Nguyễn Văn Vĩnh là 'cha đẻ' kiểu đánh telex?

15/10/2018 13:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Kiểu gõ telex (dùng cho điện tín hay còn gọi là cách đánh dây thép) chính là sáng kiến của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đưa ra? Việt Nam nên hay không nên có ngày tôn vinh chữ quốc ngữ?

Đó là 2 chủ đề được đông đảo các học giả, bạn đọc quan tâm và thảo luận sôi nổi tại buổi ra mắt sách Lời người Mandi hiện đại - Người yêu tiếng Việt trọn đời của học giả Nguyễn Văn Vĩnh vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Sách được tác giả Nguyễn Lân Bình - hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh dành rất nhiều tâm huyết, công sức để sưu tập, lưu trữ và biên soạn. Và, Lời người Mandi hiện đại - Người yêu tiếng Việt trọn đời cũng là cuốn sách nằm trong bộ sách 14 tập Lời người man di hiện đại, tập hợp những bài viết tiêu biểu của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong suốt 30 năm làm báo (1907-1936) đã và đang được gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn sách

Không quan trọng ai là “cha đẻ”

Nhìn chung, qua tác phẩm này (và 2 tác phẩm đã xuất bản trước đó gồm: Phong tục và thiết chế của người An Nam; Nhời đàn bà) đã giúp giới nghiên cứu và độc giả có thêm cơ hội cảm nhận được niềm say mê, tinh thần hăng hái của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong việc tiên phong chứng minh tính ưu việt của chữ Quốc ngữ trước một thứ chữ đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ là Hán văn và sau đó là Pháp văn, nhằm đưa chữ Quốc ngữ lên vị trí độc tôn, trở thành Quốc tự.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia tại buổi giới thiệu sách, một “phát minh” và cũng là công lao của Nguyễn Văn Vĩnh rất đáng được ghi nhận, đó là “kiểu đánh telex” (kiểu gõ tiếng Việt theo hình thức bỏ dấu của tín hiệu điện tín tiếng Việt, khi nhập văn bản vào máy tính từ bàn phím quốc tế - PV) mà ngày nay chúng ta đều biết chính là sáng kiến của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đưa ra.

Tuy nhiên, về vấn đề này, hiện nay có một số tài liệu lại cho rằng học giả Nguyễn Văn Vĩnh không phải là người đầu tiên nghĩ ra cách đánh telex. Cụ thể, trên tờ Khoa học số 40, ngày 15/2/1933 của tác giả Lê Văn Mãn cho rằng: Ý tưởng thay thế các dấu bằng những con chữ đầu tiên không phải là do ông Vĩnh, mà do một người tên là Phó Đức Thành đề xuất, và đề xuất này đã ra đời sớm hơn 9 năm trước khi ông Vĩnh đề ra “kiểu gõ Telex” vào năm 1928.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Lân Bình, hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Ngoài ra, cũng trên bài báo này, tác giả còn viết “... cách đánh giây thép bằng tiếng Việt Nam, hiện đã có hai phép rất tiện, đã có nghị định cho thi hành, một là phép của ông Brien, giám đốc Bưu chính Đông Dương cũ, hai là phép của ông Francois Henri Schneider là chủ nhân cũ và người sáng lập ra bản quán” (tức báo Khoa học).

Vậy nên, câu hỏi đặt ra là: Trong 3 con người kể trên, ai mới là tác giả thực thụ của “kiểu gõ telex” bây giờ?

Ông Nguyễn Lân Bình, cháu học giả Nguyễn Văn Vĩnh cũng chỉ đưa ra quan điểm: “Tháng 11 năm 2011, tạp chí Tem của Bưu điện Việt Nam đã đăng một bài biết ơn Nguyễn Văn Vĩnh về chữ telex. Nhưng theo tôi, không quan trọng là ai đầu tiên, mà quan trọng là ai đã dành nhiều tâm huyết và đạt được những kết quả đáng kể cho sự tồn tại và phát triển văn hóa của dân tộc”.

Nên có ngày tôn vinh chữ Quốc ngữ

Trả lời câu hỏi: Nhiều năm trước ông đã đề xuất có một ngày nào đó kỷ niệm về chữ Quốc ngữ, coi đó là ngày kỷ niệm ngôn ngữ chính thức của dân tộc Việt, nhưng vì sao cho đến bây giờ vẫn chưa có ngày đó? Ông Nguyễn Lân Bình nói:

“Đây là một vấn đề rất hệ trọng, thế nhưng thật đáng tiếc vấn đề hệ trọng này xuất phát từ một người không có chuyên môn là tôi. Năm 2011, tôi nhận thấy rằng trong tất cả các ngành nghề, các chuyên môn của đất nước này đều có ngày truyền thống, nhưng không có một ngày ghi nhớ giá trị, khẳng định sự bất diệt của chữ Quốc ngữ. Vì thế, tôi mong những người có trách nhiệm hãy tổ chức một hội đồng khoa học để nhìn nhận và đánh giá quá trình tồn tại và phát triển của chữ Quốc ngữ gắn với sự nghiệp văn hoá của Nguyễn Văn Vĩnh”.

Nhiều đại biểu có mặt cũng đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Lân Bình, nhưng đồng thời cũng đưa ra “tư vấn” rằng: Chọn một ngày trong năm để tôn vinh chữ Quốc ngữ không thể vội vàng, cũng nên cần tới sự góp ý của các chuyên gia về văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ. Bởi đến bây giờ, vẫn còn không ít người cho rằng chữ Quốc ngữ là sản phẩm của các nhà truyền giáo phương Tây, chữ Nôm mới thực là sản phẩm “made in Việt Nam”, thì không cần thiết phải có ngày tôn vinh chữ Quốc ngữ!?

Được biết, sau cuốn sách vừa ra mắt, trong những năm tới, Lời người man di hiện đại sẽ tiếp tục được gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh (trong đó có ông Nguyễn Lân Bình) cho ra đời. Các tác phẩm của học giả Nguyễn Văn Vĩnh chủ yếu được lấy từ tờ L’Annam Nouveau (Nước Nam mới), một tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút và đã đoạt Giải thưởng Lớn (Grand Prix) tại Hội chợ báo thuộc địa tại Paris năm 1932.

Dẫu vậy, theo ông Bình, các bài báo trên tờ L’Annam Nouveau là thể hiện sâu sắc, toàn diện nhất suy nghĩ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh về các vấn đề xã hội và gia tộc của học giả đã mua được hơn 500 bài viết tư liệu từ tờ báo này để phục vụ bộ sách.

Vài nét về Nguyễn Văn Vĩnh

Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936), quê gốc Hà Đông, là trí thức tân học, nhà báo, nhà văn tiêu biểu của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Với 30 năm lao động và sáng tạo (1906 - 1936), Nguyễn Văn Vĩnh đã để lại một khối lượng khổng lồ các di cảo, các bản dịch, bút tích liên quan đến việc xây dựng một nền văn học mới, nền văn học chữ Quốc ngữ.

Phạm Huy - Quỳnh Trang

Chữ Quốc ngữ - sự kế thừa và những lần cải cách thảm bại

Chữ Quốc ngữ - sự kế thừa và những lần cải cách thảm bại

“Chữ viết khi đã hình thành và trở thành công cụ của xã hội trong thời gian dài cả thế kỉ thì nó đã mang trong mình những đặc điểm văn hóa của cộng đồng sử dụng nó" – TS Nguyễn Thị Bạch Nhạn khẳng định.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm