10/04/2020 14:24 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp, Thái Lan đã ban hành lệnh giới nghiêm từ đầu tháng 4/2020. Được gọi là đất nước của nụ cười, điểm thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới, Thái Lan đang phải chịu nhiều hệ lụy xấu từ bệnh dịch và bóng đá nơi đây cũng chẳng là ngoại lệ.
Nói đến bóng đá, chưa có thông tin chính thức nào phát đi từ Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT), nhưng trong trường hợp đội tuyển quốc gia nước này không tham dự AFF Cup 2020, hoặc chỉ cử đội tuyển trẻ U23 đến với giải đấu có tuổi đời 25 năm, nó cũng sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu riêng của Việt Nam. Chúng ta đã và đang theo đuổi một lộ trình phát triển không giống với người Thái.
Theo tính toán cách đây 3 tuần, giải đấu số 1 Thái Lan và cũng là số 1 Đông Nam Á, Thai Premier League 2020, sẽ trở lại sau ngày 14/4/2020, sau khi họ làm chủ được dịch Covid-19. Nhưng, đến thời điểm này: "Chúng tôi còn nhiều việc phải làm và bóng đá chỉ được tính đến sau cùng vào lúc này", cựu trở lý đội tuyển Thái Lan dưới thời Kiatisuk Senamuang, Apisit, chia sẻ.
Trong vài năm qua, Thái Lan bắt đầu xuất khẩu cầu thủ rầm rộ trở lại, hệt như những năm đầu thế kỷ 21. Nhưng, khác với 20 năm trước, thị trường hướng đến của các ngôi sao bóng đá Thái Lan không phải là các giải VĐQG Đông Nam Á nữa, mà là Nhật Bản. Dễ hiểu, Thai Premier League đã vượt xa tầm khu vực, để được biết đến như một trong những giải đấu hấp dẫn nhất châu Á.
Nó khác với giai đoạn trước và sau 2007, thời điểm người Thái cải tổ Thai League và cho ra đời phiên bản Barcaly Premier League đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là lý do, từ siêu tiền đạo Dangda, đến "Messi J" Chanathip Songkrasin, rồi Theerathon Bunmathan…, non nửa đội hình chính của đội tuyển Thái Lan đang chơi bóng tại Nhật Bản, khi sân chơi trong nước trở nên chật chội.
Với cơ sở thông tin mà phóng viên Thể thao & Văn hóa có được, nói thật, bóng đá Thái Lan vẫn ở một tầm cao hơn Việt Nam, từ cơ sở hạ tầng, con người đến các vấn đề kinh tài. Từ 20 năm qua, họ thậm chí đã đặt mục tiêu tham dự FIFA World Cup. Nhiều CLB Thai Premier League (và Thai League trước đó) tiến sâu tại AFC Champions League và họ đã bỏ AFC Cup…
Thế nên, với tiềm lực sẵn có, người Thái sẽ trở lại nhịp đập nhanh hơn so với chúng ta, sau khi khoanh vùng và triệt tiêu được dịch Covid-19, với riêng địa hạt bóng đá. Đừng chờ đợi họ hành động, rồi chúng ta mới hành động, bởi thời gian 30 năm đủ dài để bóng đá Việt Nam phải đuổi bở hơi tai rồi. Đây là "thời cơ vàng" để chúng ta mở lối đi riêng và vượt qua họ.
Nếu luận thành tích các cấp độ ĐTQG trong khoảng 2-3 năm đổ lại, Việt Nam ăn đứt Thái Lan ở hàng loạt các hạng mục giải đấu, từ khu vực đến châu lục. Trong khuôn khổ vòng loại FIFA World Cup 2022, Thái Lan cũng không thể thắng Việt Nam sau 2 lượt trận đi/về… Và đó là tiền đề lý tướng để chúng ta không cần phải quá bận tâm đến người hàng xóm nữa.
AFF Cup được tổ chức 2 năm một lần và vẫn được biết đến như một giải đấu quan trọng nhất cấp độ ĐTQG trong khu vực. Trong nhiều năm, Thái Lan, rồi Singapore và thậm chí cả Malaysia thay nhau giữ các chức vô địch, cho đến khi Việt Nam lần thứ 2 tiếm đỉnh vinh quang vào năm 2018, thì cán cân bắt đầu trở nên cân bằng hơn. Nhưng, chúng ta thậm chí còn có mục tiêu cao hơn thế.
Người trong cuộc, ở đây là Phó chủ tịch VFF, đồng thời là quan chức cấp cao tại AFF và AFC - ông Trần Quốc Tuấn, khẳng định AFF Cup 2020 sẽ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, vào thời điểm này khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến cực kỳ phức tạp thì - Bao giờ bóng lăn trở lại và giải đấu có bị hoãn không, cũng không ai trả lời chính xác được.
Mà nếu bóng không lăn thì không còn chuyện riêng của người Thái nữa, mà của cả khu vực rồi! Còn nếu AFF Cup 2020 vẫn diễn ra và người Thái vì lý do nào đó không tham dự, thì đó cũng là chuyện của họ mà thôi.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất