Nghe Trường Sòn kể chuyện làm phim độc lập

12/07/2018 10:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Trước giờ người ta vẫn luôn có định kiến là phải có “điều kiện” thì mới theo điện ảnh. Tôi không nghĩ thế”, Đặng Xuân Trường chia sẻ.

Tự nhận mình là “dân không chuyên” với điện ảnh, nhưng những dấu ấn của Đặng Xuân Trường (Trường Sòn) có được cùng với ekip làm phim độc lập mà anh coi như gia đình là đáng kể, minh chứng qua những “chiến tích” tại các liên hoan phim quốc tế.

Gần nhất, Trường đang cùng biên kịch Bùi Kim Quy lên kế hoạch chuẩn bị cho dự án phim Miền ký ức. Kịch bản phim này, cùng với 8 kịch bản chất lượng khác hồi năm ngoái đã được Quỹ Tài năng Berlinale lựa chọn để giới thiệu đến các nhà sản xuất uy tín trên khắp thế giới.

Bí quyết để “tằn tiện”

Đây là dự án thứ hai Trường Sòn hợp tác với biên kịch Bùi Kim Quy. Trước đó anh từng giữ vai trò đạo diễn hình ảnh và họa sĩ thiết kế cho phim Người truyền giống (lọt vào hạng mục Một cửa sổ điện ảnh châu Átại LHP Busan 2014).

Chú thích ảnh
Đạo diễn Đặng Xuân Trường

Ngoài ra, anh cũng từng đảm nhiệm vai trò tương tự với phim Thực giả của đạo diễn Nguyễn Trung Kiên, tham gia làm hậu kỳ cho phim Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên… Và đặc biệt là hợp tác với đạo diễn người Pháp Fabrice Poirier làm phim Bee, khi đạo diễn này cần cộng sự giúp đỡ với những bối cảnh tại Việt Nam.

Trường Sòn bảo, đạo diễn Fabrice Poirier tìm đến anh khi chỉ còn 1/3 kinh phí hoàn thành phim (khoảng 15.000 đô la gồm cả ăn đi lại), phần kia đã dành để cho các bối cảnh tại Pháp. Lúc ấy Trường Sòn đang ở Đài Loan (Trung Quốc), định từ chối nhưng đạo diễn Fabrice Poirier nhất mực đợi bằng được anh về.

“Vì tôi có cách tiết kiệm chi phí cho “hắn”, anh cười.

Những dự án được mời và trả lương thì không nói làm gì, nhưng một khi đã tự đứng ra, điển hình là những dự án làm cùng biên kịch Bùi Kim Quy, anh và cộng sự đều phải bỏ tiền túi. Có khi cả bộ phim dài 90 phút chỉ được gói gọn trong chưa đến 200 triệu.

Anh ngại xin tài trợ vì rắc rối và khó để tìm được nhà tài trợ “thiên thần”, sợ bị họ dùng tiền để can thiệp vào tác phẩm. “Vấn đề không phải có bao nhiêu tiền, mà vấn đề ở ý tưởng và câu chuyện”, Trường Sòn bảo.

Bí quyết của anh nằm ở ekip hoạt động như một gia đình.Ở vai trò người đứng đầu, cái khó nhất, theo Trường Sòn là “đảm bảo phía trước, phía sau monitor của đạo diễn không ai cảm thấy tổn thương. Muốn vậy, người thủ lĩnh cần có đủ tâm và tầm”.

“Tôi cũng “sòng phẳng” luôn với các bạn ngay từ đầu, tham gia đoàn phim lương không cao, nhưng các bạn được nhiều thứ khác”. Và nhiều nhất là được một cơ hội.

Trong giới điện ảnh vốn có định kiến ngầm rằng, nếu nhà có “điều kiện” thì hẵng đi làm phim. Trường Sòn bảo nói như vậy là quá “ác” với các bạn trẻ ở những vùng quê nghèo. “Việc mình cần làm là thúc đẩy ước mơ, tốt hơn thì có phương pháp hiện thực hóa ước mơ ấy”.

Chú thích ảnh

Lưu giữ cho thế hệ tương lai

Ở khía cạnh khác, Trường Sòn đề cập đến các bạn trẻ có “điều kiện” được đi học ở nước ngoài.

“Các bạn tiếp thu kiến thức quốc tế, nhưng có cái dở là không biết biến nó thành của mình. Phương Tây, họ có thể là “thầy” của chúng ta. Nhưng nếu cứ “trả bài” họ bằng một bộ phim phương Tây thì quá chán. Trong khi rõ ràng nếu biết kết hợp chất liệu từ chính dân tộc ta thì quá hay.”

“Tôi quan sát các giám tuyển nước ngoài, họ đánh giá rất cao tính văn hóa trong tác phẩm. Và chính cái đó sẽ kích thích họ tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, vì phạm vi một bộ phim không thể truyền tải được hết”, Trường Sòn bảo.

Để làm được vậy, đòi hỏi người làm phải có phông văn hóa đủ vững, bên cạnh cái nhìn cảm quan tốt. “Nghi thức tang lễ nơi này khác nơi kia. Khi đã vận dụng thì phải thật chuẩn”. Nhưng điều kiện tiên quyết hơn thế, theo Trường Sòn là phải lưu giữ văn hóa“để người trẻ có cái để mà dùng”.

“Hồi làm show Đồng hành, tôi có tìm đến gặp người Tày - Nùng ở Lạng Sơn để tìm làn điệu then cổ. Đến nơi toàn nghe họ hát tỉnh ca, huyện ca. Sau đấy may mà tìm được một nghệ nhân già”, Trường Sòn kể, “Nghệ nhân họ vốn quen truyền khẩu, vậy ai sẽ làm công việc lưu trữ lại cho thế hệ sau?”, anh kết luận, bằng câu hỏi hãy còn bỏ ngỏ.

Nhiều nghề như Trường Sòn

Sẽ rất khó để định cho Đặng Xuân Trường (Trường Sòn) một “chức danh” trong làng nghệ thuật. Bởi anh tham gia và để lại dấu ấn đáng kể ở rất nhiều mảng, từ nhiếp ảnh, hội họa, nghệ thuật biểu diễn đến điện ảnh.

Chính xác thì Trường Sòn nổi tiếng ban đầu với vai trò nhiếp ảnh gia, nhưng đó hóa ra lại là lần “rẽ ngang” đầu tiên. Anh từng tham gia 1 khóa học ngắn về quay phim từ năm 1994-1995, sau đấy theo đuổi nghề này độ chục năm. Kiến thức chủ yếu thu nhặt từ đời sống và sách. Trường Sòn bảo, sách là người thầy lớn nhất của anh.

Bỏ ngang vì mê mẩn vùng núi Tây Bắc, song cũng chính nơi này đã tạo cho anh cơ duyên gặp biên kịch Bùi Kim Quy, quay lại với điện ảnh bất chấp những “được mất”.

Đặng Xuân Trường được biết tới với vai trò đạo diễn ánh sáng của không ít chương trình âm nhạc tại Hà Nội, và đặc biệt là các liveshow của ca sĩ Tùng Dương như Thập kỷ hoan ca, Trời và đất, Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng. Anh vừa cùng Tùng Dương hoàn thành cuộc thể nghiệm đầy thách thức với liveshow Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng.

Trường Sòn kể 'Chuyện riêng tư'

Trường Sòn kể 'Chuyện riêng tư'

Sau những chuyến đi và nhìn, nghệ sĩ Xuân Trường đang có 'Chuyện riêng tư' được kể trong triển lãm ảnh diễn ra từ 15 – 20/7 tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm