22/10/2021 08:27 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Theo thông tin từ gia đình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng qua đời hồi 6 giờ 5 phút sáng 21/11/2021 tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng thọ 104 tuổi.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng (sinh năm 1918 tại Hà Nội) bắt đầu cầm máy từ năm 18 tuổi và say mê với nghệ thuật nhiếp ảnh từ đó. Trong kháng chiến chống Pháp, Lê Vượng làm việc tại Thanh Hóa và ghi chép các tư liệu về chiến tranh Đông Dương bằng ảnh.
Từ năm 1954, ông làm biên tập ảnh và sáng tác ảnh tại Nhà xuất bản Mỹ thuật Âm nhạc. Năm 1962, khi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được thành lập, ông trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của bảo tàng với nhiệm vụ chụp ảnh, ghi tư liệu về mỹ thuật, kiến trúc cổ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Năm 1985, ông nghỉ hưu, tiếp tục công việc sáng tác ảnh và tham gia các hoạt động của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
Trong khoảng 80 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã lao động miệt mài trên khắp nẻo đường và tạo ra một “gia tài” đồ sộ không chỉ những bức ảnh về cảnh sắc, văn hóa truyền thống, đời sống con người nước Việt mà còn của bao vùng đất trên thế giới mà ông đã có dịp đặt chân qua. Bộ ảnh Những sắc màu dân tộc là một minh chứng. Nó được ông thực hiện trong gần 10 năm, với hơn 70 bức ghi lại những nét riêng độc đáo của 54 dân tộc Việt.
Năm 2016, ở ngưỡng “bách niên” ông được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN tổ chức). Phát biểu nhận giải, Lê Vượng xúc động: “Tôi thấy đất nước mình quá đẹp và với tình yêu Hà Nội, tôi không thể dừng chụp ảnh”.
Năm 2018, Lê Vượng bước sang tuổi 100. Ông vinh dự là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được Thành phố Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú.
Yêu Hà Nội thì rõ, có cả một kho ảnh về Hà Nội như ông cũng không phải mấy người, nhưng để “ghi danh” tình yêu ấy trong lòng công chúng hẳn rằng không dễ. Lê Vượng bảo rằng chụp ảnh cũng là cuộc săn tìm, chờ đợi khoảnh khắc mà chỉ bền bỉ chưa đủ, cần cả niềm đam mê.
Với những cống hiến không biết mệt mỏi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng đã được Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) trao tước hiệu A.FIAP.
Bên cạnh đó, trong suốt sự nghiệp sáng tác, ông cũng được tôn vinh ở nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải thưởng Bifota (Đức) trao cho tác phẩm Đôi bàn tay khéo năm 1967; giải Nhì triển lãm ảnh tại Liên Xô năm 1972 với tác phẩm Nghệ nhân Song hỉ thêu tranh năm 1972; Giải ACCU (Nhật) năm 1984 trao cho tác phẩm Hội Đền Hùng; huy chương bạc FIAP 1996 với tác phẩm Lòng đất...
Ảnh của nghệ sĩ Lê Vượng có mặt tại nhiều triển lãm ở nước ngoài như tại Rumani các năm 1967, 1971, 1973, 1975, 1977; tại Pháp năm 1971, 1972; tại Ba Lan năm 1975; tại Malaysia năm 1979; tại Liên Xô (cũ) năm 1980; tại Nhật Bản năm 1984; tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 1993; tại Mỹ năm 1994; tại Hồng Kông (Trung Quốc), Pakistan, Canada năm 1997, tại Pháp năm 1998...
Tác phẩm của NSNA Lê Vượng luôn có tố chất riêng, khó trộn lẫn với bất cứ tác giả đương thời nào. Ảnh của ông không chỉ ghi lại một khoảnh khắc mà còn chất chứa rất nhiều yếu tố hội họa.
Những tác phẩm chụp Hà Nội cũ, Lê Vượng thường hướng góc máy vào những mái nhà phố cổ, một cành cây, một đường tàu điện cắt ngang phố...
Cảnh có vẻ tĩnh tại, nếu chỉ nhìn qua hình thức. Song nếu quan sát kỹ, ngoài những giá trị tư liệu quý về kiến trúc, những bức ảnh còn khơi gợi nhiều đường nét hài hòa của hình khối, của cảm xúc tạo hình trong mỹ thuật.
Tang lễ nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng sẽ được cử hành vào ngày thứ Tư (27/10) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 đến 8h30. Lễ truy điệu và di quan từ 8h30 đến 9h. Hóa thân và an táng tại nghĩa trang Thiên Đức, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
***
Dưới đây là một số hình ảnh về nhà nhiếp ảnh Lê Vượng tại triển lãm ảnh "10 năm - Vì Tình yêu Hà Nội" do báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã diễn ra đầu tháng 8/2017 ở Phố đi bộ Hồ Gươm, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội.
Hoài Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất