Tết Việt... 'trăm phần trăm'

05/02/2017 11:33 GMT+7

(lienminhbng.org) - Ngày Tết, trong tiết trời ấm áp xua tan cái giá lạnh của mùa Đông, bên chén rượu thơm mừng Xuân, con người có thể tạm quên đi sự nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật, những rủi ro của năm cũ để chuẩn bị một năm mới với bao kì vọng. Từ bao đời nay, chén rượu Xuân đã trở thành nét văn hóa của người Việt Nam.

Rượu được xem là một phần tất yếu của đấng mày râu dùng để tiếp đãi bạn bè. Khi uống với bạn bè, người ta cùng uống, cùng say để tỏ tình thật với nhau, uống cho sự giao ước, hứa hẹn được bền vững...

Ngày Tết mới thấy sức uống rượu của dân mình là vô biên. Mọi sự thống kê về kỷ lục uống rượu trong năm dường như vô nghĩa. Rượu chảy tràn từ tất niên tổng kết đến tân niên hội họp. Trên Facebook, bên cạnh những bánh chưng, hoa đào… thì chủ yếu là những bàn tiệc với ê hề rượu bia, những mặt đỏ phừng phừng, những pha cụng ly tạo dáng “trăm phần trăm”.

Không biết nhu cầu tình cảm như thế nào nhưng uống rượu mà như lâu lắm rồi chưa từng được uống, chưa từng được gặp, phải uống cho thỏa. Đâu đâu cũng thấy rượu. Và khi đã “nhập hội” phải là người bản lĩnh ghê gớm lắm mới có thể tỉnh táo đứng lên trước khi những người còn lại say quắc cần câu.

Nhưng bao nhiêu người đã không đủ bình tĩnh để ứng xử đúng mực hơn với men say này, để rồi có thể mất đi cả ngày Tết vui vẻ và có khi cả những mạng sống. Bởi có một sự thật như đã ăn vào máu rất nhiều đàn ông chúng ta từ rất lâu, độ nhiệt tình được đánh giá bằng độ say của những người tham dự. Mà dịp tết, người người họp mặt, đồng ngũ, đồng niên, họp lớp, họp họ, họp đại gia đình… dồn dập. Toàn những cuộc khó chối từ. Hơn nữa, Tết nhất là lúc các bà, các mẹ, các chị túi bụi với bếp núc và cũng chẳng thể “mặt nặng mày nhẹ” khuyên can nếu chồng con quá chén.

***

Người xưa có câu “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Ngày Tết, ngoài những cuộc gặp xã giao, đã chúc tụng thì phải rượu. Uống rượu có tính chất cộng đồng, để thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ, để chia sẻ vui buồn, trao đổi thông tin của bạn bè. Có lẽ cách uống rượu cộng đồng trong dịp lễ hội này thể hiện tính đặc trưng của văn hóa làng xã Việt Nam như một tập quán trong giao tiếp xã hội.

Tết Nguyên đán là dịp để gia đình, anh em, bạn bè đoàn tụ, nâng cốc chúc nhau sức khỏe và năm mới an lành. Tuy nhiên, khi vào bàn rượu, rất nhiều người vẫn quan niệm “nam vô tửu như kỳ vô phong”, rằng bản lĩnh đàn ông và sự nhiệt tình được chứng minh qua tửu lượng, theo kiểu: “Thằng ấy nhiệt tình lắm, nó uống say quắc cần câu”.

Lễ hội còn dài, nhưng tiệc rượu Tết có lẽ kết thúc ở đây.

Thảo Vy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm