Chuyện một cây cầu biên giới

01/01/2015 15:01 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Hơn bốn thập niên, có một cuộc chiến về ý thức hệ và không đượm nhiều khói súng, cũng không hề được hai phe tuyên bố, do vậy nó tên là Chiến tranh Lạnh. Nhưng không vì thế mà nó đỡ tàn khốc hơn mọi xung đột vũ trang khác. Một vài khủng hoảng đã đẩy thế giới tới sát bờ vực thảm họa hạt nhân. Không nơi nào chứng kiến các biểu hiện Chiến tranh Lạnh như ở nước Đức cắt đôi, nơi những lực lượng đồng minh một thời sát vai chiến thắng Hitler, sau này chỉ còn gặp nhau giữa một cây cầu...   

Cầu Glienicke vắt ngang dòng sông Havel thơ mộng có lẽ là địa danh nổi bật nhất bên cạnh Checkpoint Charlie, cửa khẩu dành cho nhân viên quân sự và ngoại giao giữa Đông và Tây Berlin. Ở chính giữa cầu có một vạch sơn trắng, thoạt trông có vẻ hiền lành song lại là cái lỗ thông nhỏ xíu trong bức màn sắt, nơi đụng đầu giữa NATO và khối Hiệp ước Warszawa từ năm 1961 ­- thời điểm bức tường Berlin được dựng lên. Và thế là cầu Glienicke đồng thời cũng là biểu tượng cho sự chia cắt nước Đức.

Từ cây cầu “săn hươu”

Từ thế kỷ 17 đã có cây cầu, mang tên trang trại địa phương, ban đầu làm bằng gỗ khá thô sơ và chỉ dùng để nối liền khu lâu đài với rừng săn hươu bên kia sông. Khi xe ngựa chở bưu kiện và hành khách ngày càng đông, 100 năm sau Nhà nước Phổ đã dựng cầu đá với trạm thu phí. Bất chấp làn sóng phản đối, cuối năm 1906 một cây cầu thép với diện mạo gần giống hôm nay được khởi công để đáp ứng nhu cầu của lượng xe gắn động cơ ngày một đông đảo.  

Cuối tháng 4/1945, trong những ngày tàn của đế chế Đức quốc xã, giữa Hồng quân Liên Xô và quân Đức có một thời gian tạm ngưng chiến và cây cầu bị trúng đạn xe tăng ở vài điểm ít quan yếu. Dù vậy, khi Hội nghị Potsdam của các quốc gia đồng minh về phân chia nước Đức bắt đầu ở lâu đài Cecilienhof (Potsdam), công binh Liên Xô vẫn phải dựng cầu phao cho phái đoàn Liên Xô đến từ Berlin.


Cầu Glienicke lịch sử

Nước CHDC Đức ra đời dưới sự bảo trợ của Liên Xô, khu vực Tây Berlin và một phần Potsdam phía đầu kia cầu nằm trong tay Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Từ năm 1953 đến khi tái thống nhất nước Đức, cầu Glienicke không còn được sử dụng cho giao thông dân sự nữa. Xét như vậy thì kỳ thực nó cũng chỉ là một giai thoại nho nhỏ trong lịch sử nhiều đứt đoạn của nước Đức.          

Từ khi có xã hội loài người thì cũng có bí mật, và có cả nỗ lực của người này muốn dò la bí mật của người kia, dù với lý do kinh tế, quân sự hay chính trị. Khác với hôm nay, khi kỹ nghệ đạt đỉnh cao và mở ra nhiều khả năng mới, công tác đó ngày xưa đòi hỏi nhiều người thật làm việc thật trên địa bàn thật, với muôn vàn rủi ro rình rập. Và đó là giờ tỏa sáng của James B.Donovan, một cựu điệp viên Mỹ.

Đến chuyện một điệp viên Mỹ

Donovan hồi Thế chiến 2 là điệp viên trong mạng lưới quân báo Office Of Strategic Services Hoa Kỳ (Cục Tình báo chiến lược - OSS). Sau khi giải ngũ ông mở văn phòng luật sư, và với bệnh nghề nghiệp ông chuyên bào chữa cho các vụ liên quan đến quan hệ Đông-Tây. Ở công việc đó, Donovan đã cứu mạng một tình báo viên thượng thặng của Liên Xô khỏi ghế điện: Vilyam Genrikhovich Fisher (hay Rudolf Ivanovich Abel). Và nếu không rõ bối cảnh thì ai cũng cho đây là một đặc vụ 007 trong phim tình báo.

Rudolf Abel là một sĩ quan KGB cao cấp, nói thạo tiếng Ba Lan, Đức và Anh. Năm 1919 ông thi đậu Đại học London và trở thành công dân Anh. Sau đó ông di cư về Liên Xô và làm nhân viên điện đài của Hồng quân trong Thế chiến 2. Được gia nhập tổ chức công an mật GPU, tức tiền thân của KGB, Abel thâm nhập quân đội Đức và cung cấp nhiều tin tức giá trị cho Hồng quân. Sau chiến tranh ông dùng hộ chiếu của một công dân Mỹ chết bệnh ở Liên Xô để cư trú ở Mỹ, giả hành nghề chụp ảnh và họa sĩ mỹ thuật tại một xưởng họa ở quận Brooklyn (New York) với tên Emil Goldfus. Trong vòng 9 năm, Abel gây dựng được một mạng lưới tình báo trải rộng khắp nước Mỹ, Brazil, Argentina và Mexico. Năm 1957 ông bị một nhân viên đào ngũ chỉ điểm và bị kết án tử hình vì tiết lộ bí mật về bom nguyên tử của Mỹ. Luật sư của Abel là Donovan đệ đơn kháng cáo.     

Luận cứ áp đảo của Donovan đã khiến hội đồng thẩm phán tâm phục khẩu phục: “Rất có thể trong tương lai sẽ có một điệp viên ngang hàng của Mỹ bị sa lưới Liên Xô, lúc đó Hoa Kỳ sẽ quan tâm đến khả năng trao đổi tù binh”. Mùa Thu năm 1957 Abel được giảm án xuống 47 năm tù. Đầu năm 1961 Donovan qua Đông Berlin đàm phán với luật sư Wolfgang Vogel của CHDC Đức về vụ chuộc lại phi công Mỹ Gary Powers bị bắn rơi khi do thám Liên Xô với chiếc phi cơ U2.

Sáng sớm ngày 10/2/1962

Hai người đàn ông đứng tuổi chậm rãi đi bộ qua cầu. Chẳng có gì đang chú ý - nếu như cây cầu không có tên là Glienicke và hai người đàn ông không là nhân viên CIA Gary Francis Powers và thượng tá tình báo KGB Rudolf Ivanovich Abel. Về danh chính ngôn thuận họ đều là tù nhân, và sẽ được tự do khi đồng thời bước qua vạch trắng giữa cầu, một người về hướng Tây còn người kia trực chỉ phía Đông.  

23 năm sau, hai tổ chức tình báo lại gặp nhau ở đây - ít nhất là như dư luận được biết. Ngày 11/6/1985 diễn ra cuộc đổi chác với 23 nhân viên CIA bị bắt ở Đông Đức và Ba Lan, chuộc lại 4 tình báo Đông Âu.     

Chưa đầy một năm sau, 11/2/1986, hai phe Chiến tranh lạnh giao dịch tù nhân lần cuối. Anatoly Borisovich Sharansky, một người Nga gốc Do Thái, cùng 3 gián điệp Tây Âu được đưa qua cầu Glienicke sang Tây Berlin, đổi lấy một chuyên gia máy tính Liên Xô và 3 nhân viên tình báo khác.    

Chừng ấy tư liệu mà không được Hollywood để mắt mới lạ: năm 1965 phim Điệp viên từ xứ băng giá (The Spy Who Came In From The Cold) với kịch bản của John Le Carre được đề cử giải Oscar, và năm 2015 tài tử Tom Hanks sẽ sắm vai Gary Powers trong phim St.James Place của Steve Spielberg để đưa cây cầu lịch sử lên màn bạc lần nữa.

Năm 2015 tài tử Tom Hanks sẽ sắm vai Gary Powers trong phim St.James Place của Steve Spielberg để đưa cây cầu lịch sử lên màn bạc lần nữa.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm