20/08/2021 05:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Xung quanh phát biểu trên mặt báo của Chủ tịch CLB Hải Phòng, ông Trần Văn Hoàn, về việc không chào đón các cán bộ của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đến Lạch Tray, nhà tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã có công văn yêu cầu phía Hải Phòng giải trình...
Đọc kỹ từng câu, từng chữ trong phát biểu của ông Hoàn "pháo", kể ra thì cũng không có từ nào xúc phạm cán bộ của VPF cả. Chỉ là nói thẳng thế kể cũng... mất hay, nhất là vào thời điểm dịch dã này, nhưng đấy mới là tính khí của người Hải Phòng, ăn sóng nói gió và không lòng vòng.
Cách đây hơn chục năm, CĐV Hải Phòng thời còn Xi măng, đã từng giăng những bandrole, khẩu hiệu rất... Hải Phòng, nhằm vào VFF. Ví như cách chế VFF = "Vietnam - Football - Funny" chẳng hạn hay nhái lại câu nói của cựu Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Trọng Hỷ, rằng "Đi xem bóng đá có nhất thiết phải đông như thế không?".
Giai đoạn 2008-2010 là khoảng thời gian vàng son với bóng đá đất Cảng ở kỷ nguyên V-League, và Lạch Tray được ví như kinh đô của V-League vậy. Mỗi trận đấu ở chảo lửa này là một ngày hội, khi CĐV đến sân rất đông.
Bóng đá là... bóng đá! bất cứ sự can thiệp nào ngoài chuyên môn đều sẽ bị FIFA tuýt còi, thậm chí phạt nặng. Bóng đá thế giới, từ cấp CLB đến ĐTQG, vai trò của CĐV rất quan trọng, có thể làm thay đổi cả chiến lược của CLB. Không thiếu những biểu tình, tẩy chay đội bóng, nếu đi ngược với lợi ích của CĐV và khán giả. Tại Việt Nam, người hâm mộ dường như bao dung hơn và cũng lành hơn.
Trở lại với phát biểu của Chủ tịch Hoàn không đại diện cho Lạch Tray, cho người hâm mộ bóng đá Hải Phòng. Đấy chỉ là quan điểm cá nhân của người đại diện CLB, song cái gì cũng có nguyên do của nó. Mâu thuẫn trong việc dời V-League 2021 đến năm 2022 chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.
Lạch Tray trước đây vẫn thường đón rất nhiều cán bộ bóng đá vi hành, và cả cánh phóng viên thể thao, trong đó người viết cũng có lần! Mỗi bận như thế, phía chủ nhà Hải Phòng lại có chút quà cáp, gọi là xăng xe. Không kể ít nhiều, nhưng đấy là tấm lòng. Không rõ giai đoạn Chủ tịch Trần Mạnh Hùng, rồi Trần Văn Hoàn bây giờ, lệ này còn giữ không? Nhưng việc Lạch Tray không chào đón cán bộ VPF nữa, thì vẻ như đã rạn nứt nhiều rồi.
chuyện của Lạch Tray, lại làm người viết liên tưởng đến rất nhiều "phũ phàng" khác trong mùa dịch này. Người dân theo khuyến cáo của Chỉ thị 16, vốn không ra khỏi nhà, song bỗng dưng có tiếng gõ cửa, thì dù là người quen tìm đến cũng là rất ái ngại. Bởi dịch bệnh không chừa một ai và bất cứ ai trong chúng ta, cũng có thể đang mang mầm bệnh mà không hay biết.
Phóng viên Thể thao & Văn hóa, ngoài tác nghiệp còn trong vai một thành viên của Đội Phản ứng nhanh PNF (TP.HCM) phục vụ công tác phòng chống dịch suốt hơn một tháng qua, thậm chí còn không thể vào nhà ba mẹ để ngủ tạm khi lỡ đường giữa đêm muộn hay ăn vội chén cơm, đặng qua cơn đói. Đi phát quà, lương thực - thực phẩm cho dân trong khu cách ly - phong tỏa, hay chở nhu yếu phẩm - thiết bị y tế đến các bệnh viện, cũng được yêu cầu ngồi yên trên xe, tránh tiếp xúc trực tiếp.
Có vẻ xa cách và không mấy thân thiện nhỉ, nhưng đấy là quy định bắt buộc về giữ khoảng cách, không khác được. Người dân hay các bác sỹ y tá, chỉ kịp nói với theo câu cảm ơn, và chúng tôi đã lao đi rồi, bất kể trong mưa giông hay đêm tối.
Đợt dịch thứ 4 này kéo dài, đặc biệt với TP.HCM và các tỉnh phía Nam, cả xã hội đang gồng lưng ứng phó, chuyện bóng banh lúc này, thật cũng ít ai bàn tới. Ai cũng đã đủ mệt mỏi rồi. Mệt mỏi dễ sinh cáu bẳn, cũng là lẽ thường. Thế nên, nếu có lời nào khó nghe, hoặc không bùi tai hay quen tai như phát biểu của ông Chủ tịch Hoàn, thì cũng coi như đó là một nhắc nhở trong việc chống dịch vậy.
Nếu như không có việc gì quan trọng, thì không nên ra ngoài chứ đừng nói tiếp xúc trực tiếp. Khó chịu cũng phải chịu, nói gì khách không mời mà tới kể cũng kỳ. Thôi hoan hỷ nào, làm gì phải căng?!
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất