(lienminhbng.org) - Nhân đọc cuốn Kin Pang Then (NXB Văn hóa Dân tộc, 2009) của Đỗ Thị Tấc trong đó bà khảo cứu sự di chuyển của tộc người Thái Trắng vào tỉnh Lai Châu, không căn cứ vào các sách nghiên cứu mà căn cứ vào gia phả của một số dòng họ người Thái ở đây có nhiều điều bất ngờ. Sau đây chúng tôi coi như tường thuật lại nghiên cứu này của Đỗ Thị Tấc.
1.
Mo tôi xin kính mời
Mời chủ tạo Xoông - tạo Ngần
Người ở trong quả bầu đồng
Giời thả xuống Mường Cang
Để Mường Cang lớn mạnh vững bền
Mường Cang từ thuở xưa cổ kính
Mo tôi xin mời các cụ tạo ông, tạo bà lập bản, dựng Mường, nối dòng cai quản Mường Cang…
(Lời khấn Xên Mường - cúng Mường hàng năm của Mường Cang)
Những dải hoa được làm từ gỗ dùng trong các nghi lễ mo, then
Bà Đỗ Thị Tấc căn cứ vào gia phả của ba dòng họ tạo Mường ở ba Mường điển hình của người Thái Trắng là Mường So (huyện Phong Thổ), Mường Tè (huyện Mường Tè) và Mường Cang (huyện Than Uyên) để nghiên cứu sự di chuyển của các tộc Thái Trắng vào Lại Châu, chứ không dựa vào các nghiên cứu sách vở có trước. Trong các nghiên cứu trước đây thường chỉ dẫn ra sự dịch chuyển của người Thái từ Nam Trung Quốc xuống phía Nam và Tây Nam.
Ba địa điểm này hiện nay đã thay đổi về diện tích và cách quan niệm về địa danh. Ví dụ Mường So hiện chỉ là một xã và là một phần của Chiềng Sa (trung tâm Mường So). Nhưng trước năm 1954, Mường So bao gồm diện tích Lai Châu, và huyện Văn Bàn, huyện Bát Xát của Lào Cai. Mường Cang xưa bao gồm huyện Tân Yên, một phần huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), còn bây giờ Mường Cang chỉ là một xã. Mường Tè nay cũng là một xã, diện tích nhỏ hẹp hơn hai Mường So và Mường Cang. Khái niệm Mường (Muang) chỉ một vùng đất mà người Mường và người Thái sinh sống, to nhỏ không nhất thiết.
Căn cứ vào gia phả của dòng họ tạo đẳm (gốc) Mường Cang, huyện Than Uyên, thì dòng họ này có mặt lâu nhất ở đây, chừng 500 năm trước. Theo nghiên cứu của Đỗ Thị Tấc: Cách đây hơn 500 năm, một đoàn người Thái ở Khoen Bun Lợt (Thái Lan) thường đi buôn ngược dòng Mê Kông, qua Din Lao (Lào) sang Din Ngô (nước Ngô bên Trung Quốc). Họ mang các hàng lâm thổ sản như da, nanh, mật gấu, hổ, nhung nai… sang vùng Đông Nam Trung Quốc bán, rồi mua về vải vóc tơ lụa, thuốc nhuộm.
Người Thái làm hoa gỗ. Ảnh: Đỗ Thị Tấc
Những chuyến đi như vậy kéo dài hai ba năm. Trong một chuyến đi, nhân có ý định tìm đất mới sinh sống, đến Lào, họ không theo sông Mê Kông nữa, mà theo sông Mã vào Sơn La của Din Nam (Việt Nam). Từ Sơn La, họ nhập vào sông Đà, qua đò Pá Uôn vào đất Than Uyên (nay thuộc Lai Châu). Thấy đất đai màu mỡ, họ dừng lại khảo sát và quyết định ở lại. Trong đoàn hơn 20 người này, có hai họ Lò và họ Lìm. Họ Lò làm dòng Tạo (quan lại), họ Lìm làm dòng Mo (thầy cúng). Sau đó họ cử người về Thái Lan đưa vợ con anh em sang, lập bản đầu tiên là bản Pom Ca, tạo bản là Tạo Ta Hưa, mo bản là người họ Lìm. Từ đó, họ phát triển thêm sáu bản cùng với các tộc xung quanh: bản Đán Đăm (bản Đá Đen) ở chân núi Hoàng Liên Sơn, bản Hô Nà ở đầu cánh đồng Mường Cang, bản Nà Ban ở nơi nhiều cây ban, bản Đắc (Xa), ở xa trung tâm, bản Phowng (bản Rơm), bản Muông (bản nhiều cây cổ thụ). Bản Pom Ca lúc đó trở thành Chiềng tức là bản trung tâm. Tạo Ta Hưa trở thành Tạo Đẳm (tạo gốc) được thờ như Thành hoàng của Mường. Từ Tạo Ta Hưa trở xuống có tám đời con cháu nối dõi:
1. Tạo Ta Hưa
2. Tạo Nàng Ngấn Hom (nữ)
3. Tạo Ngấn Ón
4. Tạo Ngấn Mai
5. Tạo Nàng Ngấn Hu (nữ)
6. Tạo Ngấn Yêu
7. Tạo Ngấn Kính
8. Tạo Ngấn Ngơi
Theo quy định của Tạo Mường Cang dòng chính thất con bà cả sẽ được nối đời làm Tạo, nếu không có con trai, thì chọn con gái hoặc con nuôi chuyển họ để nối dòng Tạo. Qua gia phả ta biết có hai lần con gái được làm Tạo, đó là đời thứ hai với Tạo Nàng Ngấn Hom và đời thứ năm với Tạo Nàng Ngấn Hu. Năm 1946, Tạo Ngấn Kính già yếu trao quyền cho con trai là Lò Văn Ngơi (tức Tạo Ngấn Ngơi).
Sau cách mạng, chế độ Phìa Tạo, Lang thuộc về giai cấp thống trị, giống như địa chủ bị giải tán. Ông Tạo Ngấn Ngơi sinh năm 1919, năm 1949, đi theo cách mạng làm dân công tải đạn, tải lương, phục vụ chiến trường dọc tuyến Bảo Hà - Than Uyên. Năm 1954, sau hòa bình ông Ngơi trải qua các công việc giáo viên bình dân học vụ, thuế vụ, Ban Kiến thiết Mặt trận Tổ quốc Than Uyên, đến năm 1971 làm Phó chủ tịch Mặt trận, nghỉ hưu năm 1976 và mất năm 1997, thọ 81 tuổi.
Mâm cỗ ngày lễ, Tết của người Thái. Ảnh: Đỗ Thị Tấc
2.
Theo Đỗ Thị Tấc, thì gia phả này phản ánh sự chuyển dịch của người Thái Trắng vào Lai Châu 500 năm trước. Nhưng theo chúng tôi với tám đời dòng Tạo, mỗi đời cách nhau tính bình quân là 25 năm, thì việc dòng họ này mới đạt 200 năm ở Việt Nam. Dù thế nào đây cũng là tư liệu lịch sử có thật và rất thú vị.
Tuy nhiên gần đây nhất tôi có trao đổi với bà Đỗ Thị Tấc về thời gian và nguồn tư liệu gia phả, bà cho biết người làm Tạo làm đến lúc chết mới truyền cho con cháu, nên thời gian tính từ Tạo này sang Tạo kia rất dài và người Thái lúc đó cũng rất thọ.
Tuy nhiên vào cuối đời ông Tạo Ngấn Ngơi có vụ hỏa hoạn thiêu hủy nhà ông và nhiều nhà trong bản, cuốn gia phả cũng cháy mất. Những năm sau hòa bình có một hiện tượng không hay lắm là các gia đình thuộc đẳng cấp trên của người Thái khi chết chôn luôn gia phả theo chủ nhân. Chữ Thái cổ cũng còn rất ít người đọc được. Câu chuyện trên nếu không khảo cứu lại cẩn thận, dễ bề trở thành truyền thuyết.
(Còn nữa)
Đỗ Thị Tấc (Phan Cẩm Thượng soạn lại và bình chú)
(từ cuốn gia phả họ Lò - Tạo Ta Hưa)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần