G-Dragon - Sứ giả hay anh hề Kpop?

19/09/2013 15:55 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - Nếu Kpop cần một biểu tượng, chọn G-Dragon khá chuẩn. Muốn được biết đến vì âm nhạc, nhưng lại nổi như cồn vì phong cách quái chiêu như Lady Gaga, với nam ca sĩ, đó là một cơ hội để tận dụng chứ chẳng phải điều đáng phật lòng.

Nghệ sĩ solo ấn tượng nhất Hàn Quốc hiện nay là G-Dragon (viết tắt), không phải Psy. Đến những người không biết gì về Kpop cũng tìm xem MV ca nhạc của anh vì nghe đồn vì sự quái chiêu của chúng. New York Times đã gọi GD vừa là sứ giả vừa là anh hề (chỉ phong cách thời trang lòe loẹt) của Kpop.

Album mới Coup D'etat (tiếng Pháp, nghĩa là "cuộc đảo chính") của GD vừa lọt vào bảng xếp hạng Billboard 200, ở vị trí thứ 182, được đánh giá "có lẽ là album Kpop đậm đặc chất Mỹ nhất".
Vài biến hóa hình ảnh của G-Dragon.
May mắn vì vẫn còn trẻ để lập dị

"Tốt hơn thì nên được công nhận nhờ âm nhạc trước, nhưng mọi người thích thứ đập vào mắt họ" – nam ca sĩ kiêm nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc nói với một tạp chí. "Nếu tôi đạt đến vị trí hiện nay nhờ gây chú ý như một biểu tượng thời trang, thì điều đó cho thấy tôi thông minh và biết dùng phong cách thời trang như một phương tiện để thu hút sự chú ý cho âm nhạc của mình".

Nghe tự tin pha chút ngạo mạn đúng kiểu G-Dragon – trưởng nhóm Big Bang kiêm ca sĩ solo thành công của Kpop. Nói về album mới ra, anh nói đã cố làm cho nó "lập dị một chút". Nhưng thực tế thì không chỉ là một chút.

"Tôi nghĩ công chúng thích tôi vì thế" – GD nói. "Phong cách lập dị thành công vì tôi vẫn còn trẻ. Nếu tôi già hơn thì chắc thất bại rồi. Dù sao, hiện giờ thì đây là phong cách của tôi". G-Dragon sinh năm 1988.

Giống Lady Gaga hơn là Justin Timberlake

G-Dragon sinh năm 1988, là trưởng nhóm Big Bang, nhóm nhạc nam hàng đầu Hàn Quốc hiện nay.

Anh từng sáng tác và sản xuất những hit lớn của Big Bang như Lies, Last Farewell, Haru Haru. Năm 2009, anh phảt hành album solo đầu tay Heartbreaker. Đầu năm nay, album solo thứ hai Coup D’Etat ra mắt. Cả hai đều thành công. Các hit riêng của G-Dragon: Heartbreaker, Breathe, The Leaders, One of a Kind, Crayon, Crooked...


Theo New York Times, với Coup D'etat, nam ca sĩ khẳng định mình như một nhân vật tiên phong cho Kpop. Nếu như Kpop là kiểu vinh quang tổng hợp, ít nhiều mang phong cách đồng phục (nhiều nhóm nhạc na ná nhau) thì G-Dragon nổi lên nhờ sự biến hóa của mình.

Trong các MV ca nhạc, anh thay đổi hàng loạt kiểu tạo hình khác nhau, lúc thì rất trẻ con, lúc lại cực kỳ quái dị. Tự tin và phô trương nhưng người xem lại bị hút mắt. Khi biểu diễn GD liên tục thay đổi quần áo. Anh thay đồ khoảng 20 lần trong một buổi diễn.

Sự độc đáo của GD thể hiện ở chỗ không có nam ca sĩ nào trong làng nhạc Mỹ có nhiều điểm tương đồng đủ để xếp cùng loại với anh. Gần nhất là Justin Timberlake, ở thời đỉnh cao của ’N Sync, nhưng họ khác nhau quá nhiều, về cả âm nhạc và thời trang.

Thực ra, so sánh G-Dragon với Lady Gaga, Kesha và Nicki Minaj có lý hơn. Tất cả đều rất "quái". Lý do New York Times đưa ra là: "Tất cả đều có bao bì phô trương ngang với chất lượng bên trong".

Nhưng, mặc dù khẳng định muốn gây ấn tượng bằng âm nhạc, G-Dragon chưa thực sự được đánh giá cao vì chất giọng mỏng. Anh rap mảnh khảnh và cần đến nhiều hiệu ứng kỹ thuật phòng thu, hát thì nghe mong manh chứ không hề dày dặn.

Trong mắt giới truyền thông Mỹ, G-Dragon là dạng nghệ sĩ đặt nhiều tâm trí vào phong cách hơn là âm nhạc. Với những kẻ bất tài thì đó chỉ là con đường đi rẻ tiền.

Nhưng với người không hề bất tài như GD thì đó lại là bản sắc, cũng như Lady Gaga ("Khi sáng tác một bài hát, tôi nghĩ ngay đến bộ đồ mình sẽ mặc khi biểu diễn nó"). Gọi G-Dragon là gì cũng được: sứ giả, anh hề, kẻ lập dị hay người tiên phong, vì anh vốn đa diện. Càng đi theo hướng đó, anh càng thành công.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm