ĐT Iran: Thành bại tại Carlos Queiroz

03/06/2014 09:04 GMT+7 | Bảng F

(lienminhbng.org) - 3 năm trước, khi nhận lời dẫn dắt ĐT Iran, Queiroz đã xác định sẽ phải thay đổi hẳn tư duy bóng đá của mình. Iran không thể và không bao giờ đạt tới đẳng cấp của Bồ Đào Nha.

Ở Bồ Đào Nha, cựu trợ lý HLV của Man United có những ngôi sao lớn như Ronaldo hay Moutinho nhưng ở Iran, ông không có một người như thế để xây dựng một lối chơi quanh anh ta. Tiền đạo gốc Hà Lan Ghoochannejhad là một điểm tựa nhưng anh không phải là ngôi sao.

Cũng chính bởi tính chất "bình dân hóa" ở Iran, Queiroz chấp nhận áp dụng một lối đá đơn giản cho đội bóng này. 3 năm gần đây, Iran chơi bóng dài và phát huy thế mạnh vốn có của họ là thể lực và chiều cao để giải quyết trận đấu. Những pha bóng điển hình của họ được khởi xướng từ phần sân nhà, như một trong hai trung vệ phất bóng thẳng lên hai cánh. Các cầu thủ chạy cánh nhận bóng, tìm kẽ hở để chuyền bóng vào trong và đột phá. Nếu không thành công, ngay lập tức, cả đội co về phòng thủ. Chiến thuật này từng giúp Iran hạ Hàn Quốc 1-0 ở chiến dịch vòng loại.

Dù chơi khá đơn giản nhưng Iran lại thu về hiệu quả cao nhờ bệ phóng hàng thủ. Dưới sự dẫn dắt của trung vệ Seyed Jalal Hosseini, bức tường phòng ngự trước khung thành của Iran luôn được củng cố. Mỗi cầu thủ của Iran đều thể hiện quyết tâm trong mỗi pha bóng. Khi cần thiết, họ sẽ làm mọi cách để đưa trái bóng ra xa vòng cấm của đội nhà. Lối đá theo kiểu "phá bóng" hơn là "chơi bóng" không thể phù hợp với những ĐT như Bồ Đào Nha nhưng lại cực hợp lý với những đội bóng nhỏ như Iran.

Nói như thế không có nghĩa là hàng thủ của Iran không có điểm yếu. Khi gặp một đối thủ có hàng tiền vệ chơi kĩ thuật, lối chơi của Iran sẽ sụp đổ vì họ không có những chuyên gia cầm bóng ở khu vực giữa sân. Khi bức tường phòng ngự từ xa không được củng cố cũng là lúc hàng thủ Iran bị rạn nứt. Trong những trận đấu gần đây, cụ thể nhất là trận hòa 1-1 trước Angola, Iran đã thua vì những pha đánh trung lộ điển hình của đối phương.

Dẫu sao, đưa Iran lọt tới vòng chung kết World Cup 2014 là một thành công lớn với Carlos Queiroz và tại Brazil tới đây, liệu người dân ở quốc gia châu Á này có thể mơ đến những kì tích với HLV người Bồ Đào Nha này?

Đội tuyển: Iran
Biệt danh: Team Mell
Thứ hạng FIFA: 37
 HLV: Carlos Queiroz
Đội trưởng: Javad Nekounam

Danh sách triệu tập:

Thủ môn: Daniel Davari (Eintracht Braunschweig, sinh năm 1988, 4 trận/0 bàn), Alireza Haghighi (Sporting Covilha,1988, 5/0), Rahman Ahmadi (Sepahan, 1980,10/0), Sousha Makani (Foolad Khuzestan, 1991, 0/0)

Hậu vệ: Khosro Heidari (Esteghlal, 1983, 48/0), Hossein Mahini (Persepolis, 1986, 21/0), Steven "Mehrdad" Beitashour (Vancouver Whitecaps, 1987, 6/0), Pejman Montazeri (Umm Salal, 1983, 21/1), Jalal Hosseini (Persepolis, 1982, 84/6), Amir Sadeghi (Esteghlal, 1981, 16/1), Mohammad Reza Khanzadeh (Zob Ahan, 1984, 17/1), Ahmad Alenemeh (Naft, 1982, 9/1), Hashem Beikzadeh (Esteghlal, 1984, 17/1), Ehsan Hajsafi (Sepahan, 1990, 61/2), Mehrdad Pooladi (Persepolis, 1987, 19/0).

Tiền vệ: Javad Nekounam (Al Kuwait, 1980, 139/37), Andranik Teymourian (Esteghlal, 1983, 78/8), Reza Haghighi (Persepolis, 1989, 7/0), Ghasem Hadadifar (Zob Ahan, 1983, 16/0), Bakhtiyar Rahmani (Foolad, 1991, 4/0), Alireza Jahanbakhsh (NEC Nijmegen, 1983, 6/1), Ashkan Dejagah (Fulham, 1986, 13/4).

Tiền đạo: Masoud Shojaei (Las Palmas, 1984, 49/5), Mohammad Reza Khalatbari (Persepolis, 1983, 60/5), Mehdi Sharifi (Sepahan, 1992, 2/0), Reza Ghoochannejhad (Charlton, 1987, 13/9), Karim Ansarifard (Persepolis, 1990, 41/9), Sardar Azmoun (Rubin Kazan, 1995, 2/0).


T.Giáp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm