Mạc Can: 'Nhà văn trẻ' & ông hề già

29/06/2013 14:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Sáng 27/6, “nhà văn trẻ” Mạc Can lại chạy show, biểu diễn ảo thuật trong một sự kiện được tổ chức tại 116-118 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM. Đây là công việc kiếm sống thường xuyên của “nhà văn trẻ” này!

Các tiết mục của Mạc Can 10h mới đến lượt diễn, ấy vậy mà lúc hơn 8h, khi người viết bài này đang cà phê cóc ở ven đường Nguyễn Thị Minh Khai thì thấy Mạc Can chạy chiếc Cub chở theo sau một cái thùng to tướng. Tôi giữ ông lại mời ly cà phê sáng nhưng ông vẫn trung thành với thức uống rẻ tiền quen thuộc của mình hàng chục năm nay: trà đá.

Nghiêng

“Nhà văn trẻ” nhưng lại là “ông hề già” Mạc Can với chiếc xe và thùng đồ nghề to tướng. Bằng phương tiện này và các đạo cụ ảo thuật lỉnh kỉnh tự chế trong chiếc thùng, Mạc Can vẫn chạy show khắp nơi để “bán nụ cười” kiếm sống ở tuổi 70

Chạy show ở tuổi 70

Trong giới trình diễn hiện nay ở ta, Mạc Can có phải là “ngôi sao” hay không? Xin thưa, nếu đem tên tuổi Mạc Can so với nhiều người cùng nghề, Mạc Can nổi tiếng không thua bất kỳ ngôi sao trẻ đẹp nào của làng trình diễn xứ ta. Cả đời Mạc Can vừa đóng phim, vừa diễn hài, diễn ảo thuật và khi ngoài 60 tuổi bỗng nổi lên như một “nhà văn trẻ” với tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Nhà văn Nguyễn Đông Thức gọi Mạc Can là “nhà văn từ trên trời rơi xuống” cũng vì “ông hề già” này đến với nghề viết quá muộn và thu hút người đọc một cách quá bất ngờ.

Theo lẽ thông thường, nếu là ngôi sao thì đi đâu, làm gì đều có người đưa kẻ đón, tiền bạc rủng rẻng, ăn mặc tinh tươm sang trọng. Ấy vậy nhưng, như nhiều nghệ sĩ khác xuất hiện cùng lứa hoặc cùng thời với mình, Mạc Can vẫn chỉ là nghệ sĩ cô độc lang thang trên hành trình dài dằng dặc của cuộc đời. Ngồi nói chuyện, mới biết còn vài tháng nữa Mạc Can tròn 70 tuổi. 70 tuổi thì sao nhỉ? Có phải cái tuổi “thất thập cổ lai hy” như người xưa đã nói hay với những nghệ sĩ như Mạc Can thì không có tuổi? Bởi khi ông giao tiếp với mọi người không hề phân định tuổi đời, không đem tháng năm hằn sâu dấu vết trên thể xác ra đong đếm. Gặp bất kỳ ai ông đều xem như là bạn.

Chỉ biết rằng “ngôi sao” Mạc Can rất dễ gần dễ mến, trong lúc nói chuyện ông thường pha trò bằng lời nói hoặc bằng nét mặt cho người ngồi cùng bàn được vui. Mạc Can dễ gần và dễ nhận diện đến độ, ông chủ quán cà phê cóc quanh năm phơi mặt ngoài đường cũng hào hứng đến xin chụp cùng Mạc Can vài tấm hình bằng chiếc điện thoại.

Nhìn bề ngoài Mạc Can khắc khổ là thế, song ông lại rất “nhiều chuyện” bởi có một thời gian dài, ông kiếm sống bằng các mẩu tin hậu trường sân khấu gửi cho các báo. Sáng qua, các hoa hậu, người mẫu phải ra tòa tại TP.HCM vì bán dâm. Nói lời cuối cùng cô nào cũng mếu và khóc. Cả tuần nay trên các trang báo giấy và mạng, chuyện cô gái “thả rông vòng một” được nhắc đến với mật độ ken đặc. Toàn là chuyện nổi đình nổi đám của những người nổi tiếng vô tình (bị bắt ra tòa vì… bán dâm) hoặc cố ý (“thả rông vòng một” để bán… game online). Trong làng showbiz vốn “lắm điều nhiều chuyện” như thế Mạc Can biết hết nhưng ông chỉ cười chứ không bình luận gì. Mạc Can thui thủi cả đời đi bán tiếng cười kiếm tiền độ thân chứ ít khi làm phiền đến ai.

Trong câu chuyện, Mạc Can cho biết sáng hôm qua ông đến NXB Trẻ nhận nhuận bút tạm ứng cho tập truyện ngắn mới hoàn thành của ông. Mạc Can đã nộp bản thảo tập truyện này cho NXB Trẻ biên tập và chờ ngày ra mắt bạn đọc.

Phận người hiu hắt

Ở tuổi 70, Mạc Can vẫn kiếm sống bằng những show diễn ảo thuật pha các trò hài, chỉ cần có nơi mời là Mạc Can diễn. Hỏi ông một show diễn như thế có nhiều tiền không? Ông trả lời vừa chân thành vừa hài hước xen lẫn ngậm ngùi: “Tui không bao giờ đòi hỏi, người ta đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nhưng thường thì, người ta không bao giờ đưa… tiền nhiều”.

Những ai từng đọc Tấm ván phóng dao hoặc những truyện ngắn, truyện dài khác của Mạc Can, có thể nhận ra rằng “ông hề già” đã viết bằng những trải nghiệm ám ảnh phận người. Nghề lưu diễn rày đây mai đó trong một gánh hát không thể có tương lai về bạc tiền, danh vọng. Mạc Can mãi là “chú hề” của cuộc đời và của chính ông. Rất nhiều chuyện trong các cuộc “trà dư tửu hậu” nói về Mạc Can, ví dụ: Mạc Can trốn nợ nói xạo là qua Mỹ định cư. Mạc Can yêu một cô gái bán vé số và bị cô này lừa tình gạt tiền… Những chuyện như vậy về Mạc Can, trong giới văn nghệ Sài Gòn “truyền khẩu” khá rộng, vì dù gì Mạc Can cũng là người của công chúng nên “bị bàn tán” là khó tránh khỏi. Nhưng người viết bài này tự hỏi, nói về Mạc Can như thế nhưng có mấy ai giúp được gì cho ông?

Đúng là Mạc Can sống trong thiếu thốn cả đời, ông vừa thiếu tiền vừa thiếu tình. Người làm nghề ảo thuật đều biết, để đeo bám và thành danh với nghề này, nhất thiết phải có nhiều tiền. Những trò ảo thuật càng hoành tráng càng tốn nhiều tiền để mua sắm đạo cụ. Nhưng các trò ảo thuật của Mạc Can đều dùng đạo cụ rẻ tiền tự tay ông làm, nên ông chỉ diễn được các trò ảo thuật nho nhỏ mà nhiều người có thể thực hiện. Do vậy, khi diễn ảo thuật, ông bắt buộc phải phát huy thêm khả năng diễn hài để phối hợp với các trò ảo thuật của mình. Mạc Can thiếu tình là hẳn nhiên, đến giờ ông không có một người đàn bà nào nấu cơm đợi ông về khi trời ngả về chiều.

Phận người như thế nên nét mặt ông lúc ra sân khấu cũng như lúc không diễn đều hiu hắt như nhau: buồn nhiều hơn vui! Có lẽ Mạc Can trở thành “nhà văn trẻ” cũng là muốn kể lại câu chuyện của số phận chính mình bằng những con chữ chứ không xem viết văn là một nghề. Khi nhà báo, nhà sưu tập tài liệu Trần Thanh Phương xin bút tích Mạc Can cho bộ sưu tập “Bút tích nhà văn”, Mạc Can viết: “Tôi thật sự không muốn lưu lại chữ viết cũng như không muốn viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Do gì mà tôi lại làm nghề này, nếu như được gọi là một nghề”. Do gì Mạc Can lại viết văn? Chính ông cũng không trả lời được.

TRẦN HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm