Sân thơ trẻ bao giờ cũng được đón đợi, vì thường xuất hiện nhân tố mới. Năm nay không mới lắm, nhưng 4 tổ khúc thơ của 4 nhóm nhà thơ được kết hợp với âm nhạc, múa, nhạc cụ dân tộc… vẫn khá hút mắt, hút tai.

Mặc dù vậy, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, trong Ngày thơ vẫn còn khá nhiều tiết mục hát, múa ở cả Sân thơ truyền thống lẫn Sân thơ trẻ khiến chương trình hơi loãng. “Hãy trả thơ lại cho thơ. Thực ra, nếu các nhà thơ chỉ đọc thơ trên nền nhạc, những bài thơ thực sự hay và ý nghĩa, thì cũng đủ lôi cuốn rồi” - ông nói với Thể thao & Văn hóa.

Không chỉ gói gọn trong các thành phố lớn, Ngày thơ Việt Nam đang dần mở rộng ra nhiều tỉnh. Năm nay, các nhà thơ TP.HCM chia nhau đi các tỉnh đọc thơ, có người lên núi Nhạn, Phú Yên, để tham dự Ngày thơ cũng vào ngày Rằm tháng Giêng (14/2).

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, đó là một xu hướng nên cổ vũ. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng, những năm sau, các nhà thơ nổi tiếng nên đi về các địa phương, kể cả vùng nông thôn, để đọc thơ cho người dân nghe. Như vậy Ngày thơ mới thực sự là sự kiện của cả nước. Còn ở các thành phố lớn, cứ giữ cách tổ chức như hiện nay là được rồi”.

Trình diễn thơ không còn những màn lạ mắt

Cách đây vài năm, các tiết mục trình diễn thơ tại Ngày thơ từng vài lần gây ra xôn xao dư luận vì sự kết hợp của thơ với nghệ thuật đương đại.

Năm 2008, “nhà thơ trẻ” gần 80 tuổi Dương Tường khuấy động cuộc tranh cãi ồn ào với màn trình diễn quấn giấy vệ sinh lên khắp người và đọc thơ. Nhà thơ “tay chơi” Lê Anh Hoài từng sơn trắng chiếc xe máy và treo ngược lên để trưng bày như một tác phẩm sắp đặt tại Ngày thơ 2010. Năm 2011, nhà thơ Vi Thùy Linh đưa nghệ sĩ đương đại Đào Anh Khánh lên sân khấu cùng biểu diễn.

Không thể phủ nhận một điều, dù được khen hay bị chê, những tiết mục này góp phần làm Ngày thơ thêm vui. Nhờ những phá cách, táo bạo vượt ra ngoài khuôn khổ, chất trẻ và chất nghệ thuật của thơ mới thực sự được thể hiện.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm