Tác giả Nguyễn Chí Ngoan: Viết để không quên lãng những phận đời

28/09/2020 20:50 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Những nhân vật trong truyện của tôi đa phần là những phận đời tôi bắt gặp trong cuộc sống. Việc đưa họ đến với độc giả là trách nhiệm của bản thân người viết, để họ không bao giờ bị quên lãng” - tác giả Nguyễn Chí Ngoan đưa ra lời khẳng định ấy khi nhắc đến những trang viết của mình.

Hướng tới Giải thưởng Dế mèn: Cửa đã mở rồi, Cao Khải An!

Hướng tới Giải thưởng Dế mèn: Cửa đã mở rồi, Cao Khải An!

Cao Khải An là ai? Tôi tự đặt câu hỏi ấy cho mình khi đọc bản thảo Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm. Google cũng không mang lại cho tôi thông tin gì. Cõi Facebook mênh mông cũng không cho tôi biết Cao Khải An là ai. Nhưng trên màn hình máy tính của tôi, cái tên Cao Khải An được viết dưới tên sách Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm đã bắt đầu hấp dẫn tôi…

Dưới mái trường Tiểu học Thuận Hòa 2, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, có một thầy giáo trẻ ngày ngày lên lớp dẫn dắt các em học sinh nhỏ. Trường quê, ít giáo viên, nên anh cũng là người dạy phần lớn các môn học trong chương trình. Người thầy thầm lặng ấy là nhà văn Nguyễn Chí Ngoan.

Bận rộn là vậy, anh vẫn say mê văn thơ và chăm chỉ sáng tác. Trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, tác giả Nguyễn Chí Ngoan đã hoàn thành tập truyện ngắn thứ 2 của mình là Mộng giang hồ - một tác phẩm mang đậm dấu ấn miền Tây với nhiều day dứt của kiếp người để gửi dự thi Giải Dế Mèn.

Nhà văn Nguyễn Chí Ngoan có cuộc trao đổi với Thể thao và Văn hóa.

Tình đất, tình người là cảm hứng bất tận

* Từng xuất bản tập truyện ngắn đầu tay “Bến chờ” (2019) và có rất nhiều truyện ngắn khác đăng báo, anh có thể tiết lộ cơ duyên nào dẫn anh đến với con đường sáng tác không?

- Từ nhỏ, tôi đã có thói quen đọc sách. Những câu chuyện trong sách luôn cuốn hút tôi nhưng lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ sau này sẽ viết ra những câu chuyện của riêng mình. Đến khi tôi học sư phạm tiểu học, thầy giáo dạy tôi lại là biên tập viên một tờ tạp chí của tỉnh. Thầy luôn động viên sinh viên viết bài gởi cho tạp chí, tôi cũng “liều mình” viết vài bài thơ gởi đi. Không ngờ những bài thơ đó của tôi lại lần lượt được chọn đăng. Kế từ đó, tình yêu văn chương đến với tôi lúc nào không hay.

* Anh bắt đầu viết truyện ngắn đầu tiên khi nào? Nếu được, rất mong anh chia sẻ thêm về “lần đầu tiên” đến với thế giới truyện ngắn này.

- Thật ra trước khi viết truyện ngắn, tôi có một khoảng thời gian khá dài làm thơ và viết tạp bút. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình có thể viết được truyện ngắn. Một lần tình cờ, biên tập viên của tờ báo “đặt hàng” tôi viết một truyện ngắn nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, vì theo biên tập viên ấy, tôi viết tạp bút rất tình cảm. Tôi nhận lời trong lo lắng và cuối cùng sau 2 ngày tôi cũng có truyện gửi cho biên tập viên. Kể từ cái truyện đó, tôi bắt đầu viết truyện nhiều hơn và gắn bó với nó đến tận bây giờ.

* Cảm hứng sáng tác của anh thường đến từ đâu?

- Tôi thường viết về những gì mình quan sát được, về những thân phận con người xung quanh tôi và cả những gì mà mình đã trải qua. Tôi cảm thấy mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở Miệt thứ, vì tình đất và tình người hào sảng nơi đây luôn là cảm hứng bật tận mỗi khi tôi ngồi vào bàn viết.

Chú thích ảnh
Tác giả Nguyễn Chí Ngoan

* Anh có thể chia sẻ thêm về quan niệm sáng tác của mình không?

- Tôi thường chọn những đề tài gần gũi với bản thân, viết lại những gì mình nhìn thấy, mình nghe được. Những nhân vật trong truyện của tôi đa phần là những phận đời tôi bắt gặp trong cuộc sống. Việc đưa họ đến với độc giả là trách nhiệm của bản thân người viết, để họ không bao giờ bị quên lãng.

* Tập truyện ngắn “Mộng giang hồ” hay những truyện ngắn khác của anh thường viết về số phận của những con người ít nhiều bế tắc nơi làng quê Nam Bộ với nhiều cái kết mở, xuyên suốt là cảm xúc man mác buồn. Anh có thể chia sẻ thêm về quá trình hay những kỷ niệm đáng nhớ nhất khi anh viết những truyện ngắn này.

- Phần lớn các sáng tác trong tập truyện ngắn Mộng giang hồ được tôi viết trong những ngày giãn cách xã hội, khi cảm thấy lẻ loi. Bất chợt tôi nhớ tuổi thơ mình da diết, những ký ức ngày xưa cứ ùa về thôi thúc tôi phải viết cái gì đó cho tháng ngày đã qua.

Phần lớn các sáng tác của tôi đều là viết về số phận của những con người ở vùng nông thôn miền Tây heo hút mà tôi từng chứng kiến. Những câu chuyện của họ cứ ám ảnh trong đầu tôi mà chẳng thể nào dứt ra được. Thế là tôi viết. Có thể tôi chưa thật sự khắc họa được hết chân dung của họ thông qua trang viết của mình. Nhưng tôi vui vì mình đã mang họ đến được với độc giả, khóc cười cùng họ.

Có những câu chuyện tôi chứng kiến, cái kết rất bi thảm nhưng khi viết đến đoạn kết tôi không “nỡ” lòng để nhân vật mình phải chịu như thế. Hay có câu chuyện rất nhiều năm sau tôi vẫn chưa từng gặp nhân vật, không biết sau lần gặp cuối cùng đó, họ đã tan vào đâu giữa biển người mênh mông.

Tôi thích nhất là “Mộng giang hồ”

* Trong các sáng tác hiện tại, tác phẩm nào anh ưng ý nhất, và tác phẩm nào anh muốn sửa lại nếu có cơ hội?

- Nếu bảo tôi tìm tác phẩm mình thích nhất thì tôi có thể trả lời ngay là truyện ngắn Mộng giang hồ. Nhưng bảo tôi tìm tác phẩm đến ưng ý nhất với mình thì có lẽ là chưa.

Thật ra có một vài truyện ngắn, ban đầu tôi định viết thành một truyện dài nhưng lại nhận thấy mình chưa có đủ khả năng để viết ra nó, nên tôi viết thành truyện ngắn. Nếu sau này tôi học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và có nhiều thời gian hơn, tôi sẽ viết nó trở lại thành một truyện dài như ý định ban đầu.

* Là một giáo viên tiểu học, anh cảm thấy công việc đang làm giúp ích cho anh như thế nào trong sáng tác?

- Tôi nghĩ ngành nghề nào cũng giúp được ít nhiều trong các sáng tác của người viết. Bản thân là giáo viên tiểu học, hằng ngày được tiếp xúc với các em học sinh hồn nhiên cũng giúp tôi quên đi một phần mệt mỏi của cuộc sống. Bên cạnh đó, công việc này cũng giúp tôi có cơ hội gần gũi với các em nhỏ để viết ra những sáng tác dành cho thiếu nhi một cách hồn nhiên nhất có thể. Và những câu chuyện của phụ huynh học sinh, đồng nghiệp cũng là một trong những chất liệu làm phong phú hơn các sáng tác của tôi.

* Đời sống ngày nay tồn tại Internet, trò chơi điện tử, mạng xã hội và rất nhiều hình thức giải trí khác có thể thu hút giới trẻ, là một 9x đời đầu, lại lựa chọn đi theo văn nghiệp, anh nhận định như thế nào về vai trò của văn chương nói chung đối với đời sống tinh thần của các bạn trẻ?

- Nhiều lúc tôi tự cảm thấy tuổi thơ của mình thật “giàu có”. Tôi được trải qua một khoảng thời gian sống bình yên ở miền quê Miệt thứ mà ở đó chẳng tồn tại Internet, trò chơi điện tử hay các trào lưu trên mạng xã hội. Có lần tôi thấy buồn tan nát với một số trào lưu của giới trẻ hiện nay.

Khi dạy học, tôi luôn khuyên học sinh mình dành thời gian để đọc sách. Những quyển sách sẽ mở ra cho các em một thế giới nhiều màu sắc, ở đó luôn biết cách dạy con người ta trở thành người tử tế. Và giữa thời đại công nghệ lên ngôi, tôi nghĩ vai trò của văn chương thật sự rất quan trọng trong đời sống tinh thần của giới trẻ hiện nay. Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, mỗi một dòng sách đều mang đến cho chúng ta một trải nghiệm mới, giúp chúng ta có cái nhìn lạc quan với cuộc sống.

* Có khi nào anh cảm thấy nản chí, khổ đau, hay nói nhẹ hơn là chán nản trong sáng tác chưa? Nếu có, làm thế nào để anh vượt qua được điều đó?

- Đối với tôi, văn chương là một người bạn. Và công việc sáng tác là nơi để tôi trải lòng mình, viết ra những gì mình muốn nói. Tôi chưa bao giờ đặt nặng vấn đề viết lách để trở thành một ai đó, cũng chưa từng nghĩ mình phải chiến đấu làm sao để người khác nhớ đến tên mình. Cuộc sống ngoài kia chưa đủ phiền muộn sao? Nếu ngay cả công việc viết văn cũng làm khổ đau thì đời buồn quá!

* Xin chân thành cảm ơn anh!

Nguyễn Hoàng Dương (thực hiện)

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 1 - 2020

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm