Bạo lực ở V-League 3 năm trở lại đây: V-League có nguy hiểm không?

25/09/2015 05:21 GMT+7 | V-League

(lienminhbng.org) - Muốn đánh giá xem bạo lực sân cỏ tại V-League ở mức độ nào, trước tiên cần nhìn vào số lượng thẻ phạt sau mỗi vòng đấu và dưới đây là những thống kê.

1. Để nói về bạo lực ở V-League, hãy bắt đầu từ thống kê đơn giản nhất: số thẻ phạt.

Khi mùa giải 2013 kết thúc, số thẻ vàng trung bình của giải đấu là 4,7 thẻ/trận. Số thẻ đỏ là 0,31 thẻ/trận. V-League 2013 bị chỉ trích khủng khiếp khi tổng số thẻ phạt, số lượng thẻ trung bình tăng đột biến so với mùa giải 2012. Ở thời điểm kết thúc vòng 13 năm 2013, số lượng thẻ đỏ trung bình là 0,37 thẻ/trận, tăng tới 0,14 thẻ/trận so với cùng thời điểm năm trước đó.

Đỉnh cao bạo lực của mùa giải 2013 tới ngay đầu mùa khi chỉ sau 2 vòng đấu tiên, V-League đã chứng kiến 6 thẻ đỏ với hàng loạt cái tên dính thẻ là tuyển thủ quốc gia như Trọng Hoàng (khi đó còn ở SLNA), Văn Thắng (Thanh Hóa), Ngọc Anh (XMXT SG), Sỹ Cường (Hà Nội T&T).

May mắn thay, mọi thứ đã dần cải thiện ở mùa giải 2014. Khi lượt đi kết thúc, số thẻ vàng và thẻ đỏ trung bình chỉ là 4,92 thẻ/trận và 0,21 thẻ/trận. Tới cuối mùa, con số này cũng chỉ là 4,71 thẻ/trận và 0,23 thẻ/trận.


Các trận đấu tại V-League luôn thừa các pha bóng quyết liệt. Ảnh: Dương Thu

Bước sang mùa giải 2015 vừa qua, lượt đi của giải đấu được khen ngợi rất nhiều khi bạo lực sân cỏ giảm đi trên mọi phương diện. Số lượng thẻ phạt và mức độ nguy hiểm của các pha vào bóng đều giảm đi. Kết thúc lượt đi, số thẻ phạt trung bình lần lượt là 4,31 thẻ/trận và 0,24 thẻ/trận.

Những thống kê ấy tiếp tục giảm mạnh vào cuối mùa giải. Khi VPF công bố số liệu cách đây ít ngày, số thẻ vàng trung bình chỉ suýt soát 4 đơn vị (4,03 thẻ/trận) - một con số kỷ lục. Số thẻ đỏ vẫn là 0,24 thẻ/trận.

Bất chấp tình huống vào bóng rợn người của Quế Ngọc Hải, sự thật là V-League 2015 đã ít bạo lực hơn, an toàn hơn với các cầu thủ. Thống kê 4,03 thẻ/trận và 0,24 thẻ/trận nằm trong nhóm những thống kê thẻ phạt thấp nhất lịch sử giải đấu.

2. Nhưng những thống kê trên chưa phải toàn bộ bức tranh. Trong một chia sẻ cách đây ít ngày, tiền đạo Công Phượng của HAGL tiết lộ: “Mỗi khi cầm bóng, tôi đều lo lắng và phải chú ý xung quanh để hạn chế chấn thương. Đây thực sự là giải đấu khắc nghiệt với các cầu thủ trẻ như chúng tôi”.

Những chia sẻ của Công Phượng là sự thật khi giải đấu vẫn tồn tại tâm lý vào bóng quyết liệt, “dằn mặt” đối phương từ đầu trận. Và đó không phải là quan điểm của riêng Công Phượng.

Sau trận thua 1-2 trước Hải Phòng hôm 26/2/2014, HLV Lê Huỳnh Đức từng chỉ trích đối thủ: “Một số cầu thủ Hải Phòng hầu như không đá bóng mà chỉ đá người. Nếu trọng tài mà thẳng tay hơn thì đã có nhiều thẻ đỏ chứ không chỉ vài cái thẻ vàng. Đúng ra ngay từ đầu, chúng tôi nên bảo giám sát là chúng tôi có thua được không, đá xấu thế này chúng tôi thua 0-3 để chúng tôi bảo toàn lực lượng cầu thủ còn hơn là dính chấn thương”.

Những đội bóng kỹ thuật như Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng và HAGL thường xuyên là nạn nhân của kiểu chơi “dằn mặt” này. Đá cho đối thủ sợ là tâm lý chung của nhiều cầu thủ và đội bóng ở V-League.

3. Nạn bạo lực sân cỏ ở Việt Nam không chỉ tới từ các cầu thủ. Nguyên nhân còn đến từ HLV, ban huấn luyện, ban lãnh đạo đội bóng và CĐV. Vòng 5 V-League 2014, Đinh Văn Ta (V.Ninh Bình) có pha đạp bóng thô bạo làm rạn xương sườn Danny của ĐTLA. Sau trận đấu, chủ tịch ĐTLA Võ Thành Nhiệm tiết lộ đội ngũ khiêng cáng của sân Ninh Bình đã vứt thẳng Danny xuống sân dù anh đang bất tỉnh. Họ cũng chậm trễ trong việc bố trí xe và đưa cầu thủ này vào bệnh viện. Trả lời chỉ trích ấy, Chủ tịch Phạm Văn Lệ của V.Ninh Bình phủ nhận hoàn toàn.

Và còn rất nhiều tình huống chậm trễ tương tự của đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế, nhân viên khiêng cáng ở V-League. Khi quyền lợi đội bóng và tính địa phương được đặt lên quá cao, người ta sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả những điều bị xem là không fair-play.

Một lý do khác dẫn tới việc bạo lực chưa thể chấm dứt. Như HLV Phan Thanh Hùng đã nói: “Tôi luôn lưu ý các trọng tài phải quyết liệt hơn với các hành vi thô bạo. Đôi lúc, trọng tài đã khiến cho trận đấu căng thẳng hơn.”

Cùng với trọng tài, bản thân VFF, VPF và các lực lượng chuyên môn cũng chưa có những chế tài đủ mạnh cho vấn đề này. Hàng năm, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vẫn kêu gọi ngăn chặn bạo lực trong các hội nghị tổng kết. Nhưng hiệu quả có vẻ chưa cao.

Nhưng xét cho cùng, bạo lực sân cỏ cũng là một tất yếu. Tại Premier League, mùa nào cũng có vài ca gãy chân, vài trường hợp đánh nhau, vài tình huống vào bóng thô bạo. Ngay ở đấu trường đỉnh cao Champions League, hậu vệ Hector Moreno của PSV cũng có liên tiếp 2 tình huống vào bóng làm gãy chân đối thủ.

Những nhà chuyên nghiệp coi chấn thương như một phần tất yếu của thể thao. Nhưng họ lại luôn muốn gạt bỏ bóng đá bạo lực. Ở một chừng mực nào đó, lối đá quyết liệt, mạnh mẽ là nét đẹp của bóng đá. Nhưng ranh giới giữa nó tới bạo lực sân cỏ luôn rất mong manh.

6 ĐTLA là đội bóng giữ danh hiệu quán quân về số lần phải nhận thẻ đỏ ở V-League với 6 lần, và SHB Đà Nẵng là đội bóng duy nhất chỉ có 1 thẻ đỏ

44 Đã có tổng cộng 44 thẻ đỏ được các trọng tài rút ra ở V-League 2015, trung bình 2,24 thẻ/trận.

66 Đội bóng phải nhận nhiều thẻ vàng nhất ở V-League 2015 là FLC Thanh Hóa với 66 thẻ vàng.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm