13/02/2018 11:00 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Những người nước ngoài sống ở Hội An, họ không chỉ đi sắm Tết, với họ, đi chợ Tết là một thú vui, ở mảnh đất di sản mà họ đã chọn làm quê hương thứ hai.
Càng gần những ngày cuối năm, không khí Tết ở Hội An càng đậm đặc, chợ Tết được “nở” ra ở những nẻo đường xung quanh chợ trung tâm với nhiều loại hàng chỉ dịp Tết mới có như cát trắng để thay lư hương, các loại mứt, dưa món, bánh tổ, bánh tét… Trong số đông những người đi chợ Tết có rất nhiều người nước ngoài đang sống tại Hội An.
Hội An ngày giáp Tết
Hai vợ chồng Ziv Shalit, chủ một công ty công nghệ thông tin kỹ thuật số đã sống ở Hội An ba năm nói rằng, họ rất thích Hội An những ngày giáp Tết. Những nhà trong xóm lần lượt hoặc cùng lúc quét vôi cho hàng rào trước ngõ, nhà sơn màu xanh, nhà sơn màu trắng, màu vàng, trông nhà nào cũng như mới từ ngoài ngõ. Vợ chồng Ziv Shalit cũng dọn dẹp nhà cửa và vườn tược kỹ lưỡng hơn so với ngày bình thường, đi chợ mua quất, mua hoa về chưng trước nhà.
Anh Ziv Shalit chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt thích không khí chợ Hội An những ngày giáp Tết. Người Hội An mua nhiều mứt, trái cây, những con đường ngập tràn hoa và cây xanh".
Còn nhớ, những ngày chưa có cây cầu Cẩm Kim, Tết thường về bến đò phố Hội sớm hơn với đủ sắc màu và những âm thanh nhộn nhịp xôn xao. Đứng trên đò từ Cẩm Kim sang, từ Cù Lao Chàm về hay từ Chợ Bà, chợ Được, Duy Nghĩa, Câu Lâu xuống... dẫu đò chưa cập bến người ta đã thấy không khí Tết đang chờ trên bờ, ngay sát mép nước sông Hoài vì hàng bánh tráng đã nối hàng đường bát, hàng củ kiệu đã chen hàng cà rốt, củ cải, dưa, hành... khiến chợ Tết “nở” ra từng ngày và tràn khắp con đường Bạch Đằng từ chiều hai mươi tháng Chạp.
Mọi ngả đường, hướng sông đều đổ về chợ Tết, bên bến sông Hoài rồi từ đây Tết lại chia về khắp nẻo với từng nhà, từng người. Vui nhất vẫn là những đứa con nít từ Cẩm Kim, Duy Vinh được mẹ, được dì đưa sang phố Hội sắm quần áo Tết.
Khuôn mặt đứa nào cũng hớn hở vì chỉ lát nữa, khi con đò cập bến sông Hoài, chúng sẽ vừa có quần áo mới, vừa được ăn quà chợ phố, lại được mẹ mua cho một con heo đất hay cái bùng binh của làng gốm Thanh Hà để đựng tiền mừng tuổi.
Thật kỳ lạ, không khí Tết đậm chất quê ngày càng trở nên hiếm hoi này lại là điều rất tự nhiên ngay giữa lòng thành phố được vinh danh di sản văn hóa thế giới, nơi người dân đã rất chuyên nghiệp với những dịch vụ du lịch phục vụ du khách quốc tế. Rất nhiều người nước ngoài cứ đứng mãi ở bến đò sông Hoài để chụp hình những chuyến đò Tết, ghi lại niềm hân hoan trong ánh mắt của trẻ thơ, những nụ cười của người bán, người mua bên những món hàng Tết trên đường Bạch Đằng…
300 gia đình người nước ngoài
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Tết 2018, có chừng hơn 300 gia đình người nước ngoài đang định cư tại Hội An. Hầu hết, đó là những người có vợ hoặc chồng là người Việt Nam, cũng có nhiều gia đình cả vợ chồng đều là người nước ngoài.
Những câu chuyện về sự gặp gỡ, nên duyên ở Hội An nhiều thú vị, sẽ được kể trong một bài viết khác. Từ khi bén duyên với Hội An, những người nước ngoài nhanh chóng được hòa đồng trong cuộc sống ở thành phố di sản - nơi từng diễn ra những đợt nhập cư trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị. Và ngày Tết, ngày giỗ, sự hòa đồng đó càng được thể hiện rõ hơn cả.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, người có nhiều năm nghiên cứu về tình hình biến động dân cư Hội An cho biết: “Hiện nay, ở những vùng ngoại vi phố cổ như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm An đang tập trung nhiều gia đình nước ngoài. Vào những ngày cúng xóm cuối năm, hay tiệc tất niên ở mỗi gia đình, những “ông Tây, bà Tây” cũng được mời đến tham dự, họ cùng ăn những món ăn trong mâm cúng tất niên truyền thống và trò chuyện rôm rả”.
Kể về những bữa tiệc tất niên, vợ chồng Ziv Shalit chia sẻ: “Chúng tôi đều lần lượt đến dự tiệc tất niên ở các nhà trong xóm. Những chủ nhà trong xóm chúng tôi tốt bụng, mến khách, vào những ngày cuối năm, họ nấu những món ăn cực kỳ ngon để cúng ông bà, tổ tiên.
Sau lễ cúng tất niên, hầu hết mọi người trong gia đình đều sum họp để ăn uống. Họ vừa ăn vừa hỏi han, trò chuyện với nhau và trò chuyện với chúng tôi. Nhiều khi chúng tôi không kịp nghe đầy đủ và không hiểu hết ý nghĩa các câu chuyện vì mọi người nói nhanh, nhưng thấy vẻ mặt vui vẻ và sự thân thiện của mọi người trong bàn ăn, chúng tôi cảm thấy như mình đang được ở quê nhà”.
Hơn 10 năm sống ở Hội An, sự nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Réhahn gắn với những bức ảnh anh chụp về cuộc sống sinh động, về những nụ cười nhân hậu và hạnh phúc của người Hội An. Réhahn kể, anh có hai cô con gái nuôi là người Việt Nam nên vào ngày cuối năm, cả nhà thường dùng bữa tối muộn và quây quần đón giao thừa cùng nhau. Khoảnh khắc đón Giao thừa ấm áp, vui vầy, đó là lúc Réhahn cảm thấy hạnh phúc. Mỗi dịp Tết cũng là lúc Réhahn dành thời gian để thăm hỏi động viên những nhân vật của mình, đó là bà cụ Xong lái đò trên sông Hoài, là vợ chồng ông bà Lê Sẻ và Nguyễn Thị Lợi ở làng rau Trà Quế và nhiều bạn bè khác tại Hội An.
Vợ chồng ông bà Lê Sẻ, nhân vật trong bức ảnh đẹp về chuyện tình xuyên thế kỷ do Réhahn chụp đã nổi tiếng trong nước và trên thế giới với nhiều lời ngợi ca trong suốt thời gian qua cũng chính là những người hàng xóm của Réhahn.
Cũng theo một công trình nghiên cứu khoa học của ông Nguyễn Chí Trung về sự biến động dân cư trong quá trình đô thị hóa ở Hội An, lịch sử Hội An có thể coi là lịch sử nhập cư. Những người nước ngoài hay những người Việt từ các vùng miền khác trên toàn quốc đến sinh sống tại Hội An, hòa đồng cùng cuộc sống ở thành phố này và một bộ phận tinh hoa trong số người nhập cư ở ấy đang làm cho thành phố di sản này trở nên quý giá hơn.
Tết đến, Xuân về, những người nước ngoài đang sinh sống ở Hội An không chỉ ăn Tết, chơi Tết mà còn ấp ủ những dự định công việc để cùng người Hội An nói riêng, người Việt Nam nói chung làm cho cuộc sống đẹp hơn, sâu sắc hơn.
(Còn tiếp)
Khiếu Thị Hoài
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất