12/07/2017 07:28 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sau hơn 10 ngày kể từ ngày xét xử lần cuối cùng, sáng 11/7 Tòa án nhân dân quận 1 (TP.HCM) đã tuyên bà Phạm Thị Ngọc Trinh (nghệ sĩ Ngọc Trinh) thắng kiện, buộc Nhà hát kịch TP.HCM đền bù hơn 233 triệu đồng. Đây sẽ là một tiền đề tốt để các cuộc hợp tác giữa đơn vị nhà nước và tư nhân trong tương lai được chặt chẽ, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, con đường lấy lại tiền của Ngọc Trinh sẽ vô cùng gian nan.
1. Cũng như nhiều đơn vị văn hóa - nghệ thuật sống phụ thuộc chủ yếu vào kinh phí được nhà nước bao cấp, khoản tiền hơn 233 triệu đồng thật khó… để “cân đối”. Trong nhiều năm qua, Nhà hát Kịch TP.HCM sống chật vật với nguồn kinh phí được bao cấp, doanh thu bên ngoài rất èo uột, đôi khi phải bù lỗ cho những khoản chi ngoài ý muốn, nên việc cân đối thu chi hàng năm luôn gặp khó khăn. Nói cách khác, dù hợp đồng luôn có điều khoản đền bù nếu vi phạm, nhưng với Nhà hát Kịch TP.HCM hiện tại thì việc đền bù là bất khả thi.
Chính thực tế như vậy mà tòa xét đến cả phương thức đền bù có tính thiết thực hơn, đó là Nhà hát Kịch TP.HCM phải tạo điều kiện để nhóm kịch Ngọc Trinh diễn miễn phí mỗi cuối tuần một suất, kéo dài trong 1 năm, tương đương 52 suất. Nếu thiệt hại của Ngọc Trinh vẫn chưa được khắc phục hết, nhà hát phải tiếp tục để Ngọc Trinh mở thêm các suất diễn trong năm tiếp theo.
Đây là quyết định có thể nói “thấu tình đạt lý” trong tình hình hiện tại, nhưng con đường lấy lại tiền của Ngọc Trinh cũng sẽ vô cùng gian nan.
2. Hiện tại Ngọc Trinh chưa cho biết khi nào nhóm kịch của cô mới quay trở lại diễn ở Nhà hát Kịch TP.HCM, mà chỉ nói “tùy duyên”. Nếu quay lại, nhóm của Ngọc Trinh phải tái đầu tư nhiều khoản, trong đó có in bích chương, tờ rơi, cũng như tập luyện, chạy lại đường dây, dàn dựng sân khấu, chạy hậu đài…
Đây là chưa nói với khán giả, để “hâm nóng” và tạo sự thu hút sau 3 năm vắng bóng, nhóm kịch của Ngọc Trinh cũng phải đầu tư kha khá cho công tác truyền thông, quảng bá. Những khoản phát sinh này sẽ đội chi phí vở diễn lên cao hơn, khiến việc thu hồi vốn càng khó khăn.
Hơn nữa, tình trạng “bằng mặt chẳng bằng lòng” tất yếu sẽ xảy ra, bởi sai phạm giữa Nhà hát Kịch TP.HCM với Ngọc Trinh là chuyện giữa những con người cụ thể với nhau, nhưng ảnh hưởng đến uy tín, danh dự chung. Nay ông Khánh Hoàng (Giám đốc) đã về hưu, ông Trần Quý Bình (Phó Giám đốc) thì trực tiếp vi phạm hợp đồng, chưa biết hậu quả thế nào, những lãnh đạo mới của nhà hát liệu có dễ dàng chia sẻ với những sai phạm “có sẵn” này không? Nhóm của Ngọc Trinh liệu có cảm thấy thoải mái khi đến tập và diễn tại một nhà hát đã làm cho họ lao đao trong hơn 3 năm? Các nhân viên của nhà hát từ bán vé, tài chính, bảo vệ, hành chính… liệu có cảm thấy thoải mái sau vụ kiện thu hút nhiều báo đài?
Một phần đến từ cá tính chánh trực, một phần đến từ thực tế vụ kiện, nên sau khi nghe tòa tuyên chiến thắng, Ngọc Trinh hài lòng nhưng không quá vui mừng.
“Tôi kiện ra tòa không phải vì mục đích đòi lại tiền mà tôi muốn biết mình sai ở đâu? Hơn 3 năm qua tôi chịu rất nhiều sức ép, ngoài mất tiền còn bị anh em diễn viên hiểu lầm, dị nghị. Tôi rất hài lòng với quyết định này của tòa, danh dự của tôi đã được bảo vệ” - Ngọc Trinh cho biết.
“Hành trình” của con số 233 triệu đồng Tháng 11/2014, Ngọc Trinh chính thức kiện Nhà hát Kịch TP.HCM, đòi bồi thường 566.297.568 đồng. Sau vài lần trì hoãn, ngày 30/6/2017 phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra. Ngày 4/7, Ngọc Trinh xin rút bồi thường khoản tiền làm kịch Tết 2015 (20 triệu đồng). Ngày 7/7, Ngọc Trinh xin rút khoản bồi thường bù lỗ diễn viên là 96.038.000 đồng. Ngày 11/7/2017, sau khi bác bỏ những khoản chi không có chứng từ hợp lệ, Tòa án nhân dân quận 1 (TP.HCM) đã buộc Nhà hát kịch TP.HCM bồi thường cho Ngọc Trinh 233 triệu đồng. |
Như Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất