Diễn viên Tuấn Dương qua đời: Năm mất mát của làng văn nghệ Việt Nam

02/12/2013 15:35 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, "báu vật nhân văn" Hà Thị Cầu, NSƯT Hồ Kiểng, "trưởng thôn" Văn Hiệp, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, nhà thơ Tạ Hữu Yên, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, diễn viên - biên kịch Thế Sơn, đạo diễn Bạch Diệp, GS- TS NSND Quang Hải, diễn viên hài Tuấn Dương... những nghệ sĩ đóng góp nhiều dấu ấn cho nền văn nghệ nước nhà đã lần lượt ra đi trong năm 2013 để lại sự thương tiếc khôn nguôi của công chúng cả nước.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời ngày 9/1/2013

Cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Nhạc sĩ tài hoa trút hơi thở cuối cùng vào 12h45 phút ngày 9/1 tại nhà riêng ở TP HCM, hưởng thọ 82 tuổi.

Ở tuổi 82, sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc thương trong lòng khán giả cả nước. Vài ngày trước, do tuổi cao sức yếu, nhạc sĩ rơi vào hôn mê sâu. Bác sĩ cũng như gia đình đều nỗ lực cứu chữa mong ông hồi phục.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp - tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn - sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà.

Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (khoảng 1955 đến 1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác.

Những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ truyền xúc động. Bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp là một tác phẩm đặc sắc của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu thành phố bên bờ sông Hồng. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội.

Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên Bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.

Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời 27 /1 /2013

Nhạc sĩ Phạm Duy đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 27/1 ở tuổi 92.

Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời ở tuổi 92

Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921 tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Ông là một nhạc sĩ, ca sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam với lượng sáng tác đồ sộ, nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam.

Sau năm 1975, Phạm Duy sang sinh sống tại Hoa Kỳ. Đến tháng 5/2005 ông chính thức trở về Việt Nam định cư. Nhiều ca khúc của ông cũng dần được cấp phép phổ biến trở lại như Mùa thu chết, Giọt mưa trên lá, Tạ ơn đời, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp theo cùng…

Vĩnh biệt “báu vật nhân văn” Hà Thị Cầu

Nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu sinh năm 1928, qua đời vào 12h35 phút trưa ngày 3 tháng 3 thọ 86 tuổi.

Tên thật của bà là Hà Thị Năm (Cầu là cách gọi theo tên con trai cả ở vùng Yên Mô, Ninh Bình). Năm 1977, sau ngày Việt Nam thống nhất, bà viết bài Theo Đảng trọn đời. Sau đó, bà được tham dự nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc, đoạt được nhiều huy chương vàng và giải thưởng đặc biệt. Năm 1981-1982, bà được Nhạc viện Hà Nội mời tham gia phụ trách chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V.

"Báu vật nhân văn" Hà Thị Cầu

Bà đã nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt "Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình" trong Liên hoan Trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.

Năm 2008, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã nhận được giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng dành cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc

Bước vào tuổi 80, bà kết thúc công việc hát rong của mình. Hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà đã được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông và đã nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực của nhiều người hảo tâm.

Những làn điệu xẩm cùng giọng hát của bà là những di sản quý giá còn lại của nghệ thuật xẩm. Bà đã được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vào ngày 25 tháng 12 năm 2004 và đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

NSƯT Hồ Kiểng từ giã cõi tạm

NSƯT Hồ Kiểng từ trần lúc 16h ngày 3/4 do tuổi cao sức yếu. Sinh năm 1926 tại Bến Tre, Hồ Kiểng đã đóng hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch nói, hơn 300 kịch truyền thanh, 12 vở cải lương. 

NSƯT Hồ Kiểng lúc sinh thời

Theo nghiệp điện ảnh sau khi tập kết ra Bắc năm 1954, Hồ Kiểng suýt chết ít ba lần theo nghĩa đen của từ này trong khi đóng phim.

Lần thứ nhất suýt chết khi Hồ Kiểng vào vai đồn trưởng trong phim Rừng xà nu quay ở Cao Bằng thời chiến tranh chống Mỹ. Ông cưỡi ngựa bị ngựa quăng gãy xương sống nằm điều trị từ bệnh viện Cao Bằng đến Bạch Mai - Hà Nội hơn một năm mới khỏi, tưởng đã thành người tàn phế. Lần thứ hai ông bị rắn cắn khi vào vai bắt rắn độc trong phim Đêm săn tiền quay ở Biên Hòa.

Nọc độc của rắn đã khiến Hồ Kiểng chết lâm sàn 3 ngày trong Bệnh viện Sài Gòn. Gia đình ông lúc đó đã xin bác sĩ mang ông về lo hậu sự. Cũng may, bác sĩ của Bệnh viện Sài Gòn cứu sống ông vào giờ phút thân xác ông đã kề huyệt mộ. Lần thứ ba đóng phim Cảnh sát hình sự, ông bị bạn diễn trong khi diễn “say vai” xô mạnh tay khiến ông già Hồ Kiểng ốm nhách đập đầu tụ máu ở hộp sọ phải mổ.

Cả đời theo nghiệp diễn với ngần ấy vai, nhưng Hồ Kiểng vẫn sống đời tạm bợ trong một ngôi nhà nguyên là nơi chứa máy phát điện ở đường Cao Thắng, Q.3, TP.HCM. Dù sống trong nơi tồi tàn như thế nhưng Hồ Kiểng vẫn luôn yêu đời. Ông yêu đời làm thơ, đóng phim đến độ ít người biết lão nghệ sĩ này có hơn 60 năm tuổi Đảng. Ông từng đi bộ đội tại miền Nam thời kháng Pháp trước khi tập kết ra Bắc năm 1954 và gần 30 tuổi mới học nghề đóng phim.

‘Trưởng thôn’ Văn Hiệp

Nghệ sĩ Văn Hiệp – người được nhiều người yêu mến với những vai diễn trưởng thôn, những vai diễn hài mộc mạc trên sân khấu đã qua đời lúc 5h ngày 9 tháng 4 tại nhà riêng.

Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942 tại Thanh Trì, Hà Nội. Ông là thế hệ đầu tiên học tại trường Sân khấu điện ảnh lớp diễn viên cùng khoá Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu…

Văn Hiệp được đồng nghiệp biết đến với những vai "nghiêm túc" trên sân khấu kịch Nhà hát Kịch Việt Nam như: vai Vinh trong vở Bài ca Điện Biên; vai Ốc trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến...

Thời gian về sau, nghệ sĩ Văn Hiệp chuyển sang lãnh địa truyền hình và thành công với kịch bản Trưởng họ chán cơm, đặc biệt, show truyền hình về Trưởng thôn Văn Hiệp cùng hai danh hài Quang Tèo và Giang Còi đã làm nên một hình tượng nhân vật "trưởng thôn" đặc sắc không hề trộn lẫn.

Cố NSƯT Văn Hiệp

Trên phim ảnh, Văn Hiệp thường “đóng đinh” với những dạng vai nông dân chất phác, hiền lành, thật thà và tốt bụng... Và dù đóng bất kỳ vai nào, cái duyên hài hước trong ông cũng khiến cho vai diễn bừng lên sự sinh động và dí dỏm. Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia tới 1000 tác phẩm kịch, phim truyện. Mặc dù có nhiều đóng góp nhưng đáng tiếc là Văn Hiệp chưa một lần được phong danh hiệu cao quý.

Nhà văn Võ Hồng, người của "Tiểu thuyết thứ 7"

Nhà văn Võ Hồng, người của "Tiểu thuyết thứ 7" đã qua đời trong năm 2013

Nhà văn Võ Hồng xuất hiện trên văn đàn khi mới 18 tuổi với truyện ngắn đầu tay Mùa gặt đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy năm 1939 cùng thời với những tài danh Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài... Thế nhưng sau đó ông lặng lẽ dạy học cho mãi đến sau này mới xuất hiện trở lại.

Võ Hồng sinh ngày 5/5/1921 tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Từ năm 2006, ông bị bệnh nằm một chỗ. Và lúc 14h ngày 31 tháng 3, do tuổi cao sức yếu, ông đã qua đời tại 53 Hồng Bàng, Nha Trang, Khánh Hòa.

Văn chương của ông để lại trong lòng người đọc nhiều thế hệ những dư vị về một thời tưởng đã lãng quên. Đến trước khi mất, Võ Hồng đã in 30 cuốn sách thuộc nhiều thể loại: truyện dài, truyện ngắn, đoản văn, tùy bút, thơ... Tác phẩm Tiếng chuông chiêu mộ in năm 2005 được xem như cuốn sách cuối cùng của Võ Hồng. Năm 2009, Tủ sách Hoa hướng dương của nhà sách CADASA và NXB Văn học đã tái bản cùng lúc 6 tác phẩm: Một bông hồng cho cha, Nhánh rong phiêu dạt, Vẫy tay ngậm ngùi, Hoài cố nhân, Hoa bươm bướm, Thiên đường ở trên cao trong số 30 tác phẩm của ông. Trong số đó, Một bông hồng cho cha đã được tái bản nhiều lần.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú từ trần ngày 20 /5 /2013

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú vừa từ trần ngày 20/5/2013 tại Hà Nội. Bà sinh ngày 25 tháng 12 năm 1940, quê quán ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú nguyên là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Nguyên Ủy viên Ban thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa III, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV, Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn.

Bà tham gia cách mạng từ năm 1958. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú là tác giả những tác phẩm nổi tiếng: Huệ, Đất làng, Buổi sáng, Hạt mùa sau, Chỉ còn anh và em, Hai người và những con sóng, Khoảng trời phía sau nhà cùng nhiều tác phẩm khác.

Bà từng giành giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết Hạt mùa sau và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 2001 cùng nhiều giải thưởng văn học khác.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên - Tác giả 'Anh về cùng mùa hoa'

Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã tạ thế vào sáng 30/5/2013 tại Hà Nội. Ông sinh năm 1927 tại thôn Ðông Hội, xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1977).

Nhà thơ Tạ Hữu Yên từng kinh qua các công việc như: Làm các công tác tuyên truyền, địch vận, cán bộ, dân quân trong quân đội; Thư ký tòa soạn báo Quân khu Hữu Ngạn; Trưởng phòng phát thanh địch vận Cục Nghiên cứu; cán bộ biên tập sách văn học NXB Quân đội Nhân dân. Trước khi nghỉ hưu, ông mang quân hàm Đại tá.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng: Bài thơ chính nghĩa (1951), Tiếng ca xanh (1978), Bức chân dung (1985), Nỗi nhớ ngày thường (1987), Ngọn súng biên phòng (trường ca, 1983), Sấm dậy trưa hè (trường ca, 1984), Thung lũng lửa và hoa (trường ca, 1988),  Bốn cánh hoa đồng (1996) và nhiều tác phẩm khác.

Trong SGK lớp 4 (bộ cũ), nhà thơ Tạ Hữu Yên còn được nhiều thế hệ học sinh nhớ đến bởi những câu thơ đẹp, giàu cảm xúc trong bài thơ "Anh về cùng mùa hoa": “Trang thơ tôi đằm lại/Giữa nhà tù Sơn La/ Tô Hiệu ơi có phải/Anh về cùng mùa hoa?". Bài thơ đã góp phần làm cho hình tượng cây đào Tô Hiệu trong nhà tù Sơn La trở thành bất tử.

Tính đến nay, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã có gần 200 bài thơ phổ nhạc, một kỷ lục trong văn giới đối với mối lương duyên giữa thơ - nhạc.

Ông đã nhận nhiều giải thưởng của Trung ương Đoàn, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ LĐ,TB&XH... cho các bài thơ được phổ nhạc thành bài hát được nhiều người yêu thích: Đôi dép Bác Hồ, Nói với khơi xa, Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương (nhạc Văn An), Cảm xúc tháng Mười (nhạc Nguyễn Thành), Bài ca Thanh niên (nhạc Thanh Phúc), Bàn tay mẹ (nhạc Bùi Đình Thảo), Nhớ giọng hát Bác Hồ (nhạc Thành An), Người chiến sĩ trung kiên (nhạc Huy Du), Đất nước (nhạc Phạm Minh Tuấn)...

Ca sĩ Wanbi Tuấn Anh qua đời ở tuổi 26

Ca sĩ Wanbi Tuấn Anh đã qua đời ở tuổi 26 để lại nhiều tiếc thương cho công chúng

Sau một thời gian dài đấu tranh với căn bệnh u não hiểm nghèo, vào lúc 16h25 phút ngày 21 tháng 7, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh đã qua đời tại nhà riêng ở hẻm 18B Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1 - TP.HCM trong vòng tay của gia đình và người thân.

Căn bệnh của Wanbi Tuấn Anh bắt đầu vào giữa năm 2009, sau khi cha anh đột ngột qua đời. Từ đó, chàng ca sĩ này cũng phát hiện ra thị lực của mình càng ngày càng suy kém. Và sau nhiều lần nỗ lực triều trị, qua Singapore chữa bệnh, Wanbi Tuấn Anh đã trở về Việt Nam, tiếp tục chống chọi với bệnh tật trước khi qua đời.

Mặc dù bị bệnh hiểm nghèo, nhưng đến mãi cuối năm 2012, Wanbi Tuấn Anh mới chia sẻ về căn bệnh của mình. Nam ca sĩ mắc bệnh u tuyến yên trong não “mà theo lời của bác sĩ là trên thế giới, 1 triệu người mới có 1 người mắc”.

Trong những tháng cuối của năm 2012, nhiều hoạt động, chương trình đã được tổ chức nhằm gây quỹ giúp đỡ Wanbi Tuấn Anh chống chọi lại căn bệnh với sự chung tay góp sức của đông đảo nghệ sĩ và người hâm mộ.

Wanbi Tuấn Anh tên thật là Nguyễn Tuấn Anh (sinh ngày 9/1/1987). Trước khi làm ca sĩ, Wanbi được biết đến với vai trò là một người mẫu ảnh của rất nhiều tờ báo teen như Hoa học trò hay Thế giới học đường... Anh cũng đã lấn sân sang điện ảnh với các bộ phim như: Áo cưới thiên đường và Hồn ma siêu quậy.

Trong sự nghiệp ca hát, anh cũng đã có nhiều bài hit như: Đôi mắt, Cho em, Vụt mất..., và anh cũng đã tự sáng tác những ca khúc hoặc viết lời Việt đang là hit trên nhiều diễn đàn như Cho em, Từng ngày qua, Dạ khúc...

Năm 2008, Wanbi phát hành album đầu tay Wanbi 0901, trong đó bài hit Đôi mắt đã tạo được thành công tốt đẹp. Ca khúc này đã đứng đầu  bảng xếp hạng Làn sóng xanh, và thành công đã đến với Wanbi khi anh cùng ca sĩ Thu Thủy vinh dự nhận được giải thưởng Nghệ sĩ triển vọng trong năm 2009 của Làn sóng xanh. Đầu năm 2009, Wanbi kết hợp với Tóc Tiên cho ra album Chuyện tình vượt thời gian. Năm 2010, anh phát hành album mang tên Thăng (#)...

Diễn viên, biên kịch Thế Sơn qua đời 6/ 8 /2013

Thế Sơn (tên đầy đủ Trần Thế Sơn) sinh ngày 2/1/1985, qua đời lúc 2h ngày 6/8/2013, do bạo bệnh. Anh tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM năm 2005, là diễn viên, biên kịch được đồng nghiệp đánh giá nghiêm túc, có nét riêng.

Thế Sơn kết hôn cùng nghệ sĩ Lương Duyên, lấy bút danh chung là Trần Khiết, đã viết vài kịch bản đáng nhớ như Tình nhân đến với tình nhân (ĐD: Lương Duyên), Chú kiến lạc loài, Một ngàn lẻ hai đêm...; anh cũng viết, dựng và diễn trong nhiều vở kịch trên truyền hình.

Là diễn viên, Thế Sơn có nhiều vai diễn đáng nhớ trên sân khấu như quan Nghè Trạch (vở Bàn tay của trời), Thế Hiệp (Tình nhân đến với tình nhân), Bảy Dom (Người điên trong ngôi nhà cổ), Liệt (Trần gian phải có tình yêu)...  Thế Sơn cũng là tên tuổi được khán giả yêu thích tại Kịch Bệt, nơi anh cùng vợ mình, rồi Tuyết Mai, Quốc Thịnh...  và cô chủ Thiên Kim đang gây dựng một hướng đi hiệu quả cho sân khấu kịch rất nhỏ trong quán cà phê.

Nữ đạo diễn đầu tiên của Việt Nam - NSND Bạch Diệp

Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp, nữ đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam, qua đời ở tuổi 85 sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.

Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh. Từ năm 6 tuổi, bà đã được đưa theo học ở trường tu viện Saint Dominique ở Hải Phòng.


Năm 1959, bà theo học lớp đạo diễn điện ảnh do Bộ Văn hóa Thông tin mở dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Bà tốt nghiệp năm 1963, sau đó về làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Tác phẩm đầu tay của bà là bộ phim Trần Quốc Toản ra quân, chuyển thể từ chèo, sau được trao giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai. Những bộ phim tiếp theo của bà ra đời sau đó là Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu chuyện làng Dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương (1982), Mảnh trời riêng (1983), Trừng phạt (1984), Y Hơ Nua (1985), Cuộc chia tay không hẹn trước (1986), Huyền thoại về người mẹ (1987), Ngõ hẹp (1988), Hoa ban đỏ (1994)...

Nổi bật trong số các tác phẩm của bà là hai bộ phim Ngày lễ thánh (dựa theo cuốn tiểu thuyết Bão biển của Chu Văn) và Huyền thoại mẹ, đều do nghệ sĩ nhân dân Trà Giang đóng vai chính, đều giành được giải thưởng Bông sen bạc.

Bà về hưu năm 1992. Bà vẫn được mời làm phim truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam. Bà còn làm phim cho các chuyên mục Điện ảnh chiều thứ 7 và Văn nghệ Chủ nhật.

Năm 1997, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Năm 2007, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm Ngày lễ thánh, Huyền thoại mẹ. Bà là một trong số các nghệ sĩ Việt Nam có tên trong Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô. Năm 2008, bà là một trong 11 nghệ sĩ đương đại được tôn vinh trong ngày kỉ niêm 55 năm thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Bà qua đời năm 2013 ở tuổi 85 tại Hà Nội, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.

GS.TS - NSND Quang Hải, “cây đại thụ” của âm nhạc hàn lâm

GS.TS - NSND Quang Hải sau thời gian khá dài điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 22h45 ngày 3/11. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ TP HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3), lễ viếng từ 18h ngày 4/11, lễ động quan 14h ngày 6/11, an táng tại nghĩa trang Hội tương tế tỉnh Bến Tre (số 196 Tỉnh lộ 43, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).

12 năm liên tục học tập nghiên cứu nhạc giao hưởng, nhạc kịch ở Nhạc viện Leningrad ông đã tốt nghiệp chỉ huy giao hưởng nhạc kịch, tốt nghiệp nghiên cứu sinh chỉ huy dàn nhạc và lấy bằng tiến sĩ lý luận âm nhạc.

Trở về nước ông làm Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam tại Hà Nội (1970-1975) rồi sau đó làm Giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho đến ngày nghỉ hưu (1975-1997).

Ông đã góp phần rất lớn vào việc đào tạo nhiều thế hệ chỉ huy dàn nhạc của Việt Nam và là người “đầu tàu” trong việc đào tạo cán bộ âm nhạc chuyên nghiệp của khu vực miền Nam và Tây Nguyên trong thời gian dài hơn 20 năm làm Giám đốc Nhạc viện TP HCM.

Bên cạnh lĩnh vực đào tạo, ông là một trong những nhà soạn nhạc đã viết nhiều tác phẩm giao hưởng ở các thể loại khác nhau.

Ông đã để lại khối lượng tác phẩm khá đồ sộ gồm: 3 tổ khúc giao hưởng, 2 concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng (DNGH), 2 concerto cho piano và DNGH, Fantasie cho piano biến tấu trên chủ đề Lý tầm quân, Concerto cho đàn kìm và DNGH, Concerto viết cho sáo trúc và DNGH Thanh niên làm theo lời Bác, Song tấu cho đàn tranh & harp và DNGH, Biến tấu trên chủ đề Hoa thơm bướm lượn cho đàm kìm và DNGH, Biến tấu trên chủ đề Tam pháp nhập môn, Hòa tấu cho dàn nhạc dân tộc Ngày hội, Giao hưởng - đại hợp xướng Chuỗi ngọc biển Đông, Giao hưởng - thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh, Concerto cho đàn t’rưng và DNGH Dốc sương mù.

Ngoài ra ông còn viết nhạc cho 36 vở kịch nói, cải lương, kịch truyền hình, phim và múa, gần 60 công trình khoa học, tiểu luận, tham luận. Ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001) với 5 tác phẩm: 2 concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng Đất và hoa và Quê tôi giải phóng; Concerto piano số 1 cho đàn piano và dàn nhạc giao hưởng; Concerto cho đàn kìm và dàn nhạc giao hưởng Bình minh và Fantasia số 1 cho piano trên chủ đề Lý tầm xuân.

Sự ra đi của GS.TS-NSND Quang Hải là một mất mát lớn cho làng âm nhạc hàn lâm Việt Nam.

Diễn viên Tuấn Dương

Nam diễn viên mang quân hàm trung tá ghi dấu ấn với những vai hài hước qua đời rạng sáng nay 2/12, ở tuổi 61.

Lễ viếng sẽ diễn ra sáng 4/12 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 19/8 Bộ Công An. Gia đình Tuấn Dương rất neo người, ông kết hôn muộn vào năm 2009 và không có con. Vì vậy, đoàn kịch Công an Nhân dân đang bàn bạc với gia đình để tỏ chức tang lễ chu toàn.

Diễn viên Tuấn Dương vừa qua đời sáng nay 2/12

Tuấn Dương vốn là diễn viên của Đoàn kịch Công an nhân dân, nhưng ông xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình với những tiểu phẩm hài và thường xuyên được các đạo diễn chọn vào các vai diễn mang chất nông dân, hoặc gã chồng... sợ vợ trong các bộ phim nổi tiếng đã phát sóng như: Đất và người, Làng ven đô, Chuyện đã qua, Lều chõng, Lập trình trái tim...


Phạm Mỹ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm