Nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia được tặng Huân chương Văn học và Nghệ thuật của Pháp

09/03/2016 21:45 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ông Phạm Thế Khang, nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam đã vinh dự nhận Huân chương Văn học và Nghệ thuật của Pháp, do Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean- Noёl Porier trao tặng chiều 9/3/2016, tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ trao tặng Huân chương, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean- Noёl Poirier cho biết: Trong thời gian làm Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam (2000-2009), ông Phạm Thế Khang đã có những đóng góp tích cực, ý nghĩa trong việc quảng bá rộng rãi tới đông đảo bạn đọc Việt Nam về ngôn ngữ cũng như văn hóa Pháp.

“Ông Phạm Thế Khang là một đối tác đáng quý của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn các văn hóa phẩm Pháp ngữ, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam”.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noёl Poirier trao tặng Huân chương Văn học và Nghệ thuật của Pháp cho ông Phạm Thế Khang, Nguyên Giám đốc thư viện Quốc gia Việt Nam.

Trong 10 năm làm Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, ông Phạm Thế Khang đã tổ chức xử lý nghiệp vụ và xây dựng hệ thống tra cứu điện tử cho gần 60.000 tên sách tiếng Pháp xuất bản từ thế kỷ XVII - XX (thời kỳ thư viện do nhà nước Pháp quản lý), phục vụ đông đảo bạn đọc. Ông là người đã bảo vệ thành công quan điểm đề nghị Nhà nước lấy mốc khởi nguồn của Thư viện Quốc gia Việt Nam là Thư viện Trung ương Đông Dương.

Nhờ sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Trung tâm văn hóa Pháp (nay là Viện Pháp) đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá các lĩnh vực về văn hóa Pháp: các cuộc triển lãm sách tiếng Pháp, các cuộc giao lưu, giới thiệu văn hóa Pháp…

Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tiếp nhận và thực hiện dự án “Giữ gìn, phát huy di sản chữ viết cổ và chương trình số hóa một số tài liệu quý hiếm đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam”.

Thư viện đã hoàn thành hơn 70.000 trang số hóa tài liệu quý hiếm và 60 bản đồ cổ của Việt Nam. Từ thành công của các chương trình hợp tác, Đại sứ quán Pháp đã hỗ trợ cho Thư viện Quốc gia Việt Nam nhiều trang thiết bị quí, nhiều tài liệu chuyên môn, tập huấn tham quan học tập về lĩnh vực thư viện tại Pháp…

Hiện nay, Thư viện quốc gia Việt Nam vẫn đang thực hiện các dự án liên quan đến số hóa kho sách cổ tiếng Pháp, vừa tạo điều kiện cho đông đảo công chúng tiếp cận kho kiến thức quý báu này, vừa bảo tồn, bảo quản tốt các tài liệu gốc.

Những nỗ lực của cá nhân ông Phạm Thế Khang cùng các cán bộ Thư viện Quốc gia Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân và 2 Bộ Văn hóa Việt Nam và Pháp; và quảng bá rộng rãi tới đông đảo bạn đọc Việt Nam về ngôn ngữ cũng như văn hóa Pháp.


Ông Phạm Thế Khang, Nguyên Giám đốc thư viện Quốc gia Việt Nam trao tặng Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noёl Poirier một số xuất bản phẩm là sản phẩm của dự án phối hợp cùng Bộ Văn hóa Pháp “Giữ gìn, phát huy di sản chữ viết cổ và chương trình số hóa một số tài liệu quý hiếm đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam” .

Huân chương Văn học và Nghệ thuật của Pháp được đề xướng năm 1957 để vinh danh những cá nhân nổi bật, có nhiều sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, hay có đóng góp cho việc quảng bá văn học nghệ thuật tại Pháp và trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, một số nhân vật đã được nhận Huân chương này là: Đạo diễn Lê Mạnh Thích, nhà tạo mẫu Minh Hạnh, biên đạo múa Nguyễn Công Nhạc, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, dịch giả Dương Tường…

Ông Phạm Thế Khang sinh năm 1949, tại Thanh Hóa. 1966- 1970, ông là  bộ đội, thương binh trong Kháng chiến chống Mỹ. Từ năm 1975 – 1996, ông đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thanh Hóa, Phó Giám đốc sở Văn hóa – Thông tin Thanh Hóa. Năm 1996, ông được cử làm Vụ trưởng Vụ Thư Viện – Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Từ năm 2000 - 2009, ông Phạm Thế Khang làm Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam và có những đóng góp to lớn trong tăng cường hợp tác với Đại sứ quán Pháp,  quảng bá rộng rãi tới đông đảo bạn đọc Việt Nam về ngôn ngữ cũng như văn hóa Pháp.

Châu Minh Hải


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm