18/09/2018 19:25 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Chỉ một con sông Thương thôi nhưng nó đã khiến một người được đào tạo viết văn chuyên nghiệp bỏ bút được 20 năm "nổi hứng" làm một seri 36 bài lục bát về nó và in thành tập Giấc mơ sông Thương.
Người đó là Nguyễn Phúc Lộc Thành, sinh viên Khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du từng gây chú ý trên văn đàn với tiểu thuyết Cõi nhân gian (tái bản 5 lần) và tập truyện ngắn Táo vàng tục lụy hồi những năm 1994-1995.
Một sự "lạ hóa" về lục bát
Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Phúc Lộc Thành tiếp tục giấc mơ về con sông này bằng 2 tập tiếp theo là Chiều và Chân quê, mỗi tập cũng 36 bài. Và để thỏa giấc mơ thơ với con sông này, thỏa với sự dồn nén cảm xúc sau 20 năm gác bút, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã "mix" 3 tập thơ kể trên lại với nhau thành tuyển tập 108 bài lục bát lấy tên Giấc mơ sông Thương.
Đáng chú ý, Nguyễn Phúc Lộc Thành còn "trộn" vào tuyển tập này 18 tác phẩm sơn dầu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn Việt Nam, tạo nên một tuyển tập thi – họa thú vị.
Thú vị là bởi như đã nói, 108 bài thơ trong tập Giấc mơ sông Thương chỉ "rặt" lục bát nhưng cách cảm nhận và thể hiện của tác giả được hầu hết những người trong nghề đánh giá là khá độc đáo, kể từ hệ thống, chủ đề đến lời thơ, giọng điệu, tiết tấu, âm hưởng.
Trong Giấc mơ sông Thương người đọc cảm được thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành có tâm và cảnh, có mẹ, có em, có đời thực, có chiêm bao, có những hữu thể hư không, nhân gian, vũ trụ, có sớm mai và có chiều miên viễn.
Nhà văn, PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn đánh giá: "Thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành đạt đến sự dung hợp tinh túy của trạng thái sex thiền... vượt lên sự phân chia nhị nguyên thanh tục – tục thanh thông thường. Hầu như câu thơ nào của Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng gợi mở, có thể tán thưởng, phân tích, trao đổi, luận bình".
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì đánh giá, bình thường làm thơ lục bát đã khó, đã là một thách thức, đằng này Nguyễn Phúc Lộc Thành "xuất khẩu thành thơ" 108 bài lục bát trong một tập còn khó và thách thức hơn gấp bội. Bởi nếu non tay, người viết sẽ chỉ được những câu vè chứ không phải thơ. Thế mà Nguyễn Phúc Lộc Thành sau một thời gian dài im lặng đã trở lại "làm một hơi dài" với cả trăm bài lục bát, được đánh thức bởi một chiều sông nhưng cách phối âm, phối chữ, phối hình tạo ra một cái mới, một sự "lạ hóa" của lục bát, khiến người đọc rưng rưng.
"Chiếu nghỉ" bằng tranh
Nói về việc vẽ minh họa cho tập thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết ông chỉ vẽ bởi sự hứng khởi khi đọc những bài đầu tiên của tập Giấc mơ sông Thương, như một cậu bé cầm một viên phấn vẽ vào đâu đó trên một bức tường hay trên bất cứ một vật nào đó. Nhưng sau khi xem được những bức sơn dầu đầu tiên của vị đứng đầu NXB Hội Nhà văn, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã bị "chinh phục" và quyết định mời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tiếp tục đồng hành với thơ của anh bằng những họa phẩm, cho dù nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chưa phải là tay cọ chuyên nghiệp.
Và trong vòng gần 1 năm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã vẽ được 18 bức sơn dầu, in trong tập Giấc mơ sông Thương (khổ lớn), còn bản gốc ông tặng lại cho tác giả tập thơ.
"Con số 18 là con số đẹp và hợp với các con số khác về tập thơ như tuyển tập gồm 108 bài, được xuất bản năm 2018. Đó là những con số may mắn" – ông Thiều nói – "Ngoài ra, tôi không muốn tranh lấn át thơ chỉ muốn các bức tranh in trong tuyển tập này như là một "chiếu nghỉ" cho mắt bạn đọc. Đó cũng là phát biểu về thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành bằng tranh của tôi, đặng phần nào giúp người đọc có thể nhìn thấy Giấc mơ sông Thương trong một màu sắc, hình khối, không gian của hội họa".
Nói thêm về thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành, vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, có hai điều thách thức Nguyễn Phúc Lộc Thành là đối tượng rất đỗi quen thuộc (cánh đồng, mẹ, người yêu, gia đình, hàng xóm hay thiên nhiên...) và thách thức thứ hai là thể thơ lục bát, một thể thơ truyền thống tưởng dễ nhưng vô cùng khó.
"Vậy nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành đã bước vào đó, đi qua nó trên một nền tảng cơ bản là sự hứng khởi rất cao, niềm đam mê rất lớn với lục bát. Và bởi thế Nguyễn Phúc Lộc Thành đã mang đến những hình ảnh, ngôn ngữ và khám phá mới cho thể loại thơ lục bát. Chính vì thế thơ của anh đã được rất đông bạn bè, bạn đọc yêu thích", ông Thiều nói.
Được biết, sau lễ ra mắt tại Hà Nội chiều qua (17/9) Giấc mơ sông Thương sẽ tiếp tục được tác giả làm lễ ra mắt bạn đọc miền Trung (tại Đà Nẵng) và bạn đọc phía Nam (tại TP.HCM).
Thời gian tới, Nguyễn Phúc Lộc Thành dự kiến sẽ xuất bản một trường ca với độ dài trên 1.500 câu thơ và thể loại anh chọn vẫn là... lục bát.
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất