23/04/2021 08:20 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Chủ nhật này (25/4), tân binh giải hạng Nhất quốc gia 2021, Phù Đổng FC sẽ có cuộc đón tiếp Huế, trên sân nhà. Ơ hay, hai đội bóng này vừa mới gặp nhau ở lượt trận đầu tiên giải hạng Nhất quốc gia năm nay, trên sân Tự Do, mà không bên nào ghi được bàn thắng cơ mà?
Thực ra, trận tái đấu này thuộc khuôn khổ vòng 1 Cúp quốc gia 2021. Về lý, tính chất các trận đấu là khác nhau, nhưng trên thực tế, vẫn một thứ rượu và một loại bình.
Trong nhiều năm qua, giải hạng Nhất quốc gia theo điều lệ thì.. sạch bóng ngoại binh. Với cầu thủ nhập tịch, vốn cũng đã lão hóa, cũng chỉ được đăng ký nhiều nhất 1 cầu thủ/CLB. Lý do được nhà tổ chức đưa ra là nhằm tạo điều kiện thi đấu nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ. Song cơ bản phải là vấn đề tài chính eo hẹp của các CLB và người ta muốn hướng tới một cuộc chơi công bằng tương đối. Chất lượng các trận đấu và giải đấu vì thế cứ kém dần đi, cho đến khi chẳng ai thèm để ý nữa.
Thế là, thay vì thắp sáng căn phòng bằng với sự nỗ lực tối đa từ nhiều mắt xích cấu thành giải đấu, thì người ta đã tắt đèn đi để tất cả chìm trong bóng tối. Lối tư duy và cách làm này, có lẽ chỉ bóng đá Việt Nam chúng ta mới nghĩ ra.
Sau giải hạng Nhất quốc gia nói không với cầu thủ nước ngoài, V-League từ hơn nửa thập niên qua cũng giới hạn các suất đăng ký ngoại binh, thì đôi ba năm qua, đến lượt các CLB khi thi đấu ở Cúp quốc gia, cũng không được dùng Tây. Lý do, lý trấu thì nhiều, nhưng cơ bản là sự cào bằng để hướng tới sự cạnh tranh công bằng, dù chỉ là lý thuyết. Thứ lý thuyết có lẽ chỉ ở trên bàn giấy.
Nếu bóng đá là sự cào bằng, thì làm gì tồn tại các đội bóng nhà giàu như Real Madrid hay Manchester United..., mà một kế hoạch tổ chức European Super League vừa được phôi thai? Ở Việt Nam, không nhẽ bắt Hà Nội hay B.Bình Dương phải tằn tiện như Than Quảng Ninh hay An Giang, hay nhiều đội bóng hạng Nhì khác, vốn tồn tại được đã là mừng?
Chúng ta thử tưởng tượng thế này. Nếu như kết thúc mùa giải hạng Nhất quốc gia 2021, Phù Đổng FC không thăng hạng, nhưng bất ngờ họ đoạt Cúp quốc gia 2021. Vậy là đương nhiên, Phù Đổng FC với những đáp ứng đủ yêu cầu chuẩn chuyên nghiệp của AFC, sẽ đại diện Việt Nam chơi ở AFC Cup 2022. Và để chinh chiến xa nhà, họ phải sắm thêm 4-5 ngoại binh, ký hợp đồng thời vụ, ngắn hạn cho đến khi nào đội... bị loại thì thôi.
Cầu thủ nào chịu ký hợp đồng thời vụ, nếu không phải mấy ông Tây balo ở Bùi Viện hay Phố cổ ở 2 đầu đất nước! Ở đâu lại có kiểu làm bóng đá ăn xổi thế? Có đấy, ở Việt Nam!
Cách đây vài năm (và hiện vẫn còn tồn tại), các CLB Việt Nam do chỉ được quyền đăng ký 3 (dùng 2) hoặc đăng ký 3 (dùng 3) cho các suất ngoại binh với các trận đấu ở V-League, nên khi thi đấu ở AFC Champions League hay AFC Cup, họ phải nuôi thêm ít nhất một cầu thủ người nước ngoài nữa trong đội. Và để chống lãng phí, thất thoát ngoại tệ, họ đề nghị với BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp, được quyền thay thế một suất ngoại binh, trong trường hợp 1 trong 3 suất đăng ký chính thức gặp chấn thương hoặc thẻ phạt...
Nhưng, trong nhiều trường hợp, BTC đã "SAY NO", rõ nhất là tình huống của V.Ninh Bình mùa giải 2014. Đội bóng này tuy chơi lẹt đẹt ở V-League, nhưng đá rất bốc ở AFC Cup năm ấy và thậm chí vào đến tứ kết, trước khi đại án tiêu cực bị phanh phui, dẫn đến tan đàn xẻ nghé, giải thể luôn.
Chúng ta vẫn luôn miệng hô khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt", trước là kích cầu nền kinh tế, sau lại có thể chống lãng phí. Nhưng bóng đá, và việc kiện toàn - nâng cấp hệ thống các giải chuyên nghiệp, khác với sản xuất, tiêu thụ hàng hóa tiêu dùng tại chỗ. Bóng đá Việt Nam chưa thể tự cường, cũng chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ, nên sự đóng góp của chất xám ngoại lực là cần thiết. Đóng cửa tự chơi, như bế quan tỏa cảng, ngăn sống cấm chợ, chính là đi giật lùi vậy.
Giết gà để lấy trứng, không những không tiết kiệm mà còn phá hoại sản xuất. Thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ mà.
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất