16/07/2021 12:52 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Họa sĩ Lê Thánh Thư đột ngột qua đời ở tuổi 65 do bị phơi nhiễm Covid-19 lúc 2h ngày 16/7/2021. Gia đình cho biết mới xét nghiệm ra dương tính Covid-19 chiều 15/7, hơn 10 tiếng sau thì qua đời.
Lê Thánh Thư sinh 1956 tại Quy Nhơn, là con trai trưởng trong gia đình thuần nông, có 5 anh chị em. Năm 12 tuổi, anh được gửi vào trường dòng (Séminary) tại Quy Nhơn; sau đó anh vào sống tại TP.HCM cho đến nay.
Anh đến với việc vẽ bằng con đường tự học từ năm 1982, kiên trì và khiêm cung trong việc đổi mới chính mình. Anh vốn là nhà thơ, đã có nhiều thơ in trên các tạp chí trong nước và nước ngoài. Anh đã xuất bản thi tập cá nhân Viết trong bóng tối. Amen vào năm 2011.
Triển lãm cá nhân đầu tiên được thực hiện năm 1989 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Từ đó đến nay Lê Thánh Thư có hơn 10 triển lãm cá nhân và hơn 30 triển lãm nhóm tại Việt Nam, quốc tế. Anh được nhiều giải thưởng mỹ thuật; tác phẩm thuộc sưu tập tư nhân ở khoảng 20 nước và góp mặt trong một vài bảo tàng quốc gia như Việt Nam, Singapore…
“Trước hết, tôi là một nhà thơ. Cái nhìn hội họa của tôi hoàn toàn khác biệt so với cái nhìn của họa sĩ. Đó là cái nhìn của thi sĩ làm hội họa. Tôi quan tâm nhiều đến cấu trúc được tạo thành bởi sự lặp lại các yếu tố đơn giản và tạo dựng nên các nhịp điệu trong bố cục. Tranh của tôi nhiều tính chất tượng trưng, thường dùng màu đơn sắc, độ dày mỏng khác nhau trong nhiều tranh sơn dầu” - sinh thời, Lê Thánh Thư từng chia sẻ.
Chủ đề xuyên suốt của Lê Thánh Thư là không gian sống đô thị, sự chuyển đổi môi trường sống, khoảng giữa của còn và mất. Họa sĩ Hồ Thanh nhận định: “Khi cuộc sống đang ở trên ranh giới giữa sống và chết, thì mọi thứ trở nên nhập nhằng, khó xác định không gian, thời gian, kể cả hình thể, màu sắc, bố cục. Lê Thánh Thư vẽ tranh trừu tượng.
Nhưng trong không gian sống ấy, người ta khó xác định được tranh của anh hữu hình hay trừu tượng. Trong sáng tác điều này không quan trọng, nhưng để hiểu tranh của Lê Thánh Thư, phải xét đến khía cạnh ngôn ngữ trong tranh của anh. Ngoài những bức tranh vẽ sen, có hình thể rõ ràng, những bức được đặt tên Living space (Không gian sống), nhìn tổng thể có thể xem là tranh trừu tượng, nhưng soi kỹ vào từng họa tiết, ta thấy vô số hình người, vô số đồ vật. Những đàn ông, đàn bà, đứng, ngồi, gồng gánh, mua bán, những áo quần, xe ba gác, nhà thờ, thùng bộng, bàn ghế, những con số, những hàng chữ, những bia, cà phê, cơm phở, khoan cắt bê-tông… Tất cả đều được lấy từ cuộc sống đời thực”.
Nhà phê bình Helène H, người Hà Lan, phân tích: “Những tác phẩm của Lê Thánh Thư phản ánh sự thay đổi nhanh chóng của văn hóa Việt Nam, sự toàn cầu hóa và những thách thức trước cuộc sống ngày càng phức tạp. Anh vẽ về sự thay đổi của Việt Nam trong giai đoạn đầu của chính sách mở cửa, vẽ về các không gian sống của con người trong quá trình phát triển của đô thị”.
“Ngôn ngữ chữ viết nhiều khi lại không chuyển tải hết những biểu cảm cần diễn đạt. Hội họa đã cho tôi niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Thời điểm khởi đầu hội họa của tôi, ở một căn gác thuê 2 mét vuông. Nơi đó tôi sống như một tù nhân với màu sắc, không tiền bạc, không nghề nghiệp, chỉ có vẽ và vẽ trong đơn độc. Đấy là thời kỳ tôi sống tận đáy của cuộc đời” - Lê Thánh Thư chia sẻ.
Nhà sưu tập Yukio Ogushi (1943-2021) cho biết khi lần đầu nhìn thấy tranh của Lê Thánh Thư thì chính lúc ấy việc chơi tranh mới mở ra. Từ đó ông quyết định gần gũi, tìm hiểu và chơi thân với Lê Thánh Thư trong gần 30 năm. Có thể nói, chính việc sưu tập, tin yêu và khích lệ của vài người như Yukio Ogushi (1943-2021) mà Lê Thánh Thư đã vững tin hơn trong việc vẽ, rồi sống được với nghề.
Lê Thánh Thư thường sử dụng đen, trắng, đỏ là ba màu chủ đạo trong tranh. Rất lâu anh mới sử dụng một mảng màu lớn, còn lại thường dùng màu dưới dạng đơn sắc (monochrome) và cũng thích dùng kỹ thuật điểm họa (pointillisme/ pointillism).
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất