04/04/2016 06:12 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Để đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam, ngoài tố chất đặc biệt, nỗ lực tập luyện, sự dìu dắt của các HLV thì sự ủng hộ của gia đình luôn là điều mà Ánh Viên trân trọng nhất. Gia đình của “tiểu tiên cá” Ánh Viên luôn sát cánh bên cạnh con em mình trên con đường khó nhọc hiện tại và cái cách mà họ chấp nhận cho con mình theo thể thao đỉnh cao cũng đáng khâm phục.
Ánh Viên vẫn là cô bé của ấp Ba Cau
Thật thà đúng với phong cách của người dân miền Tây là những ấn tượng ban đầu mà ông Nguyễn Văn Tác, cha của kình ngự Ánh Viên, đã mang lại cho chúng tôi trong dịp ghé thăm nhà Ánh Viên tại Cần Thơ. Với cách nói chuyện dân dã và mộc mạc của một người nông dân, ông Tác bắt đầu câu chuyện của mình không phải bằng những vinh quang mà đứa con gái của mình đã mang về cho Tổ quốc, mà đó là 2 chữ “nhớ con” để mở lòng kể về đứa con gái tên Diệu (tên của Ánh Viên mà gia đình thường gọi ở nhà - PV). Đến nay cũng đã hơn 10 năm, Ánh Viên sống cuộc sống xa gia đình, và cũng kể từ đó những ngày có mặt của Ánh Viên ở gia đình cũng chỉ được đếm trên 10 đầu ngón tay.
“Trước đây, khi Ánh Viên bắt đầu tập trung trên Trung tâm, nhiều bà con, hàng xóm thỉnh thoảng lại bảo gia đình tôi không thương con hay sao mà để thân con gái một mình phải sống xa nhà như thế, tôi và vợ cũng chỉ biết cười. Rồi vợ chồng tự nhủ với lòng vì đam mê, hoài bão của con gái, phải an ủi bản thân để con gái yên tâm mà thành công”, ông Tác ngậm ngùi kể.
Theo ông Tác, trước đây mẹ của Ánh Viên hay trách ông sao lại không theo xem và chăm sóc con gái mình thi đấu. Và từ trước cho đến nay, cũng chỉ đúng 3 lần ông Tác cùng đi với Ánh Viên để thi đấu ở trong nước. Ở nhà nhớ con lắm cũng là lời tâm sự của bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, mẹ Ánh Viên, trong buổi cơm trưa. Cũng vì nhớ con nên 2 vợ chồng ông Tác bà Hồng không biết làm gì ngoài làm việc vặt quanh nhà. Do nhà làm vườn nên lúc nào ông bà cũng có công việc, mà chủ yếu để vơi đi nỗi nhớ con.
Rất nhiều lần, ông Tác kể về cái tính ngây thơ và bình dị của Ánh Viên mặc dù trong những năm qua, Ánh Viên đã mang tiền tỷ về cho gia đình. Ông Tác kể: “Trước giờ, Viên nó về thăm nhà là toàn tôi phải ra trung tâm Cần Thơ rước nó. Mặc dù có xe hơi ở cơ quan đưa tới tận nhà, nhưng nó nhất quyết không chịu, nó gọi cho tôi nói rằng ba ra rước con đi, con đi xe hơi không quen. Viên về nhà, cũng liền thay ra bộ đồ dài, mặc ngay quần đùi với nón lá đi cho gà vịt ăn quanh nhà, rồi cũng nhào ra vườn phụ tôi tưới mấy cây cam, hay đi quanh xóm với lũ trẻ nhỏ… Có lần, tôi lỡ hứa với trung tâm là cho xe sáng hôm sau vào rước Viên, nhưng sáng sớm Viên nó không chịu đi xe hơi, bảo là con ngại mấy chuyện đó lắm, với con muốn ba chở con như lúc trước ba hay chở con đi tập bơi, thế là tôi cũng phải lật đật lấy chiếc xe cũ trước đây ra để đưa nó đi”.
Nói tới đây, ông Tác nghẹo ngào gần như không thể tiếp tục nói vì phải cố kìm nén cảm xúc do quá nhớ con. Những lần về nước vì được nghỉ, Ánh Viên phải tranh thủ ở lại TP.HCM để thi học kỳ, cả gia đình vội vàng thuê một chuyến xe từ Cần Thơ lên TP HCM chỉ để bố mẹ nhìn mặt con vài tiếng đồng hồ trước khi trở về, trả lại sự yên bình cho con học tập và rèn luyện.
Chiếc xe máy Vespa được báo Thể thao & Văn hóa trao tặng cho Ánh Viên ở giải thưởng Ấn tượng vàng SEA Games 27 được gia đình Ánh Viên để ở một nơi trang trọng và vẫn còn rất mới. Theo ông Tác, ở nhà dường như không ai sử dụng chiếc xe này mà chỉ lâu lâu có dịp lấy ra nổ máy hoặc mẹ Ánh Viên đưa cậu em ra trung tâm bơi. Ánh Viên có dặn gia đình đây là phần thưởng có ý nghĩa nên cần phải bảo quản kỹ lưỡng.
Là người đầu tiên dạy Ánh Viên biết bơi từ nhỏ để không bị đuối nước, ông nội Nguyễn Văn Tới của Ánh Viên bây giờ cũng đã lớn tuổi, nhưng hàng ngày ông Tới vẫn cầm chiếc radio trên tay nằm võng nghe đài và cũng để theo dõi tin tức về cô cháu gái của mình.
Ông Tới kể: “Nó đi xa lâu vậy tôi cũng quen rồi, giờ thêm thằng cháu nhỏ cũng đi bơi, giờ không còn đứa cháu nào quấn quýt với tôi hết. Mà thôi chúng nó đi mang huy chương, mang thành công về cho đất nước, vì đất nước, đơn vị đã đầu tư vào cho chúng nó, chúng nó phải vì đó mà cống hiến hết mình. Tôi thương các cháu lắm, cũng mong chúng nó bình an!”
Còn ông Tác thì tiếp lời: “Gia đình tôi bây giờ vẫn làm vườn kiếm đồng ra, đồng vào vẫn thấy vui vì con mình lúc nào cũng nghĩ đến ba mẹ. Viên dù có lớn và nó được bao nhiêu huy chương, thì trong mắt tôi cháu vẫn là bé Diệu của ngày nhỏ thôi”, ông Tác nói với ánh mắt đượm buồn.
Cha và em trai Ánh Viên tại Trung tâm bơi lội Ánh Viên. Ảnh: QT
Tiểu kình ngư lấy chị làm thần tượng
Nếu Ánh Viên mới 20 tuổi đã làm nên nhiều kỳ tích thì cậu em trai Nguyễn Quang Thuấn chỉ mới 10 tuổi đã là VĐV trẻ tuổi nhất ở môn bơi lội trong đội trẻ tại Trung tâm TDTT Quốc phòng 4 (Cần Thơ). Đầu năm 2014, cậu bé nối gót Ánh Viên vào tập tại đây. Sở dĩ, gia đình Ánh Viên muốn cho Thuấn tham gia bơi lội là để em có được điều kiện nâng cao sức khỏe vì mắc bệnh biếng ăn.
Gặp Quang Thuấn tại Trung tâm TTQG 4, ấn tượng của chúng tôi là sự bẽn lẽn và rụt rè của Thuấn trước ống kính, giống hệt cô chị Ánh Viên. Ông Tác cũng có mặt cùng chúng tôi ngồi quan sát Thuấn tập trên khán đài, ông lấy điện thoại ra để ghi hình và mang về cho vợ và ông bà của Thuấn xem, và cũng có lúc ông tự cười một mình khi thấy hình dáng nhỏ bé của con mình so với các đồng đội lớn tuổi khác.
Ông Tác nói: “Nhiều lúc tôi cũng buồn lắm, thấy biết bao đứa trẻ khác bằng tuổi con mình ở xóm, ở cái tuổi ăn, tuổi chơi làm gì cũng được ba mẹ chăm sóc thì con mình lại suốt ngày ngâm mình dưới nước, thấy nó còn nhỏ mà bơi suốt tôi cũng xót lắm, y hệt cái thời mà con Viên nó cũng ra tập ở đây. Dù biết khổ sở trong tập luyện mới có thành công nhưng làm cha mẹ như tôi thì không thể không chạnh lòng. Nó còn nhỏ mà đã biết tự lập, tôi cũng mừng lắm. Thấy nó về nhà tự giặt cho mình cái quần cái áo là vợ chồng tôi cũng tin tưởng nó cũng sẽ khôn ngoan và ngày một trưởng thành như chị hai Ánh Viên của nó”.
Dù không giành được HCV nào ở giải bơi vô địch trẻ quốc gia 2015, nhưng Nguyễn Quang Thuấn cho thấy những yếu tố của một kình ngư hàng đầu giống như người chị gái Ánh Viên, đơn giản bởi em phải chấp nhận thi đấu chấp tuổi với những đối thủ lớn hơn mình rất nhiều.
Đánh giá về cậu học trò nhỏ, HLV Võ Thanh Bình, đồng thời cũng là người thầy đầu tiên của Nguyễn Thị Ánh Viên, cho biết: “Quang Thuấn có niềm đam mê đặc biệt với môn bơi. Em cũng có những tố chất phù hợp như có sải tay dài, cơ thon, độ nổi và lướt nước tốt. Năm nay, em cũng như một VĐV khác của Trung tâm thi đấu “chấp tuổi” nên thành tích không thể bằng các đơn vị khác”.
Khi hỏi vì sao ông Tác lại có 2 đứa con bơi giỏi như thế, lúc này thầy Bình lại nói vui: “Chú Tác là người soi ếch giỏi nhất ấp Ba Cau, có lẽ cho con mình ăn ếch nhiều quá nên tụi nhỏ bơi như ếch đấy”.
Ánh Viên là người có ý chí thép, có hiểu biết và nhận thức rất cao về công việc hay nói đúng hơn, về nghề của mình. Và gia đình Ánh Viên cũng vậy, thương con đồng nghĩa với nghị lực thép để chấp nhận sống xa con, nén nỗi nhớ. Hậu phương vững chắc này mới xây dựng được "cô gái vàng" Nguyễn Thị Ánh Viên, niềm tự hào lớn của thể thao Việt Nam.
Cha Ánh Viên trở thành tuyển trạch viên bơi lội Có cô con gái tài ba, ông Trần Văn Tác cũng được thơm lây và “oai phong” hơn hẳn. Đến nay, ông Tác kiêm luôn công tác tuyển trạch viên cho Trung tâm TDTT Quốc phòng 4. Khoảng chục cái tên được ông Tác “chấm” đưa ra giới thiệu ở đó và cũng còn đến khoảng 5 em trụ lại, đang tập luyện hằng ngày để trở thành VĐV bơi lội. Ông Tác cho biết: “Có lẽ vì có đến 2 đứa con là VĐV bơi lội nên tôi nhìn tướng tá tụi nhỏ tôi thấy tụi nó có tố chất, có khi đang chạy xe trên đường thấy tụi nhỏ bơi dưới con kênh tôi cũng dừng lại xem coi đứa nào bơi giỏi không. Sau đó đến nhà động viên gia đình để mang con ra Trung tâm. Chủ yếu là cho tụi nhỏ chơi thể thao, rèn thêm sức khỏe và nếu được thì giới thiệu nhân tài cho địa phương và cho đất nước”. |
Quốc Tài
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất