Nguyễn Thế Hoàng Linh và trang thơ 'Bắt nạt'

25/08/2021 19:18 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trong năm học mới 2021-2022 các lớp 1, 2, 6 sẽ sử dụng sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phần đầu tiên trong sách Ngữ văn 6 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là loạt bài với chủ đề Tôi và các bạn được dạy trong 16 tiết.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Những cô chủ nhà tí hon của Thu Hằng

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Những cô chủ nhà tí hon của Thu Hằng

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, trong lời nói đầu tập "Truyện ngắn chọc lọc" của Thu Hằng ấn hành 2019 có nhận xét, bà là người “kín tiếng nhất” là người “miệt mài sáng tác văn học trong im lặng”.

Chủ đề tình bạn được học sinh tìm hiểu, qua trích đoạn các tác phẩm văn xuôi của Tô Hoài (Dế mèn phiêu lưu ký), Antoine de Saint-Exupéry (Hoàng tử bé), Nguyễn Nhật Ánh (Tôi và BêTô) và nguyên văn bài thơ Bắt nạt lấy từ tập thơ Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Bài thơ này sau khi được đưa vào sách giáo khoa nó đã làm “dậy sóng” văn đàn…

“Bắt nạt là xấu lắm/ Đừng bắt nạt, bạn ơi/ Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt// Tại sao không học hát/ Nhảy híp-hóp cho hay? /Thời gian trong một ngày/ Đâu để dành bắt nạt// Sao không ăn mù tạt/ Đối diện thử thách đi?/ Thử kẻ yếu làm gì/ Sao không trêu mù tạt?// Những bạn nào nhút nhát/ Thì là giống thỏ non/ Trông đáng yêu đấy chứ/ Sao không yêu, lại còn…?// Đừng bắt nạt người lớn/ Đừng bắt nạt trẻ con/ Đừng bắt nạt nước khác/ Trên khắp trái đất tròn// Đừng bắt nạt mèo chó/ Đừng bắt nạt cái cây/ Đừng bắt nạt ai cả/ Vì bắt nạt dễ lây// Bạn nào bắt nạt bạn/ Cứ đưa bài thơ này/ Bảo nếu cần bắt nạt/ Thì đến gặp tớ ngay// Cứ đến bắt nạt tớ/ Bị bắt nạt quen rồi/ Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi!”.

Chú thích ảnh
Nguyễn Thế Hoàng Linh

Từ chuyện "bắt nạt"

Bài thơ có dùng tới 17 chữ “bắt nạt” (chưa kể tiêu đề) để liên kết ý thơ, nhưng để dạy hay bài này, thầy cô giáo và học trò nên bắt đầu bằng việc đi tìm chữ “bắt nạt” thứ 18 các nhà biên soạn đã “cài” từ trước, như là cách “phục bút biên soạn”. Chữ ấy xuất hiện trong bài đã học mấy tuần trước, (Bài học đường đời đầu tiên trích từ Dế mèn phiêu lưu ký) trong lời nói tội nghiệp của nhân vật đồng thoại Dế Choắt: “Anh đã nghĩ thương em như thế thì hay là anh đào giúp cho em một cái ngách sang bên nhà anh, phòng khi tối lửa tắt đèn, có đứa nào đến bắt nạt thì em chạy sang…”.

Lời báo động, lời khẩn cầu ấy, đã đưa ra từ hơn nửa thế kỷ trước để người thời nay - các bạn lớp 6 có ý kiến, khi anh Dế Mèn ngày ấy đã từ chối - “cho chết” và Dế Choắt chết thật.

Vào bài dạy Bắt nạt, bằng lối liên văn bản như thế, vừa là ôn tập bài cũ để chuyện bắt nạt được lặp lại, trở nên khẩn thiết hơn; vừa là tích hợp thể loại, để học sinh hào hứng tìm hiểu, so sánh cách xử lý nghệ thuật một chủ để chung - chuyện “bắt nạt”, từ 2 thể loại khác nhau, truyện và thơ.

Chú thích ảnh

Bài thơ như là ca từ của một ca khúc. Mạch thơ chỉ là những biện luận nhưng tác giả đưa vào biện luận hình ảnh những sân trường sôi động híp-hóp, nơi có thể hóa giải ngang ngược bắt nạt bằng nhịp nhàng múa ca. Hình ảnh một thiên nhiên tươi xanh, có cây cỏ, loài vật, nơi bắt nạt có thể lấn lướt bằng giết chóc, tàn phá; hình ảnh một thế giới với các đại diện của nhân loại, quốc gia và địa cầu chung, nơi bắt nạt có tên gọi là xâm lăng; hình ảnh một mái ấm gia đình Việt Nam hiện đại đã có món ăn ngoại nhập mù tạt, nơi chỉ người thân với nhau, nhưng nếu không nhường nhịn, không gắng gỏi hòa đồng khẩu vị, thì bắt nạt có thế xuất hiện để phá vỡ hòa khí gia đình!

Nếu trường nào có lớp chuyên văn, thì câu hỏi: “Thử kẻ yếu làm gì/ Sao không trêu mù tạt?” chính là cơ hội để so sánh, giúp học sinh nhìn sâu hơn văn học Việt Nam! Cũng viết về miếng ăn, thời xưa nghèo khó trong truyện dân gian xứ Nghệ có hình tượng cá gỗ mặn chát, trong thơ kháng chiến chống Mỹ, có câu thơ cay xè của Nguyễn Khoa Điềm - “Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi”, tới nay đời sống khá hơn, trong thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, trẻ em đã có thể ăn mà như chơi, chơi trò đồng dao, thứ đồng dao - rap hiện đại.

Nguyễn Thế Hoàng Linh nhập vai một cậu bé lớp 6 mà trình diễn ca khúc thơ này, tính khí nhân vật thơ ca Nguyễn Thế Hoàng Linh, hiện ra trong cách nói của anh ta, thẳng thắn, bốp chát nhưng nhân hậu, dù là thơ thách đấu, nhưng trên sới thơ, chỉ là 4 chữ “bạn” không có chữ “đứa” không có chữ “kẻ”, chỉ là bè bạn, không là kẻ thù với nhau!

Chú thích ảnh
Bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách “Ngữ văn 6” (tập 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”)

Tiếp cận thiếu nhi để viết hay cho các em

Sinh thời nhà phê bình Chu Văn Sơn gọi Bắt nạt là một “chiếc nắng” (vì bài này lấy từ tập thơ thiếu nhi Ra vườn nhặt nắng) và ông bình, trước khi dẫn nguyên văn bài thơ: “Thơ thứ thiệt cho trẻ vốn là dạng đồng dao. Đồng dao là bài hát gắn với trò chơi. Hát để chơi. Và hát mà chơi. Chẳng thế sao? Vừa hát vừa bày trò, là chơi. Hát nhung nhăng cốt để dẫn trò, là chơi. Hát làm nền nhạc cho trò, là chơi. Và, lang thang trong vần điệu, là chơi. Lang bang trong tiết tấu, là chơi. Lông bông trong liên tưởng, là chơi…”.

Thử cùng chơi vần điệu với tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh. Bằng 11 cặp vần, bao gồm cả vần bằng và vần trắc, vần liền và vần cách (ơi-đời, nát-hát, hay-ngay, nạt-tạt, đi-gì, tạt-nhạt, non-còn, con-tròn, cây-lây, này-ngay, rồi-hôi) đà vần của bài mạnh tới mức, có những lúc thanh âm vần đến trước ý nghĩa chữ, tạo cho bài thơ những ruột ngữ nghĩa mới trong vỏ âm thanh cũ.

Chữ “lây” ngoài nghĩa đã ghi trong từ điển bệnh học, còn được thêm cho nó nghĩa văn học - chỉ thói a dua, đua đòi, bắt chước… Thêm được cả một thành ngữ “voi đú, chó đú, chuột chù cũng đú”. Hôi như chuột chù… Chữ “hôi” kết bài “tán xạ” một trường nghĩa rộng mãi theo từng trải của người hiểu luật chơi đồng dao: Quân bắt nạt hôi hám, xấu xí, tham lam như lũ “hôi của", như bọn "đánh hôi”! Và non nớt, háu đá, ngờ nghệch như lũ chíp… “hôi”!

Trên mạng xã hội ngày 21/8/2021, bàn về lối chơi đồng dao của Nguyễn Thế Hoàng Linh trong bài Bắt nạt, nhà văn Trần Đức Tiến, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn VN, nhận xét rất chuyên nghiệp: “… chơi với nhau cả tiếng đồng hồ với bài đồng dao có những câu, đố người lớn hiểu nghĩa... Nhiều lắm ông! Cho nên nhiều khi đem cái hợp lý, phải lẽ ra để áp vào tâm hồn trẻ con, đo đếm chúng, thì lại vô lý và buồn cười. Tất nhiên, đứa trẻ nào rồi cũng lớn lên, thành những người lớn luôn luôn hợp lý, chuẩn mực như nhiều người chúng ta. Nhưng hiện thời, phải biết chúng đang là trẻ con, và muốn sáng tác nghệ thuật cho chúng thì phải tiếp cận chúng càng gần càng tốt”.

Vào làng văn bằng bước lục bát zíc-zắc

Khoảng 20 năm trước người đọc bật cười với thơ chào sân của Nguyễn Thế Hoàng Linh: "Tôi hỏi một không tám không/ Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì/ Chị tổng đài giọng nhu mì/ Màu thì nhiều lắm vặt đi vẫn nhiều/ Hình như là bạn đang yêu?/ Không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên/ Hình như là bạn đang điên?/ Vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han/... Xong xuôi hết bốn chín ngàn".

Thì ra lục bát không chỉ giỏi ai oán. Lục bát còn giúp người Việt cười. Nói trân trọng, kỹ lưỡng như Nguyễn Thế Hoàng Linh trong lời nói đầu (kẹp giữa quyển lục bát) “Mật thư” của mình thì: “… lục bát không chỉ có cái duyên dung dị, nôm na. Lục bát là một chất liệu mềm mại như làn nước nâng đỡ vô số dạng thuyền cảm xúc, tư tưởng”.

Và Nguyễn Thế Hoàng Linh, cứ kiên trì lục bát để làm ra phong cách văn chương của mình, tưng tửng, ngang ngược lệch chuẩn, phớt Ăng-lê, bỡn cợt ngay trong suy tư và triết lý… để bất ngờ, kỳ lạ, ngộ nghĩnh, hóm hỉnh!

Trong làng văn Nguyễn Thế Hoàng Linh là 1 trong số ít những người sống được, sống khỏe bằng sản phẩm thơ “khổng lồ” hàng vạn bài lục bát của mình, bằng cách tự in, tự bán sách và thu phí đọc trên Facebook cá nhân. Trao đổi kinh nghiệm tồn sinh và làm giàu trên mạng xã hội, anh có một so sánh thú vị: “Cái hay không đối lập với cái bán được nên bạn vẫn có thể có được cả 2… Một người có nhiều tác phẩm hay nhưng không biết bán cũng giống như người trồng được dưa ngon nhưng lệ thuộc vào thương lái. Thương lái không đến, dưa ế. Thương lái ép giá, khó giàu. Thương lái ép hướng trồng trọt (sáng tác), mất bản sắc. Bạn muốn giảm phụ thuộc vào thương lái thì ngoài trồng dưa, bạn phải học thêm cách bán dưa”.

Vậy là năm học mới này, chàng thi sĩ "tự sản, tự tiêu dưa" đã có bài thơ vào sách giáo khoa mới!

Vài nét về Nguyễn Thế Hoàng Linh

Nguyễn Thế Hoàng Linh sinh năm 1982 từng học Đại học Ngoại thương Hà Nội. Là tác giả các tập thơ: Lẽ giản đơn, Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới, Hở, Mật thư, Em giấu gì ở trong lòng thế?, Ra vườn nhặt nắng và tiểu thuyết Chuyện của thiên tài. Hiện là người viết tự do, sống ở Hà Nội.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm