12/06/2013 13:34 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Vụ rò rỉ thông tin liên quan tới chương trình giám sát điện thoại và internet mang tên Prism của tình báo Mỹ đã gây sốc cho dư luận nước này và thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Người làm lộ ra chương trình Prism, được một nửa luồng ý kiến cho là người hùng bảo vệ tự do, trong khi nửa còn lại gọi anh là kẻ phản quốc.
Đời tư kín tiếng
Là người đề cao sự riêng tư và biết rõ về an ninh mạng nên không lạ khi thấy anh để lại rất ít dấu vết cá nhân trên mạng internet. Cho tới nay hầu như những gì liên quan tới cá nhân Snowden xuất hiện trên báo chí đều do anh cung cấp.
Theo đó, Snowden sinh ngày 21/6/1983, lớn lên ở Wilmington, Bắc Carolina và sau đó dọn tới thành phố Ellicott, Maryland. Snowden chưa tốt nghiệp trung học và một trường cao đẳng cộng đồng ở địa phương nói rằng anh vẫn chưa có bằng tốt nghiệp dù có 6 năm lúc học lúc nghỉ tại đây.
Edward Snowden, người đứng sau bê bối tình báo lớn và mới nhất của Mỹ |
Các hàng xóm cũ mô tả Snowden là người bặt thiệp nhưng giữ khoảng cách. "Anh ta không thân thiện lắm, chẳng mấy khi nhìn người khác. Anh ta thường chỉ chào một câu và thế là hết chuyện" - một hàng xóm nói.
Snowden có thời gian ngắn xin đi lính trong Lục quân Mỹ. Anh tham gia vào một đơn vị lính đặc nhiệm. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy anh đã xuất ngũ chỉ 5 tháng sau khi vào đơn vị này hồi năm 2004, lúc chưa hoàn tất việc huấn luyện. Anh cho Guardian biết rằng mình đã gãy cả hai chân sau một tai nạn huấn luyện.
Đánh đổi tất cả vì sự thật
Nhưng từ sau tai nạn này, có vẻ cuộc sống của Snowden đã thay đổi. Từ chỗ làm một nhân viên bảo vệ, anh được tuyển dụng làm kỹ thuật viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Tới năm 2007, anh đã được gửi tới Geneva, Thụy Sĩ, dưới một lớp vỏ bọc ngoại giao và được chứng kiến hoạt động của các điệp viên Mỹ. Anh nói rằng việc một lần chứng kiến CIA giăng bẫy và tuyển dụng một ông chủ ngân hàng thành người cung cấp tin đã khiến cho bản thân hứng thú hơn với nghề tình báo.
Nhưng khi sự nghiệp thăng tiến trong hoạt động tình báo, Snowden dường như càng lúc càng bất mãn với chính quyền mà anh phục vụ. Anh bỏ phiếu cho một ứng cử viên nhỏ trong cuộc bầu cử Tổng thống 2008 thay vì bỏ cho Tổng thống Barack Obama. Năm 2012, anh lại quyên tiền những hai lần cho Ron Paul, ứng cử viên Tổng thống thuộc phe Cộng hòa đã thường xuyên chỉ trích chính sách ngoại giao Mỹ.
Không ít người đã lên tiếng ca ngợi Snowden là anh hùng, đòi Nhà Trắng tha bổng cho anh |
Vào tháng 5 năm nay, Snowden đã bắt đầu công khai các bí mật khi liên lạc với một phóng viên tờ Washington Post, sử dụng bí danh Verax - người kể lại sự thực. "Tôi hiểu rằng tôi sẽ bị buộc phải chịu đựng sự khổ đau vì các hành động của mình và việc đưa các thông tin này ra trước công chúng sẽ đánh dấu sự chấm hết của tôi" - Snowden nói với tờ Guardian. Nhưng anh vẫn quyết tâm làm theo lý trí của mình.
Được biết khi rời Hawaii, Snowden nói với bạn gái rằng anh sẽ vắng mặt trong vài tuần, dù không nói rõ về nguyên nhân. "Việc rời khỏi nhà bất thường không có gì lạ với người đã có cả thập kỷ làm việc trong thế giới tình báo" - Snowden nói với Guardian. Nhưng ngay khi đó, anh đã biết rằng mình sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Hành tung bí ẩn
Trong ngày 11/6, Snowden tiếp tục biến mất khỏi khách sạn Mira, nơi anh từng ở tại Hong Kong (Trung Quốc). Hiện chưa rõ anh đã đi đâu, nhưng người ta tin rằng anh chưa rời khỏi Hong Kong.
BBC nói rằng Snowden chưa bị Hong Kong truy nã vì anh tới đây một cách hợp lệ và không phạm pháp gì. Trong trường hợp Mỹ yêu cầu Hong Kong dẫn độ Snowden, Trung Quốc vẫn có thể can thiệp nếu thấy việc dẫn độ ảnh hưởng tới lợi ích hoặc đường lối ngoại giao của họ.
Từ Hong Kong, Snowden có thể di chuyển sang Macau hoặc Trung Quốc. Trước đó anh có nói tới việc xin tị nạn chính trị ở Iceland. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhập cư của Iceland cho biết họ chưa nhận được đề nghị chính thức. Ngoài ra, nếu muốn xin tị nạn ở Iceland, Snowden phải có mặt ở nước này trước.
Cùng ngày, Nga đã bỏ ngỏ cơ hội cho Snowden tị nạn. Tờ Kommersant dẫn lời ông Dmitry Peskov nói rằng Nga sẽ xem xét nếu Snowden đưa ra đề nghị xin tị nạn. "Chúng tôi sẽ hành động dựa trên thực tế diễn ra thế nào. Nếu chúng tôi nhận được đề nghị xin tị nạn, nó sẽ được xem xét" - ông nói với tờ báo.
Thứ 5 tuần trước, vụ bê bối Prism bắt đầu khi tờ Washington Post và Guardian nói rằng NSA đã đặt thiết bị nghe lén vào máy chủ của 9 công ty internet lớn gồm Facebook, Google, Microsoft và Yahoo để theo dõi hoạt động liên lạc qua internet. Prism giúp NSA và Cục Điều tra liên bang Mỹ có thể tiếp cận với các lá thư điện tử, các đoạn chat trên web và các hình thức giao tiếp mạng khác thẳng từ máy chủ của các công ty internet lớn của Mỹ. Dữ liệu thu được sẽ dùng để theo dõi những người nước ngoài bị nghi làm khủng bố hoặc gián điệp. NSA còn thu thập dữ liệu về hoạt động gọi điện thoại của người Mỹ, dù không ghi âm các cuộc gọi. Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper sau đó nói rằng Prism là chương trình hoạt động hoàn toàn hợp pháp. Tổng thống Barack Obama cũng đã lên tiếng bảo vệ chương trình. |
Tường Linh (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất