Chúng ta không còn gì để làm ngoài nhậu nhẹt?

11/02/2016 06:40 GMT+7

(lienminhbng.org) - Tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên những cái Tết của một thời đã qua không trở lại nữa. Đấy là những cái Tết mà bố mẹ mang về những hộp mứt được làm bằng giấy bìa đen, bên trong có một ít mứt, một ít trứng chim, một bánh pháo Bình Đà trong túi ni lông nhưng mùi pháo thơm thơm khen khét vẫn thoang thoảng và bóng bì để nấu canh.

1. Hồi ấy, tôi còn bé và không biết xem lịch âm, không biết khi nào là Tết, nhưng chỉ cần nghe tiếng bóng bì đập lộp cộp vào ghi đông xe của bố, với tiếng chân rất quen thuộc khi bố về nhà, là hiểu Tết sắp về. Lũ trẻ chỉ mong có Tết để được đốt pháo, để được mừng tuổi, để xem người lớn gói bánh chưng và để được ăn thật ngon, thật nhiều, sau một năm thiếu thốn đủ đường và tem phiếu là thước đo cho mức độ hưởng thụ của cả một thế hệ.

Bây giờ, cái Tết khác hơn rất nhiều.

Điều duy nhất khiến người ta băn khoăn là ăn Tết như thế nào cho hiệu quả, nhất là khi cái Tết đang dường như ngày càng dài hơn?

2. Ở bên này (Italy), họ nghỉ mỗi năm hai kì, kì nghỉ Hè và nghỉ Đông, kì nào cũng rất dài. Họ làm gì trong những ngày ấy? Thường thì họ đi nghỉ, hoặc ở nhà bố mẹ vài ngày và rồi phần lớn thời gian ở đâu đó, rất xa, như đã là một phần trong lối sống hiện đại và bền vững.


Nhà báo Anh Ngọc
Tôi cũng theo cách ấy, và ngay cả khi còn ở Việt Nam cũng cố gắng sống như thế. Facebook của tôi và bạn bè người Ý của tôi tràn ngập những tấm ảnh và dòng trạng thái về những chuyến đi.

Không có điều gì thú vị hơn thế, khi ta chia tay năm cũ và đón chào năm mới trong một sự sảng khoái lớn lao của những trải nghiệm, một khi có điều kiện.

Và rồi một lúc, trong những chuyến đi khắp châu Âu những ngày này, chợt nhớ lại những năm tháng trước kia đón những cái Tết rất đơn sơ và mộc mạc ở nhà, thấy rằng, những điều giản dị, thiếu thốn nhưng ấm cúng ấy chính là những điều thôi thúc để tôi vững tin bước ra thế giới, trong hành trình đời luôn di chuyển và xê dịch.

3. Bởi năm mới là những hành trình mới, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, là những gì mà tôi luôn chờ đợi và sẽ thực hiện. Tôi sợ cảm giác tự hài lòng với bản thân. Tôi sợ cái cảm giác bê tha và bệ rạc của những cuộc nhậu nhẹt trong Tết mà trước kia chính tôi cũng đã tham dự, và cũng rất không vui khi thấy Newsfeed Facebook của mình toàn ảnh nhậu nhẹt nâng chén của bạn bè cả quen và không quen những ngày cận Tết hoặc trong Tết.

Chúng ta không còn gì để làm nữa sao, không còn khao khát gì hơn nữa sao, sau một năm của rất nhiều những cuộc nhậu nhẹt và ăn uống khác?

Bia rượu ở Mỹ: Một thế giới 'nhậu ngầm'

Bia rượu ở Mỹ: Một thế giới 'nhậu ngầm'

Nhiều người Việt Nam qua Mỹ chơi hay hỏi: Ủa, sao dân Mỹ không khoái nhậu à?


Ngày trước, những cái Tết phải là ăn no và ăn ngon, bù cho một năm vất vả. Đến mức cái bóng bì màu nâu nhạt được phân theo suất mà bố mang về những ngày trước Tết cũng có thể trở thành một nỗi ám ảnh suốt từ đó đến tận giờ. Bây giờ, rất nhiều gia đình đã có điều kiện hơn về vật chất, thì những thói quen xưa vẫn không thay đổi.

Tôi thì không như thế nữa. Tôi thấy cuộc đời sôi động hơn ở thế giới bên ngoài cánh cửa, và sợ một lúc nào đấy mình trở nên chậm chạp, già nua và không hiểu nổi nó nữa. Thế là tôi cứ đi mãi, đi để không còn bị ám ảnh bởi cái ăn với tiếng bóng bì vang lên khi bố về, không bị những tấm ảnh nâng chén liên miên của ai đó trên Facebook làm cho phiền lòng.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm