25/12/2015 07:13 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Liu Nanfeng có 5 máy lọc không khí trong căn hộ của anh ở Bắc Kinh, cộng thêm 2 máy đo chất lượng không khí và một hệ thống lọc nước sạch. Anh sống trong môi trường hoàn toàn sạch sẽ, ăn bằng rau củ và thịt sạch, nhưng vẫn không ngừng lo ngại rằng sức khỏe đứa con gái 2 tuổi của mình sẽ bị đe dọa.
Những con người sống trong bong bóng
Tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài ở Trung Quốc và các bê bối thường xảy ra, liên quan tới an toàn của sản phẩm tiêu dùng, đã khiến ngày càng nhiều người dân phải tự tạo ra các “bong bóng bảo vệ” quanh mình. Cụ thể, họ mua về vô số máy lọc nước, lọc không khí và sản phẩm được dán mác “sạch”. Họ thậm chí còn đặt máy lọc không khí trong xe hơi.
Sự cẩn thận ấy là không thừa. Tháng này, chính quyền Bắc Kinh đã có 2 lần ban báo động đỏ về ô nhiễm không khí. Lần báo động đầu tiên, Bắc Kinh đã phải đưa ra cảnh báo ở mức cao nhất.
Trong khi không có dữ liệu thống kê chính thức, các chuyên gia phân tích thị trường nói rằng quan điểm của Liu không phải cá biệt. Nó phản ánh mối quan ngại của một bộ phận lớn và ngày càng đông thêm những người tiêu dùng giàu có ở đô thị Trung Quốc.
Các công ty nước ngoài và trong nước hoạt động ở Trung Quốc đã bắt đầu chú ý tới cái gọi là “các gia đình bong bóng – một bộ phận dân số đang phất lên nhờ sự trợ giúp của công nghệ mới và nhờ sự lan tỏa nhanh của thương mại điện tử.
Thông qua việc được chính quyền Trung Quốc công bố thông tin về chất lượng không khí, bên cạnh dữ liệu của đại sứ quán Mỹ và nhiều cơ quan ngoại giao khác, nhận thức của công chúng về các mối đe dọa với môi trường đã tăng lên. Sự thay đổi diễn ra mạnh kể từ khi nhà báo Chai Jing công bố bộ phim tài liệu mang đề tài môi trường có tên Dưới mái vòm vào tháng 2 năm nay.
Các trang web như Taobao.com đã khiến việc tìm mua các sản phẩm từ nước ngoài, vốn được xem là an toàn, trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Làm tất cả để bảo vệ cuộc sống
Với Xue Peng, một kỹ sư hóa học 32 tuổi sống ở Thượng Hải, việc vợ anh mang thai cách đây 3 năm đã thay đổi gần như mọi thứ. "Tôi có một sinh linh cần được bảo vệ. Tôi có trách nhiệm mang tới cho con mình một môi trường an toàn” – anh chia sẻ.
Xue đã chi khoảng 30.000 NDT (4.627 USD) để mua hai máy lọc khí từ Philips và công ty Blueair của Thụy Điển. Anh cũng bỏ ra t hêm 20.000 NDT nữa để mua hệ thống lọc nước từ công ty Ecowater của Mỹ. Anh hạn chế việc mua đồ chơi cho con, chỉ sử dụng hàng của các thương hiệu lớn và uy tín như Lego, Fisher Price.
Theo công ty nghiên cứu tiêu dùng Jigsaw Communispace, ngay sau khi sinh con, nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc đã có nhu cầu tiêu dùng cao cấp và nâng cấp sản phẩm họ vẫn sử dụng.
Min Yoo, giám đốc quản lý tại công ty nghiên cứu thị trường YouGov thì nói rằng không chỉ người sống tại đô thị ở Trung Quốc, thuộc tầng lớp “cổ cồn trắng”, mới quan ngại về vấn đề môi trường và sẵn lòng vung tiền để bảo vệ bản thân. Nỗi lo đã lan tỏa rộng rãi ra xã hội.
Điều đáng chú ý là nỗi lo này mang tới cho các công ty nhiều cơ hội kinh doanh. Tập đoàn Bosch của Đức gần đây đã bắt đầu bán các máy lọc khí trong xe hơi và máy giám sát chất lượng không khí dành riêng cho thị trường Trung Quốc.
Tập đoàn Xiaomi nổi tiếng Trung Quốc thì bán một loạt máy lọc không khí, lọc nước và thiết bị giám sát không khí. Trong đợt khuyến mãi diễn ra hồi tháng 11, công ty đã bán tổng cộng 42.800 máy lọc không khí. Tới giữa tháng 12, công ty đã bán sạch toàn bộ mẫu máy lọc mới, sau khi mới tung nó ra trong ngày 24/11.
Origins Technology, một công ty mới khởi nghiệp ở Bắc Kinh, thì bán các máy đo chất lượng không khí Laser Egg với giá 499 NDT. Thiết bị này đã bán rất chạy trong mấy tuần diễn ra khói bụi vừa qua và nay người ta phải chờ mới có hàng để mua.
Giá đắt để có sự an toàn
Hoạt động nhập khẩu nước đóng chai tăng vọt về số lượng, từ 36 triệu lít cách đây 2 năm, lên 46 triệu lít trong 10 tháng đầu năm nay. Từ năm 2011 tới 2014, việc nhập khẩu thực phẩm và động vật sống cũng tăng 63%.
Công ty Evian quảng bá các chai nước của họ là “sự lựa chọn của nhiều bà mẹ Pháp” và kết quả là hàng tiêu thụ vèo vèo ở Trung Quốc. Trong khi đó, hoạt động buôn bán trên trang Sales at Fruitday, chuyên giao dịch hoa quả nhập khẩu, đã tăng 150% trong năm 2014, lên 500 triệu NDT.
Theo James Roy, một chuyên gia tại Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc, tin tức về hàng giả xuất hiện lan tràn đã khiến nhiều người Trung Quốc khá giả có xu hướng tiêu dùng hàng đắt tiền. Các máy lọc khí cao cấp như Blueair Pro XL có giá tới 23.220 NDT, gần bằng mức thu nhập trung bình ở đô thị Trung Quốc là khoảng 28.844 NDT. Chỉ thay thế các lưới lọc trong những máy này có thể tiêu tốn hàng trăm đô la.
Người dẫn chương trình Juliet Zhu hiện có một máy lọc không khí cao cấp và đã đặt mua toàn bộ quần áo cho con cái cô từ nước ngoài. Chi phí mà cô phải bỏ ra để có cảm giác an toàn là 20.000 NDT mỗi tháng.
Cách nay 2 tháng, Zhu đã cùng con gái tới Thụy Điển định cư. Cô ngỡ ngàng trước chi phí sinh hoạt thấp hơn quê nhà, vui sướng khi có thể uống nước thẳng từ vòi và đặc biệt nhẹ nhõm khi cuối cùng con gái đã được hít thở không khí trong lành, chẳng cần dựa vào máy móc nữa.
Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất