'Truyền kỳ' ông bầu và đội bóng V-League

27/08/2015 12:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Ngay sau khi CLB Hà Nội thăng hạng, vai trò của ông bầu Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) một lần nữa được xới lại, bởi V-League 2016 sẽ có ít nhất 4 đội bóng có liên đới tới “gia đình T&T” chơi ở cùng một hạng mục giải đấu (tỷ lệ 28,5%).

Tất nhiên, từ VFF đến BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (thuộc VPF) sẽ “không thể từ chối”, bởi ông Hiển không đứng chính danh ở bất cứ CLB nào, từ Hà Nội T&T, đến SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam và tân binh CLB Hà Nội.

Thể thao & Văn hoá cuối tuần sẽ điểm lại từng nấc thang, sự ra đời của các đội bóng, để cảm nhận tầm ảnh hưởng của ông bầu Đỗ Quang Hiển lớn đến đâu, trong làng bóng đá Việt Nam.

1. Năm 2009, khi Hà Nội T&T lần đầu thăng hạng V-League (3 năm thăng 3 hạng, cho đến nay vẫn là một kỳ tích trong làng bóng đá Việt Nam), người ta bắt đầu đặt vấn đề về việc một ông bầu sở hữu 2 đội bóng tại cùng một hạng mục giải đấu.

Bởi trước đó, năm 2008, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB, nơi ông Hiển là Chủ tịch HĐQT) đã được biết đến như chủ đầu tư của CLB SHB Đà Nẵng, với việc thành lập công ty cổ phẩn thể thao trực thuộc, phụ trách đội bóng, có trụ sở phía dưới khán đài B, sân Chi Lăng (Tổng Giám đốc là ông Bùi Xuân Hoà).

Mùa giải 2009, trong khi SHB Đà Nẵng sớm “đăng cơ”, thì Hà Nội T&T cũng có bước tiến thần kỳ ở lượt về, để cán đích trong tốp 4 đội dẫn đầu, dù trước đó họ từng đứng đội sổ sau lượt đi. Năm 2010, đến lượt Hà Nội T&T lên ngôi trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.


Thêm 1 đội bóng nữa (CLB Hà Nội) liên đới tới “gia đình T&T” chơi ở V-League mùa sau

Các cú đúp danh hiệu lặp lại ở mùa giải 2012 và 2013, khiến cả làng cầu nội như nổi sóng. V-League, giải đấu cao nhất xứ sở phải chăng là cuộc chơi riêng của bầu Hiển? Cùng với việc VPF được thành lập, thông qua “Hội nghị các ông bầu” (cuối năm 2011), các cơ quan chức năng nào cuộc.

Tháng 9/2012, Đoàn kiểm tra của Bộ VH,TT&DLgồm ông Trần Quang Vinh – Trưởng Phòng Thanh tra thể thao, các thanh tra viên Nguyễn Mạnh Hùng, Cao Trọng Đạt, cùng đại diện VFF gồm ông Phạm Thành Long – Trưởng Ban Kiểm tra, bà Nguyễn Thanh Tú – Phó Phòng Pháp lý…, đã tiến thành thanh tra… nhà bầu Hiển. Kết luận cuối cùng, do bầu Hiển cho biết chỉ nắm 11% cổ phần tại CLB SHB Đà Nẵng và 15% cổ phần tại CLB Hà Nội T&T, không phải cổ đông lớn có vai trò chi phối, càng không phải ông chủ của hai CLB này.

Những dị nghị tạm thời khép lại, bởi ngay cả Đoàn thanh tra cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, nếu làm quyết liệt sẽ ảnh hưởng đến phong trào chung. Cùng với việc thoái vốn tại các công ty cổ phần thể thao, năm 2013, bầu Hiển cũng đã chấp nhận trả lại suất chơi V-League cho nhà tổ chức, dù vốn dĩ nó đã thuộc về CLB Hà Nội sau thành tích thăng hạng dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc.

Lần này thì VPF có lý do chính đáng để “đòi quà”, bởi CLB Hà Nội khi ấy vẫn trực thuộc Công ty cổ phần Thể thao T&T, cũng là chủ sở hữu CLB Hà Nội T&T như hiện tại.

Thời điểm QNK Quảng Nam giành vé thăng hạng V-League 2014, vấn đề một ông bầu nhiều đội bóng một lần nữa được nhắc lại. Song có lẽ cũng như lúc này, khi CLB Hà Nội lên chuyên (lần 2), sẽ không bao giờ có lời giải thoả đáng, bởi bầu Hiển “chỉ có mối quan hệ tình cảm, không đứng chính danh”, ở những đội bóng mà ông hết mực quan tâm, chăm sóc. CLB Hà Nội sau đợt chuyển giao cách đây đôi ba năm, hiện đang thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Phát triển bóng đá Hà Nội, với chủ tịch là ông Nguyễn Giang Đông (còn gọi là ông Đông “vàng”).

2. Theo chia sẻ của người trong cuộc, Công ty cổ phần Phát triển Bóng đá Hà Nội có những cách huy động vốn rất thú vị. Ngay từ ngày đầu thành lập, chủ tịch HĐQT Nguyễn Giang Đông, một người khá trầm tính nhưng cởi mở, tiết lộ đã “kiếm” được tầm 35 tỷ đồng, dư sức nuôi đội chơi giải hạng Nhất (15 – 17 tỷ đồng/mùa).

Mỗi người một ít, gọi là xã hội hoá cũng được, nhưng bất cứ khi nào cần, bầu Hiển cũng có thể chia sẻ. CLB Hà Nội vẫn được biết đến như sân sau, cùng với Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng và QNK Quảng Nam, tạo thành các trạm trung chuyển.

Cuối năm ngoái, khi HLV Nguyễn Văn Sỹ gật đầu dẫn dắt XSKT Cần Thơ tham dự V-League 2015, bằng với mối quan hệ hảo hữu với "chánh tướng" Hà Nội T&T là Phan Thanh Hùng, cũng như Lê Huỳnh Đức ở SHB Đà Nẵng, đã ngỏ lời muốn mượn tạm vài "cạ cứng". Nhưng, cả Thanh Hùng và Huỳnh Đức dù rất quý Văn Sỹ, vẫn phải lắc đầu, vì “còn phải xem QNK Quảng Nam có cần không?”.

Nó là thông điệp, là luật bất thành văn mà những thuộc cấp dưới trướng bầu Hiển phải nằm lòng. Việc điều HLV Đức Thắng từ trẻ T&T về CLB Hà Nội cũng là có chủ ý.

Cầu thủ Thanh Trung sau khi được giải phóng khỏi bầu Kiên (CLB bóng đá Hà Nội (cũ) được điều động vào QNK Quảng Nam; thêm Huy Hùng cùng HLV Hoàng Văn Phúc, vốn cũng là người của bầu Hiển ở CLB Hà Nội trước đây, hội quân tại Tam Kỳ. Trường hợp của Huy Hùng để lại nhiều tiếc nuối cho HLV Phan Thanh Hùng, nhưng lọt sàng xuống nia.

Để tăng cường thêm hoả lực cho đội bóng đất Quảng, “tiểu tướng” Hà Minh Tuấn cũng được HLV Lê Huỳnh Đức nhượng lại. Sau khi “vồ hụt” Mạc Hồng Quân, HLV Hoàng Văn Phúc đã có ngay Hà Minh Tuấn.

Trở lại với việc CLB Hà Nội giành vé lên V-League 2016, chắc chắn quỹ tài chính cũng sẽ phải phình ra, song song với các kế hoạch chiêu hiền đãi sĩ, chuẩn bị lực lượng, nhưng tuyệt nhiên, người trong cuộc chẳng mảy may lo lắng nào.

Mọi chuyện tự nó đã sắp xếp, khi những tinh tuý luôn được dồn cho Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng giàu tham vọng, còn CLB Hà Nội hay QNK Quảng Nam tạm thời chưa tính tới. Tại các đội bóng có mối quan hệ hữu cơ (dù ít hay nhiều) với bầu Hiển, tính ổn định là yếu tố quan trọng. Từ nhân sự, đến lộ trình phát triển...

Ở một góc độ nào đó, việc vun vén – khuyến khích để giải đấu trở nên xôm tụ hơn, còn là điều kiện cần để phát triển nền bóng đá. Đây là vấn đề cốt lõi, bởi ai không thấy, sự èo uột ở giải hạng Nhất 2015 (với chỉ 8 đội tham dự và một suất lên chuyên), tính cạnh tranh không những cực thấp, mà còn tác động xấu đến quy trình phát triển của một nền bóng đá hình kim tự tháp… ngược.

Danh chính ngôn thuận, BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (VPF) và cả VFF, không thể tước suất chơi – quyền lợi chính đáng và hợp pháp của CLB Hà Nội.

Còn luận thế nào, là chuyện của thiên hạ, nhỉ?!

Dù không trực tiếp đứng chính danh ông chủ ở bất cứ đội bóng nào, từ Hà Nội T&T, đến SHB Đà Nẵng, QNK Quảng Nam và CLB Hà Nội, nhưng ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) được cho là có tiếng nói quyết định, người đưa ra các quyết sách.

Theo nhận định, vai trò – đóng góp của bầu Hiển cho bóng đá Việt Nam, từ nhân lực, tài lực, đến trí lực…, lớn hơn bất cứ ông bầu nào trong quá khứ và hiện tại.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm