Sự thật về các phương pháp giảm cân

02/09/2011 10:01 GMT+7 | Làm đẹp - Thời trang

Thời hiện đại, chuyện giảm cân, giữ dáng đã trở thành một ngành công nghiệp cực kỳ phát đạt. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện thực chất của tất cả những phương thức giảm cân đã có cho tới nay để bạn tự mình cân nhắc lợi, hại trước khi áp dụng.


Giảm cân - Ngành công nghiệp béo bở

Mỗi năm, khi mùa hè tới, gần như ai cũng có chung mong muốn là có một “body” thật “ngon lành” để có thể thoải mái, tự tin ra biển. Khát vọng này là động lực khiến cho công nghệ giảm cân chưa bao giờ thiếu những ý tưởng nhằm giúp mọi người vứt bỏ đi phần trọng lượng thừa.

Người ta đã phát mình ra chế độ “ngủ để có thân hình đẹp” vì rõ ràng, khi ngủ, bạn không thể ăn. Kinh khủng hơn, người ta còn nghĩ ra cách giảm cân bằng việc nuốt sán vì cho rằng, con sán sẽ giúp giảm cân bằng việc “chén sạch” thức ăn cũng như các chất dinh dưỡng trong dạ dày người. Tất nhiên, để áp dụng cách này, bạn phải “sẵn lòng” nuốt chửng những sinh vật ký sinh tương đối khó chịu!

Theo thời gian, rất nhiều chế độ ăn kiêng, phương thuốc và các chương trình luyện tập mới mẻ, kỳ lạ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu giảm cân chưa bao giờ chấm dứt. Phương pháp nào cũng hứa hẹn sẽ giúp mọi người giảm bớt cân nặng và có được vóc dáng “mi nhon”. Cùng với đó, ngành công nghiệp giảm cân kiếm lợi về mỗi năm hàng tỉ đô la và con số này hứa hẹn không dừng ở đó.

Theo công ty nghiên cứu thị trường MarketsandMarkets, tới năm 2014, ngành công nghiệp giảm cân sẽ đạt giá trị hơn 580 tỉ đô la Mỹ trên toàn thế giới. Cũng theo công ty này, thị phần thực phẩm và đồ uống sẽ chiếm phần lớn nhất trong sự phát triển đó. Ước tính, tới năm 2014, thị phần này đạt hơn 355 tỉ đô la trong tổng giá trị lợi nhuận của ngành công nghiệp giảm cân.

Dường như có một nguồn cung cấp vô tận những ý tưởng về việc làm thế nào để giảm cân. Có chế độ ăn kiêng hàm lượng carbonhydrate thấp, có chế độ ăn hàm lượng chất béo thấp, chế độ ăn hạn chế calo và cả chế độ ăn cho phép bạn chén thoải mái theo sở thích. Bên cạnh đó, lại có hàng ngàn loại thuốc giảm béo và các chương trình tập luyện khác nhau nữa. Vậy nếu là người muốn giảm cân, bạn cần bắt đầu từ đâu? Và chế độ nào sẽ là tốt nhất?

Nguyên lý luôn đúng: Năng lượng tiêu thụ phải nhiều hơn phần nạp vào

Theo các chuyên gia sức khỏe, không có một chế độ ăn kiêng nào có hiệu quả tuyệt đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, tất cả họ đều thống nhất ở một điểm: để giảm cân, nhất thiết bạn phải đốt cháy hoặc làm tiêu hao lượng calo nhiều hơn lượng bạn nạp vào cơ thể. Khi bạn thâu nạp lượng calo nhiều hơn nhu cầu thực tiễn của cơ thể, nó sẽ được tích lại và trở thành nguồn năng lượng thừa là mỡ.

Calo là đơn vị tính năng lượng có trong thức ăn. Chúng ta biết, 1 pound mỡ (khoảng 453g) tương đương với 3.500 calo. Để giảm lượng mỡ đó trong một tuần, bạn sẽ phải đốt cháy ít nhất ngần đó lượng calo hoặc ăn ít hơn mức này. Tất nhiên, cách tối ưu nhất vẫn là kết hợp cả hai phương pháp. Ăn ít hơn và tập thể dục nhiều hơn sẽ giúp bạn giảm cân tốt nhất.

Theo Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia của Mỹ, những phụ nữ nạp ít hơn 1.200 calo mỗi ngày sẽ không phải lo lắng về nguy cơ đau ốm. Cũng như vậy là khả năng giới hạn ít hơn 1.500 calo mỗi ngày ở nam giới. Tuy nhiên, còn một vấn đề nữa vẫn được tranh luận nhiều là cách tốt nhất để đáp ứng lượng calo mỗi ngày này.

Ít béo (low-fat) hay ít carbohydrate (low-carb)?

Trong rất nhiều năm, người ta vẫn cho rằng, chế độ ăn ít béo là cách tốt nhất để giảm cân. Một chế độ ăn gọi là ít béo khi người áp dụng nó chỉ nạp vào cơ thể dưới 30% trong tổng nhu cầu calo mỗi ngày từ chất béo.

BS Ornish là người đã phát minh ra một trong những chế độ ăn kiêng ít béo phổ biến nhất sau rất nhiều năm nghiên cứu cách kiểm soát bệnh tim. Những ý tưởng về chế độ ăn kiêng của ông được công bố lần đầu trên ấn phẩm y học The Lancet năm 1990. Chế độ ăn này sau đó đã rất phổ biến vào năm 1993 cùng với việc bác sĩ Ornish cho xuất bản cuốn sách “Ăn nhiều và ít tăng cân”.

Theo đó, bác sĩ Ornish đã nghiên cứu tác động của carbonhydrates, một trong những nguồn năng lượng quan trọng nhất với cơ thể chúng ta. Ông nhận thấy, người ta không cho rằng carbonhydrate là nguyên nhân của việc thừa cân mà chính chất béo mới là thủ phạm. Tuy nhiên, bác sĩ Ornish nêu ví dụ, một chiếc bánh khoai tây nướng không hề nhiều chất béo, nó chỉ rất béo khi người ta cho thêm kem chua và bơ vào.

Chế độ ăn kiêng của bác sĩ Ornish hạn chế lượng calo nạp vào cơ thể hàng ngày với lượng chất béo dưới 10%. Bên cạnh đó, người đi theo chế độ này cũng không sử dụng chất béo bão hòa hay cholesterol. Ông khuyến nghị mọi người nên nạp 75% lượng calo mỗi ngày từ nguồn carbohydrate và 15 - 20% lượng calo từ chất đạm.

Cũng giống như chế độ ăn kiêng ít béo, chế độ ăn của bác sĩ Ornish khuyên mọi người nên ăn các loại ngũ cốc toàn hạt, hoa quả và các loại rau, đậu. Ông cho rằng, mọi người nên tránh tất cả các loại thịt và thực phẩm làm từ thịt, đồng thời tránh xa dầu ăn và các loại hạt. Chế độ ăn này không giới hạn lượng calo bạn ăn nhưng nếu ăn các thực phẩm theo cách nó khuyến cáo sẽ giúp bạn giảm lượng calo nạp vào.

Chế độ ăn của bác sĩ Ornish đã tỏ ra có hiệu quả với nhiều người. Tuy nhiên, những ý kiến phản biện cho rằng, chế độ này khiến người ta ăn quá nhiều carbohydrates trong khi lại hạn chế nguồn calo từ chất béo. Thêm vào đó, những thay đổi trong thói quen ăn uống khi áp dụng chế độ ăn kiêng của Ornish cũng không dễ tuân thủ với không ít người muốn theo đuổi.

Không giống chế độ ăn kiêng của bác sĩ Ornish, các chế độ ăn ít carbohydrate lại hạn chế nguồn thực phẩm có hàm lượng carbohydrate cao. Chúng khuyên người ta nên tránh các loại thực phẩm làm từ bột mỳ trắng, mỳ ống, gạo, khoai tây và các thực phẩm nhiều đường. Cùng với đó, các chế độ ăn kiêng loại này lại khuyên người ta nên ăn nhiều thực phẩm giàu đạm và chất béo như thịt, cá, gà, trứng, pho mát và các loại hạt.

Trong số rất nhiều chế độ ăn kiêng ít carbohydrates, chế độ ăn của Atkins đưa ra phổ biến hơn cả. Theo chế độ này, bạn chỉ nên ăn ít hơn 20 gr carbohydrate mỗi ngày. Lượng carbohydrate sẽ được tăng dần từ 40 đến 100 gr để giảm trọng lượng.

Cả hai phương án giảm cân nói trên (ít béo và ít carbohydrates) đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều năm qua. Nhưng chưa có phương án nào được chứng minh là tối ưu nhất. Ba năm trước, một nghiên cứu đăng tải trên tờ New England Journal of Medicine cho biết, người ta nhận thấy chế độ ăn kiêng ít carbohydrates (low-carb) tỏ ra hiệu quả nhất trong việc giúp giảm cân. Nghiên cứu này do các nhà nghiên cứu tại Brigham và Bệnh viện phụ nữ ở Boston cùng Đại học Ben Gurion của Israel tiến hành.

Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét trên 300 bệnh nhân béo phì có áp dụng một trong 3 chế độ ăn kiêng là chế độ ăn ít béo (low-fat), chế độ ăn ít carbohyrates (low-carb) và chế độ ăn kiêng Địa trung hải, tức là chỉ ăn hoa quả, rau, các thực phẩm cung cấp đạm không mỡ (lean protein), dầu ôliu và các loại hạt.

Tuy nhiên, một năm sau đó, một nghiên cứu tương tự được công bố sau khi xem xét trên hơn 800 người tham gia. Nghiên cứu này nhận thấy, chế độ ăn kiếng ít béo và chế độ ăn kiêng nhiều chất béo đều có tác dụng tương đương trong việc duy trì tình trạng giảm cân trong thời gian hai năm.

Theo đó, các nhà nghiên cứu kết luận, điều quan trọng nhất với mọi chế độ ăn kiêng là người tham gia phải kiên trì áp dụng. Và tất nhiên, lượng calo bạn tiêu thụ vẫn phải nhiều hơn lượng bạn nạp vào, bất kể việc bạn lựa chọn thực phẩm loại nào.

Giải phẫu thẩm mỹ

Trên thực tế, có một số người không thể giảm cân nhờ chế độ ăn kiêng và tập luyện, bất kể họ đã cố gắng thế nào. Tất nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người chẳng thể chịu đựng được sự “kham khổ” trong ăn uống vì cái đẹp. Rất nhiều trong số họ đã lựa chọn giải phẫu thẩm mỹ để đạt được trọng lượng mong muốn.

Một trong những giải pháp phẫu thuật để giảm cân là giảm bớt kích cỡ dạ dày. Đây là cách người ta chia dạ dày thành hai phần với một phần nhỏ ở phía trên. Những người trải qua phẫu thuật này sẽ buộc phải ăn ít hơn vì phần trên dạ dày của họ sẽ bị “đầy” rất nhanh, theo đó, cảm giác no cũng chóng tới dù họ chỉ ăn rất ít.

Các nghiên cứu cho thấy, hầu hết những người áp dụng giải pháp thắt dạ dày kiểu này đều có thể giảm một nửa phần trọng lượng thừa trong năm đầu tiên sau phẫu thuật. Tuy nhiên, phần lớn họ sẽ trở lại trọng lượng như cũ trong khoảng từ 3 - 5 năm tiếp đó.

Một nghiên cứu mới đây cũng đưa ra những kết quả tương tự với phương pháp phẫu thuật giảm cân phổ biến khác là hút mỡ. Hút mỡ là phương pháp giải phẫu thẩm mỹ được ứng dụng rộng rãi ngay từ năm 1970. Cách này giúp cải thiện dáng vóc đáng kể nhờ việc loại bỏ phần mỡ thừa khỏi một số bộ phận nhất định trên cơ thể như dạ dày, eo, hông, đù, cổ và cánh tay. Theo Hội phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế của Mỹ, hút mỡ là giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, mới đây, các nhà nghiên cứu y khoa thuộc Đại học Colorado nhận thấy, tác dụng của giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ này cũng không kéo dài. Theo đó, những người được hút mỡ thường sẽ tăng cân trở lại trong khoảng 1 năm sau phẫu thuật. Và mỡ sẽ lại tái xuất hiện ở những vùng khác trên cơ thể như bả vai, cánh tay và phần ức. Theo các nhà nghiên cứu, đây cũng là một lý do nữa khiến bạn cần phải phòng ngừa chứng béo phì trước khi chúng thực sự xuất hiện.

Theo VOANews

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm