02/12/2021 11:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - (LTS): Ondra Slowik (35 tuổi) nhận bằng tiến sĩ ngôn ngữ năm 2018 tại Đại học Charles (Praha, Séc). Anh lấy tên tiếng Việt là Nam, đã sống tại Việt Nam 7 năm, với vợ và hai con gái là Mai Lâm (4 tuổi) và Minh Anh (1 tuổi). Sau một số truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao và thơ văn của vài tác giả Việt đương đại, anh đang chuẩn bị dịch Lục xì của Vũ Trọng Phụng sang tiếng Séc.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của dịch giả - tiến sĩ Ondra Slowik về việc dịch và phát hành Số đỏ tại Séc năm 2016. Đa số độc giả đọc bản dịch Klikař (Người may mắn) đều khen Vũ Trọng Phụng viết dí dỏm, sâu sắc, hấp dẫn:
Hành trình đặc biệt
Số đỏ là quyển tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên được dịch kể từ 1989, năm mà một cô giáo của tôi đã dịch quyển Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi ra tiếng Séc. Cộng đồng người Việt là dân tộc nước ngoài đông thứ ba tại Séc, được chính phủ chính thức công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14. Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận thì việc tiếp thị, giới thiệu văn hóa - văn học Việt Nam vẫn còn khá thưa thớt, yếu kém, nên khi có một tác phẩm nào đó xuất hiện tại Séc, ít ai kịp chú ý hoặc mua đọc.
Lần đầu tiên tôi được giới thiệu với tác giả Vũ Trọng Phụng là năm 2008, khi còn là sinh viên năm thứ hai của ngành Việt Nam học tại Đại học Charles ở Séc. Lúc đó, tiếng Việt của tôi hoàn toàn chưa đủ để hiểu bài nguyên tác Số đỏ. May mắn là hồi đó giáo sư Peter Zinoman và vợ vừa vừa dịch Số đỏ sang tiếng Anh được ít lâu. Hơn nữa, ông ấy cũng xuất bản mấy bài giới thiệu về Vũ Trọng Phụng và tình hình xã hội, chính trị, lịch sử Việt Nam trước 1945.
Khoảng bốn năm sau, khi tôi du học tại Đại học KHXH&NV Hà Nội, tôi mua quyển Số đỏ bằng tiếng Việt, rồi quyết tâm đọc nó không mà không cần xem bản dịch tiếng Anh nữa. Đọc như thế hơi phức tạp và mất nhiều thời gian, vì tôi phải tra từ điển gần như mỗi câu để hiểu được. Cuối cùng, tôi suy nghĩ, thôi thì dịch luôn từng câu sang tiếng Séc vậy, vừa dịch vừa học.
Đầu tiên, tôi dịch được ba chương, không ngờ được giải thưởng trong một cuộc thi dành cho các dịch giả thanh niên tại Séc. Sau đó, ý định dịch toàn văn Số đỏ mới đến, tiếng Việt của tôi cũng khá hơn, nên mất ba năm nữa thì hoàn thành, dịch mà không đối chiếu với bản dịch tiếng Anh nữa.
Vũ Trọng Phụng sử dụng rất nhiều từ Hán-Việt và thành ngữ, phương ngữ. Tôi phải hỏi nhiều người Việt về ý nghĩa những câu đó, nhưng không phải ai cũng rõ nó là gì, vài giảng viên tại khoa Việt Nam học cũng vậy. Họ nói văn của ông Phụng sắc sảo, đa nghĩa, không dễ gì hiểu hết được. Đến năm 2015, tôi dịch xong...
Lần đầu tiên dịch và in một cuốn sách tại quê nhà, tôi có sự hào hứng và chủ quan nhất định, nên kết quả phải tự đi xin tiền để đủ in 1.500 cuốn. Lúc đầu tôi cứ nghĩ các bản dịch từ ngoại ngữ khác sang tiếng Séc, dịch giả bình thường sẽ được hỗ trợ... Bên Séc có cộng đồng người Việt đông đúc, nhiều người rất giàu có. Cuối cùng, tôi cũng không xin được nhiều tiền cho lắm từ những người giàu có, khá giả, mà đa số là từ những chủ của cửa hàng tạp hóa nhỏ, từ bạn bè Việt Nam và của chính gia đình tôi. Thực tế thì số tiền hỗ trợ lúc đó không được như ý, chỉ khoảng 60 triệu VND, nên không thể in nhiều sách, không thể làm ra mắt, quảng bá, tiếp thị.
NXB bên Séc đảm nhiệm việc phát hành và tự bán sách, nhưng hệ thống cũng không được tốt cho lắm. Vì thế mà không nhiều độc giả biết đến, tôi hỏi nhiều người Séc gốc Việt, làm trong các môi trường sách vở, cũng ít có người biết. Nhưng với những ai đã đọc Số đỏ thì đều cảm thấy yêu thích và họ đánh giá đây là một tác phẩm thực sự thú vị. Hình như sách đã bán hơn 1.000 quyển, vẫn còn tồn kho, nhưng tìm mua không phải dễ, vì hệ thống phân phối yếu, rời rạc.
Đa số độc giả mà tôi biết là trẻ mới lớn, thanh niên gốc Việt, cũng như những người Séc quan tâm đến văn hóa Việt Nam… Độc giả Séc bình thường vốn thích văn học trào phúng, châm biếm, nếu được tiếp thị và phát hành tốt hơn, Số đỏ sẽ còn bán được nhiều hơn.
Xuân Tóc Đỏ và Josef Svejk
Sở thích văn học phù hợp với cách viết văn của Vũ Trọng Phụng không phải là lý do duy nhất khiến tôi chọn dịch Số đỏ. Ở Tiệp Khắc cũ có một tác giả nổi tiếng tên là Jaroslav Hašek (1883 - 1923), mà tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới vừa được Bình Slavická dịch và xuất bản ở Việt Nam năm 2020.
Số phận của Jaroslav Hašek và Vũ Trọng Phụng có nhiều yếu tố giống nhau, cả hai đều qua đời sớm, ông Phụng ở tuổi 26, ông Hašek ở tuổi 37. Cuộc sống của họ đều nghèo túng, đều mất trước khi trở thành nhà văn thật nổi tiếng. Họ đều phải vượt qua vấn đề kiểm duyệt, vì họ viết về những vấn nạn xã hội hơi nhạy cảm. Mặc dù họ thực sự phê bình tình hình xã hội, nhưng cả hai đều sử dụng một cách viết vừa hài hước vừa thông minh, vẫn còn hấp dẫn độc giả thời hiện tại. Xuân Tóc Đỏ và Josef Svejk, hai nhân vật chính, đều là người có vẻ hơi đơn giản bề ngoài, nhưng khi nghiền ngẫm sâu hơn, sẽ nhận ra họ đều tinh khôn, tuy sống xu thời, nhưng vẫn biết dừng ở mức độ nhân đạo.
Nhận thức về thời thế, cách thức sống của Xuân Tóc Đỏ và Josef Svejk giống nhau đến mức khó tin. Ví dụ chuyện Xuân Tóc Đỏ đi tù, thì cũng rất giống chuyện Josef Svejk đi tù. Tôi thấy rất ngạc nhiên rằng hai tác giả từ hai nước xa lạ, chưa thể đọc nhau vì chưa có bản dịch và các bài điểm sách, nhưng lại có cách nhìn xã hội rất giống nhau. Chỉ có thể nói là họ có cùng cảm hứng về thời đại, với bối cảnh xã hội có những nét tương đồng với nhau.
Tôi rất vui khi ngày nay độc giả Séc có thể đọc Vũ Trọng Phụng, còn độc giả Việt thì có thể đọc Jaroslav Hašek. Họ sẽ thích thú khi nhận ra trong quá khứ, đã có những thời đoạn, Việt Nam và Séc khá giống nhau.
(Còn tiếp)
Ondra Slowik
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất