04/12/2015 11:05 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Ở một nền bóng đá mà truyền thống vinh quang chủ yếu được hun đúc bằng những trận đấu và giải đấu giao hữu thì một U21 Hoàng Anh Gia Lai được ái mộ nhất là điều đương nhiên. Dưới đây là cuộc trao đổi của Cà phê Thể thao với nhà báo Phạm Tấn.
+ Ông chủ quán: Các CĐV có mặt trên sân Thống Nhất cho thấy họ yêu U21 HAGL hơn là U21 Báo Thanh Niên. Họ đã sai?
-Nhà báo Phạm Tấn: Ai là người có đủ thẩm quyền phán quyết rằng họ đã sai? Tôi nghĩ là không ai trong số chúng ta có thể có cái quyền ấy. Vì người hâm mộ nói tiếng nói của tình yêu. Chỉ có thể nói họ đúng hay sai nếu như họ cổ vũ mà phạm luật.
+ Nhưng U21 HAGL chỉ là một câu lạc bộ.
-Điều quan trọng là U21 HAGL đã xây dựng thành công đội bóng với thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh trở thành một đội bóng mang tính quốc gia khi xét về sự phân bổ cổ động viên. Với họ, tính địa phương không còn nữa. Họ có người hâm mộ ở khắp nơi. Nhiều người ở các thành phố, tỉnh có các đại diện tham dự V-League đã cổ vũ cho Công Phượng, Tuấn Anh thay vì đội bóng của địa phương mình. Trong khi ấy, cầu thủ quen thuộc nhất của U21 Việt Nam là Duy Mạnh, một cầu thủ không có gì nổi trội và không hot trong cách tiếp cận của truyền thông.
Xét ở mức độ nào đó, U21 báo Thanh niên đá với U21 HAGL cũng giống như một đội bóng của Việt Nam chơi một trận giao hữu với một CLB nước ngoài nào đó mà họ có fan hâm mộ ở Việt Nam. Có thể là cọc cạch, nhưng hãy ví như là Arsenal tới Việt Nam đi, những người tới sân là những người Việt nhưng lại có trong mình dòng máu của một pháo thủ (nghĩa bóng). Và họ sẽ cổ vũ cho Arsenal nhiều hơn là cổ vũ cho đội tuyển.
+ Nhưng chúng ta cần phải nhìn lại với nhau rằng tất cả những gì diễn ra ở U21 Báo Thanh Niên chỉ là một giải mời. Tôi đi xem các giải mời chỉ cho vui.
- Một giải mời thì khách mời họ có thể chơi với tâm lý của những vị khách, không sức ép, thậm chí không động lực. Chúng ta không cho rằng Việt Nam đá với Brunei là cơ hội để cọ xát tích lũy. Thì Hàn Quốc, Nhật Bản cũng không coi đá với Việt Nam là dịp để học hỏi và tiến bộ. Giao hữu không phải là chuẩn mực để đánh giá, đo đạc. Nhưng tôi vẫn thấy rằng có hai vấn đề được rút ra và đều tích cực: Người ta không còn khẳng định rằng sau chiến tích này của U21 HAGL thì các cầu thủ của bầu Đức sẽ san phẳng Đông Nam Á, tiến thẳng lên tầm châu lục.
Các CĐV đã dành tình cảm đặc biệt cho các cầu thủ U21 HAGL tại giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên 2015. Ảnh: Phương Nam
Đó là bài học đã rút ra được từ giải năm ngoái. Bầu Đức lúc ấy khi thấy quân của ông vô địch giải U21 Báo Thanh Niên đã tuyên bố HAGL sẽ vô địch V-League với lứa cầu thủ hiện tại. Và thực tế là họ vất vả trụ hạng cùng với sự đánh đổi là cuối mùa phải trảm HLV Graechen, một người không chỉ là thày của các cầu thủ ở đó mà còn là một biểu tượng, để đổi vận.
Sự tỉnh ngộ luôn cần phải có một cái giá, sự trải nghiệm. Còn vấn đề thứ hai là niềm vui. Xét cho cùng, khi bóng đá đã không nặng nhẹ chuyện thành tích, thì cứ đá đẹp là thành công. Khán giả họ chỉ trông chờ U21 HAGL chơi đẹp, có những bàn thắng đẹp mà truyền thông hào phóng gọi là siêu phẩm, và nếu chiến thắng nữa, thế là thoả mãn.
+ Chúng ta cũng từng có những kỳ tích đá giao hữu, trước các đối thủ sừng sỏ hơn.
- Truyền thống đá giao hữu của bóng đá Việt có từ lâu rồi. Từ năm 1995, chúng ta có hẳn hai giải giao hữu là Cúp Độc lập và Cúp bóng đá TP HCM. Nếu ai có nhớ, những cảm xúc thăng hoa mà đội tuyển do ông Tavares huấn luyện tạo nên thì đó chính là sự kiện xảy ra ở Cúp Độc lập 1995. Rồi một thời gian sau, Cúp Độc lập không được duy trì.
Và truyền thống giao hữu với những sân vận động kín đặc khán giả, đội tuyển tham dự và vô địch, tạo nên cơn sốt kèm theo khát vọng sẽ vô địch khu vực trở lại từ giai đoạn 2003. Chúng ta có JVC Cup rồi Agribank Cup. U23 Việt Nam từng vô địch ở giải đấu có khách mời từ Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia. Các đội tuyển Việt Nam từng đá với Iran, Turkmenistan và cả những Porto B, Barca B, các CLB mạnh của Brazil. Và những trận đấu ấy cũng ngất ngây. Thành tích của U21 HAGL như thế xem cũng không phải là ghê gớm nhất.
Nhưng phải nhắc tới một điều: Giai đoạn ấy, chúng ta thắng nhiều giải giao hữu quá nhưng đến khi tham dự giải thật thì thất bại, và đó là lúc người ta bắt đầu chán với điệp khúc thử kêu đốt xịt vẫn được gắn cho các đội tuyển, nhất là dưới thời của HLV Alfred Riedl.
+ Vậy, tương lai của U21 HAGL là gì?
-Đấu trường mà họ thành công nhất cho tới lúc này là các giải giao hữu. Và cũng có một phần để nói rằng đó là đội bóng thử kêu đốt xịt. Họ khi là nòng cốt của U19 Việt Nam đã để vuột mất khỏi tầm tay suất tham dự U20 thế giới khi nằm chung bảng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nỗi buồn ấy rất lớn, nhưng giờ thì họ bù đắp lại cho những người yêu mến bằng thành tích ở giải U21 quốc tế báo Thanh Niên.
Nếu bầu Đức từ đây hiểu được rằng, các cầu thủ của ông không được tạo cơ hội để làm trụ cột ở U23 Việt Nam đi tìm vàng SEA Games, thì sứ mệnh của họ sẽ là tạo ra những niềm vui ở các giải giao hữu. Đó cũng là truyền thống của bóng đá Việt Nam!
Trong bài viết có một chi tiết không chính xác: Bản gốc là: " Họ khi là nòng cốt của U19 Việt Nam đã để vuột mất khỏi tầm tay suất tham dự U20 thế giới khi thua U19 Myanmar. Xin đính chính lại thành: "Họ khi là nòng cốt của U19 Việt Nam đã để vuột mất khỏi tầm tay suất tham dự U20 thế giới khi nằm chung bảng với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc". |
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất