08/08/2020 05:42 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ai đó trên cửa sổ đang hát: “Dù có đi khắp phương trời lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Tôi cũng đi khắp phương trời trên đôi giày vạn dặm, vẫn luôn ghi nhớ về Ngọc Phú, người thợ đóng giày vắt qua 2 thế kỷ, và người bán giày lang bạt kỳ hồ Nguyễn Phú, ở những góc phố nhỏ Hà Nội.
1. Đôi giày đi dưới chân có quan trọng lắm không? Có người rất xem thường vì chẳng đi đâu ra khỏi nhà, có người cả đời chưa ra khỏi làng, không biết đến một đôi giày đến khi nhắm mắt xuôi tay. Nên với người ít đi, ít xê dịch càng không có gì phải xem trọng đôi giày, nhưng ngược lại, người hay xê dịch phải lựa chọn giày rất kỹ vì giày nâng đỡ họ đi được xa, rất xa. Giày rất quan trọng, vì nó luôn giúp bạn bảo vệ đôi chân, đi nhẹ chân, ngàn dặm giúp bạn không mỏi mệt.
Có một thời Hà Nội ít có cửa hàng giày. Những năm 1990 - 1995 ấy, giày thời trang khan hiếm; giày bán lẻ ở phố, tôi đi mua giày, dạo gót khắp cửa hàng giày phố Hàng Dầu họ đều lắc đầu và xua tay, không có giày số 41 dành cho phụ nữ; mà tôi đang cần đi một đôi giày đi đứng, nhìn cho nó tử tế khi tiếp khách ở một hội nghị du lịch quốc tế. Thế là tôi tìm đến các cửa hàng giày để đóng một đôi giày. May sao tìm thấy hàng giày Ngọc Phú, lúc đó cửa hàng chưa treo biển như bây giờ.
Bác tên Ngọc Phú đã đóng giày được hơn 60 năm ở cái ga-ra ô tô cũ, bác mua lại, ở phố Lý Thái Tổ. Bác Ngọc Phú học đóng giày đo chân từ năm 1954, sau giải phóng Thủ đô, rồi lúc Hà Nội mở công tư hợp doanh, bác vào hợp tác xã đóng giày.
Bác từng đi học đóng giày 2 năm không công để học cách đóng, cách khâu giày, cách đánh giày sao cho đẹp là một việc không đơn giản. Có một thời bác sống chật vật lắm vì không đủ ăn, thời bao cấp, người dân Hà Nội đi chữa giày nhiều hơn đi đóng giày. Bác chữa giày, vá giày, dán giày và đánh giày để sống ở cả cửa hàng sửa giày tin hin này.
Lúc đó nhiều khách quen, có cả vị làm quan chức khá to, họ đi nước ngoài cũng đến nơi bác đo chân để đóng giày. Vì giá cả phải chăng, vì đóng giày sửa giày cho toàn người dân thu nhập không cao nên bác được khách hàng họ mách nhau đi đóng giày chỗ nhà bác, thế là một mình bác đóng, chữa giày da nuôi cả nhà. Sau này bác truyền lại nghề cho 2 cậu con trai, 1 cậu đã sang Australia vẫn giữ nghề đóng giày. Còn cậu út đóng giày theo cha,tại gia.
Một thời, giày của nhà bác chuyên đóng đo chân và nhận luôn cả việc chữa giày nên cửa hàng cứ có 2, 3 khách là có 1 người phải đứng chờ ở hè đường. Mùa Đông đóng giày, mùa Hè đóng xăng đan, đóng dép da, đi cho mềm chân.
Một cửa hàng giày có chiều rộng 7 viên gạch cỡ 20x20cm, chắp vá. Bé tin hin mà vẫn đông khách đóng và chữa giày. Một nghề, từng thất nghiệp, từng cơ hàn mà vắt qua 2 thế kỷ vẫn tồn tại, như phận bác Phú đóng giày kiếm sống thật không đơn giản.
Bác lao động không kể giờ giấc,vì thích nghề giày. Ngày xưa quê gốc bác Phú tận làng Sặt, Hưng Yên, làng quê này chuyên làm mỹ nghệ đồ bạc, nhưng bác lại không thích nghề bạc mà chỉ thích đóng giày. Sống bằng nghề đóng giày đo chân. Một thời hiu hắt nghèo. Giờ thì đỡ hơn, 2 bác tuổi sắp cửu thập vẫn tươi cười đón khách chữa giày bong mũi hay nhận khâu dép đứt quai, cho người nghèo. Hỏi bác Ngọc Phú thì bác chẳng đi đâu xa, đời bác chỉ gắn với nghề đóng giày đo chân gần 70 năm trên ga-ra ô tô cũ, nay cơi nới thành nhà ở phố Lý Thái Tổ.
Nghề đã chọn người, không rõ bác đã làm bao nhiêu đôi giày trên đôi tay héo hon kia? Đã đi qua một đời người thợ đóng giày, ai quên ai nhớ?
2. Khác hẳn người đóng giày hơn nửa thế kỷ ở Hà Nội không đi đâu xa ra khỏi thành phố, tôi còn quen một người chuyên bán giày ở góc phố Trần Hưng Đạo. Tên anh là Nguyễn Phú, người đã từng lang bạt kỳ hồ, từng bán giày bao năm bên Đông Đức rồi trở về Việt Nam bán giày dép.
Anh kể đã đi hết các nước Bắc Âu, Tây Âu, châu Mỹ, châu Phi, cả châu Á chỉ nhờ mỗi việc bán giày. Có tiền là để mình đi chinh phục thế giới. Có lần đi quá xa, không có tiền khi trở lại thăm Đông Đức cũ, Phú mua một cái áo phông cũ, chọn cái túi nhàu nhĩ, mảnh cát-tông để ngủ tạm trong công viên. Ngủ bụi, dành tiền sang Phần Lan, Thụy Sĩ, có lúc phải uống nước dọc đường, đi tiểu vào chai quẳng vào thùng rác, để tiết kiệm tiền đi vệ sinh, vì bên đó đi vệ sinh cũng rất đắt.
Mỗi lần ngồi uống trà với Nguyễn Phú, hắn ta “phiêu” kể về những cái thú lang bạt trên quả đất mà vợ hắn - tên là Hảo- luôn cười cười chấp nhận vui vẻ. Còn lại cái chuyến đi dối giăng cuối cùng mà Phú thích, là gọi 2 đứa con du học bên Canada về, Phú lái xe từ Bắc vào Nam rồi nhờ vợ lái xe đỡ hắn, chu du khắp dải đất hình chữ S.
Rồi hắn kể về những chuyến đi đầy kịch tính ở bên trời Âu. Hắn thuộc cả những thứ lặt vặt, cả những chi tiết hắn giấu tiền đô la dưới gót giày tài tình khi ngủ đêm vạ vật ở xứ người. Sở thích là bán giày, sau này, Phú thuê người trông hàng, rồi đi du lịch. Đưa vợ con cùng đi, hắn truyền cảm hứng cho con trai đến nỗi, con hắn cũng mê du lịch sau các kỳ nghỉ học ở xứ người.
Rồi căn bệnh nan y đã đưa Nguyễn Phú về bên Chúa. Mỗi lần đi qua phố Trần Hưng Đạo, tôi hay dừng xe nơi đèn đỏ lâu hơn; nhớ một Nguyễn Phú đi nhiều biết rộng kiến thức mênh mông dù chỉ là người bán giày, đáng trọng.
Bao nhiêu khách hàng trẻ tuổi vẫn chờ Phú tư vấn khi chọn giày, bao nhiêu người già cả đi mua giày đi bộ được Phú bán giá thanh lý vui vẻ như Tết. Họ vẫn nhắc Phú trải đời, trải tình và độ lượng với người. Phú từng giúp những bạn trẻ khuyết tật, tạo việc làm thêm cho các cháu. Tạo hiểu biết cho các bạn trẻ về nghề làm giày thể thao và các loại giày da xuất khẩu được bán tại Việt Nam, để người Việt Nam yêu hàng Việt Nam hơn.
Đúng là người chết đi mà không mất. Còn để lại tiếng thơm. Còn để lại sự ấm áp khôn nguôi. Đó là tình người. Tôi chợt nhớ: "Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn/ một giọt người rất sáng rất trong” (thơ Việt Phương). Tôi đã nhớ về người thợ đóng giày và người bán giày, họ đã sống để lại giọt rất sáng, rất trong.
Nhà văn Hoàng Việt Hằng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất