Người dân cần làm gì để phòng, tránh bệnh bạch hầu?

09/07/2024 11:27 GMT+7 | Tin tức 24h

Bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp khi tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhân tử vong và tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) ghi nhận một trường hợp mắc bệnh có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong trên. 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Bắc Giang yêu cầu khẩn trương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ bệnh bạch hầu. Hiện ngành Y tế hai địa phương trên đã huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh…

Tìm hiểu về bệnh bạch hầu và phương thức truyền bệnh

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng mũi họng cấp tính, gây ra bởi một trực khuẩn ái khí, gram dương có tên là Corynebacterium tấn công vào niêm mạc vùng mũi họng. Vi khuẩn này tạo nên một loại giả mạc trắng dai, bám chặt và lan nhanh ra bao phủ toàn bộ lớp niêm mạc của đường hô hấp. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi, gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.

Theo các chuyên gia y tế, có hai nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân bạch hầu đó là: Độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu tấn công vào các tế bào vật chủ, ngăn cản sự tổng hợp chuỗi Protein và gây chết tế bào; giả mạc vùng họng bít lấp đường thở.

Người dân cần làm gì để phòng, tránh bệnh bạch hầu? - Ảnh 1.

Khu vực cách ly tại chỗ tại phòng trọ chị M.T.S. Ảnh: TTXVN phát

Về phương thức truyền bệnh: Trực khuẩn bạch hầu có dạng hình que, sắp xếp thành đám, 2 đầu của trực khuẩn màu tím, giống hình chùy. Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên trên hoặc gần bề mặt của màng nhầy của cổ họng. Do đó, bạch hầu lây chủ yếu qua đường dịch tiết.

Lây truyền trực tiếp: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.

Lây truyền gián tiếp: Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng từ cốc uống nước chưa rửa của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với các giấy ăn mà người bệnh đã sử dụng.

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng.

Biến chứng: bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.

Bệnh đã có vaccine và kháng sinh đặc hiệu để phòng và điều trị. Sau tiêm vaccine liều cơ bản, miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nên cần được tiêm nhắc lại.

Những khuyến cáo với người dân

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Người dân cần làm gì để phòng, tránh bệnh bạch hầu? - Ảnh 2.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa kiểm tra tình hình sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu cao. Ảnh: TTXVN phát

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu quan trọng và hiệu quả nhất

Bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh. Miễn dịch sau tiêm vaccine liều cơ bản có thể kéo dài được vài năm và giảm dần theo thời gian nên cần tiêm nhắc lại.

Tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu quan trọng và hiệu quả nhất.

- Đối với trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng:

+ Tiêm 3 mũi cơ bản vaccine có chứa thành phần bạch hầu nguyên liều (thường kết hợp trong vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1). Trong đó:

Mũi 1: lúc 2 tháng tuổi;

Mũi 2: lúc 3 tháng tuổi;

Mũi 3: lúc 4 tháng tuổi.

Người dân cần làm gì để phòng, tránh bệnh bạch hầu? - Ảnh 4.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh cho người dân. Ảnh tư liệu: Minh Quyết – TTXVN

+ Tiêm 3 mũi nhắc lại, trong đó:

Mũi 4: tiêm vaccine có thành phần bạch hầu nguyên liều, lúc 18 - 24 tháng tuổi;

Mũi 5: tiêm vaccine có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 4 - 7 tuổi;

Mũi 6: tiêm vaccine có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 9 - 15 tuổi.

- Đối với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng:

+ Tiêm 3 mũi cơ bản vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vaccine bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều). Trong đó:

Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt;

Mũi 2 tiêm cách mũi 1 tối thiểu 4 tuần;

Mũi 3 tiêm cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng.

+ Tiêm 2 mũi nhắc lại vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vaccine bạch hầu nguyên liều hoặc vaccine bạch hầu giảm liều). Các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.

An Ngọc/TTXVN/ Bộ Y tế

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm